02/09/2005 06:21 GMT+7

Hồi ức 2-9

ĐẶNG TƯƠI - ĐỨC BÌNH - TH.H. ghi
ĐẶNG TƯƠI - ĐỨC BÌNH - TH.H. ghi

TT - Đã 60 năm trôi qua kể từ mùa thu cách mạng năm 1945. Những chứng nhân sự kiện trọng đại của dân tộc năm ấy nay vẫn còn nguyên trái tim hồng khi nhớ lại, nhìn lại để bước tiếp.

AEV90SyM.jpgPhóng to
GS Trần Văn Giàu
TT - Đã 60 năm trôi qua kể từ mùa thu cách mạng năm 1945. Những chứng nhân sự kiện trọng đại của dân tộc năm ấy nay vẫn còn nguyên trái tim hồng khi nhớ lại, nhìn lại để bước tiếp.

* GS TRẦN VĂN GIÀU (nguyên bí thư Xứ ủy Nam kỳ, nguyên chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ):

Tóc đã bạc nhưng lòng còn son

20 tuổi tôi qua Pháp, lạ lùng nhất là nhìn thấy nhiều người Tây chống Tây, đứng về phía VN. Đó chính là những người cộng sản Pháp. Tôi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, một cột mốc hết sức quan trọng trong cuộc đời. Tháng 2-1930, khởi nghĩa Yên Bái với qui mô lớn xôn xao dư luận trong nước và thế giới. Nhưng nó thất bại và Pháp bắt xử tù hàng trăm người, đòi xử tử 13 người.

Tôi là một học sinh VN ở Toulouse miền nam nước Pháp, là một trong số những người tổ chức cho hàng trăm HS SV VN ở Pháp biểu tình trước dinh tổng thống Pháp ở Paris ủng hộ khởi nghĩa. Trước đó tôi đã nhiều lần bị bắt trong việc tổ chức các cuộc mittinh và được thả. Lần này tôi cùng 19 người khác bị bắt, bỏ tù một tháng và bị xử trục xuất khỏi nước Pháp.

Wrt65WLq.jpgPhóng to
Sau khi hiệp định Genève được ký kết, ngày 2-12-1954, Chính phủ cử phái đoàn do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu vào thăm đồng bào Nam bộ (ảnh tư liệu Nam bộ kháng chiến). Đây là một trong những tấm ảnh lần đầu công bố trong cuốn sách 60 năm Chính phủ Việt Nam 1945 - 2005

Tôi trở về nước. Trong khi gia đình tưởng sẽ mang về một tấm bằng tiến sĩ hay kỹ sư gì đó thì tôi về với một án chính trị. Đó là chuyện lớn trong đời tôi. Từ đó tôi là một người cách mạng chuyên nghiệp. Tôi được kết nạp ngay vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay đã là đồng chí già 75 tuổi Đảng (cười).

75 năm, ngoài những ngày ở tù, tôi luôn luôn làm việc. Nay 95 tuổi rồi “tóc đã bạc mà lòng vẫn son”, tôi vẫn đang hoàn thành những trang viết cuối cùng của cuộc đời. Tôi muốn nói với tuổi trẻ ngày nay, phải nhìn thấy VN là nước bị các nước lớn nhất trên thế giới xâm lược nhiều lần nhất, nhưng ta đã đập tan xiềng xích, giải phóng mình. Nhìn thấy để bước tiếp.

Và sự nghiệp đất nước VN hôm nay nằm trong tay các cháu.

* Đại tướng CHU HUY MÂN (nguyên tư lệnh Quân khu V, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN):

“Một mùa thu của mấy ngàn thu tích tụ”

DQFAUNPI.jpgPhóng to
Đại tướng Chu Huy Mân ký lưu niệm bên chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc
Đã bước sang tuổi 93, mắt đã đục mờ, tai phải dùng máy trợ thính, sức khỏe “mỗi ngày mỗi khác” nhưng đại tướng Chu Huy Mân vẫn nhớ như in những tháng ngày sục sôi cách mạng. Đại tướng hồi tưởng: “Với tôi, một thời đứng dưới ngọn cờ đỏ búa liềm của Đảng Cộng sản VN những ngày mùa xuân năm 1930, 15 năm sau, cách mạng thành công, chính quyền về tay nhân dân, thật sự sung sướng đến trào nước mắt.

Ngày mittinh ra mắt chính quyền ở Quảng Nam, tôi làm trưởng ban tổ chức. Sau lễ ra mắt chính quyền tôi được phân công làm phó bí thư tỉnh Quảng Nam, phụ trách mảng quân sự. Với trọng trách này, một chiến sĩ cộng sản như tôi vừa mừng vừa lo (đại tướng được kết nạp Đảng Cộng sản VN tháng 12-1930, khi mới 17 tuổi).

Sung sướng lắm, mừng biết bao khi cả dân tộc đã đem sức mình giành lại độc lập tự do từ kẻ thù xâm lược thống trị. Từ đây nhân dân ta làm chủ giang sơn gấm vóc và vận mệnh của mình, cũng từ đây nhân dân viết nên trang sử hào hùng chói lọi, tô thêm truyền thống vinh quang cho muôn đời con cháu.

Mừng vui, nhưng trong thâm tâm cũng vẫn lo. Mình tay không giành chính quyền đã khó. Nhưng bây giờ giữ chính quyền lại còn khó hơn và xây dựng chính quyền lại càng khó khăn gấp bội. Tâm trạng tôi ngày đó là như thế.

Có thể nói thành công của Cách mạng mùa thu năm 1945 là một mùa của mấy ngàn thu tích tụ.

* Ông LƯU VĂN LỢI (nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ)

Tự hào và lo lắng được đứng bảo vệ dưới chân lễ đài

7zbvaLpx.jpgPhóng to
Ông Lưu Văn Lợi
Năm 1945 tôi 32 tuổi, đang làm viên chức nhà đoan (hải quan), nhưng từ khi Nhật đảo chính Pháp (3-1945), chúng tôi hầu như không đến công sở nữa mà chỉ chuyên chú tham gia các hoạt động trong phong trào Văn hóa cứu quốc.

Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời được thành lập, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Nguyễn Hữu Đang phải tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời vào ngày 2-9. Tôi là bạn thân của Nguyễn Hữu Đang nên cũng được anh lôi vào cuộc. Phấn khởi và lo lắng lắm. Bạn bè mỗi người nhận một việc.

Lễ đài do KTS Ngô Huy Quỳnh thiết kế, âm thanh thì do anh Nguyễn Dực là con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Tôi ở trong đội bảo vệ. Chúng tôi đứng thành một vòng danh dự dưới chân lễ đài. Trang phục tự tạo, nhưng đồng loạt mặc quần soọc màu be, đội mũ cát, tay cầm súng moze 635.

Nói thật là súng chỉ có sáu viên đạn thôi, và nếu xảy ra chuyện thì cũng chưa biết sẽ thế nào vì tôi... chưa bao giờ bắn súng cả, nhiều bạn bè tôi đứng đó cũng vậy. Chúng tôi vừa tự hào vì được tin cậy lại vừa hồi hộp, lo lắng vô cùng. Cách mạng thành công rồi, nhưng lực lượng thân Pháp, thân Nhật vẫn còn lại rất nhiều, nhân dân đổ về quảng trường đông thế kia, biết có bất trắc gì không.

Cả biển người chờ đợi, rồi Bác Hồ đến, Bác đi lên lễ đài, chúng tôi căng người lên vì hồi hộp. Tôi nghĩ mình chưa nổ súng bao giờ, nhưng súng này bắn cũng dễ, có chuyện gì xảy ra thì anh em sẽ đồng tâm nhất trí bảo vệ Bác và chính quyền non trẻ. Nhưng tuyệt nhiên không có chuyện gì xảy ra. Lúc ấy, đứng dưới chân lễ đài tôi mới hiểu: mình đã là công dân một nước độc lập, là một người tự do. 60 mùa thu qua rồi mà với tôi, buổi chiều ấy vẫn như ngày hôm qua.

ĐẶNG TƯƠI - ĐỨC BÌNH - TH.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên