Hoạt động này diễn ra rầm rộ, được nhiều giáo viên bàn tán xôn xao về cách chuẩn bị dự thi của mình. Cuộc thi chiếm nhiều thời gian và công sức của giáo viên. Người thì tích cực hưởng ứng với thái độ hưng phấn. Người miễn cưỡng tham gia dù kết quả đến đâu thì đến. Nhưng chắc 100% giáo viên dự thi bởi một lẽ nếu không tham gia thì bị hội đồng thi đua nhà trường khống chế xét thi đua vào cuối năm học.
Mấy năm gần đây, để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đi vào chiều sâu, trở thành thói quen và phổ biến trong nhà trường, ban giám hiệu chú trọng đến việc khuyến khích giáo viên thường xuyên giảng dạy trên giáo án điện tử. Để chuẩn bị cho tiết dạy dự thi của mình suôn sẻ, kết quả được đánh giá cao, bản thân giáo viên lên mạng Internet hay tự tìm tòi tư liệu phục vụ việc thiết kế giáo án. Còn nếu giáo viên tham gia kiểu cho có thì cứ lên mạng tải nguyên giáo án sẵn có về rồi bỏ chút thời gian “gia công” lại cho trở thành sản phẩm của mình. Cá biệt cũng có giáo viên mượn giáo án của giáo viên dạy trường khác để dạy dự thi. Dĩ nhiên các trường hợp này đều bị ban giám khảo loại vì không phải giáo án do chính mình thiết kế. Một trong các hoạt động giúp giáo viên dự thi thành công trong tiết dạy còn có sự hỗ trợ đắc lực, tích cực của học sinh để thầy và trò phối hợp với nhau sao cho nhịp nhàng, ăn ý.
Và điều hiển nhiên ắt phải xảy ra là thầy và trò buộc phải dạy trước và học trước bài dự thi. Bài dạy có bao nhiêu hoạt động, tình huống giải quyết ra sao thầy cứ bày ra hết để rút kinh nghiệm. Có khi thầy phân công sẵn, cụ thể nhóm này làm gì, em nào trả lời câu hỏi, nhóm khác góp ý ra sao... và dượt đi dượt lại nhiều lần đến gần “nhão”, đúng ngày dự thi thầy vô tư mang sản phẩm của mình ra “biểu diễn”. Ban giám khảo, người dự giờ vẫn thấy và biết thầy và trò “đóng kịch” nhưng biết làm sao. Sau cuộc thi dĩ nhiên có xếp thứ hạng cho giáo viên dự thi, nhưng thực tế ít khi rút được kinh nghiệm cho người dạy lẫn người dự một cách thực tế từ đối tượng học sinh lớp mình phụ trách, chưa góp ý sâu giáo viên phối hợp các phương pháp, đồ dùng giảng dạy được sử dụng hỗ trợ thêm để mang lại hiệu quả, mà hình như ban giám khảo chỉ chú ý đến giáo án điện tử của ai chất lượng, hiệu ứng âm thanh hợp lý, màu sắc hài hòa, dễ sử dụng mà đánh giá.
Giá mà hội thi tiết dạy tốt được nhà trường tổ chức thường xuyên quanh năm, ban giám hiệu có kế hoạch thi từng tháng công khai rõ ràng thì giáo viên ít bị áp lực, giáo viên dự thi chỉ được phép chuẩn bị trước giáo án điện tử vài ngày mà không được “gà” học sinh trước. Có vậy cuộc thi mới không chỉ là phong trào. Sau cuộc thi tiết dạy tốt, giáo viên cứ bình thản trở về dạy theo lối truyền thống ít mặn mà với giáo án điện tử vừa tốn công sức vừa nặng tính biểu diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận