19/11/2021 07:57 GMT+7

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội: Đặt những viên gạch đầu tiên

TS TRẦN CÔNG TRỤC
TS TRẦN CÔNG TRỤC

TTO - Từ lần đầu tiên tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông năm 2009, tới nay là hội thảo thứ 13, ban tổ chức đã có kinh nghiệm đáng kể và lần này đặt chủ đề rất trúng, thu hút, mang tính tổng kết, nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội: Đặt những viên gạch đầu tiên - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự ngày đầu tiên của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 tại Hà Nội ngày 18-11 - Ảnh: TUẤN ANH

Là người dự hội thảo ngay từ cuộc đầu tiên và sau đó là vài cuộc khác, tôi thấy hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi chính trị thế giới có những diễn biến mới, đặc biệt là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang ngày càng rõ rệt, có xu thế tác động và chi phối đáng kể tới nhiều khu vực, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương và cụ thể là Biển Đông.

Biển Đông trong "bàn cờ thế" Mỹ - Trung

Khi bàn về tình hình Biển Đông trong bối cảnh quốc tế mới, các chuyên gia chú ý nhiều tới cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cùng những mục tiêu hai nước đặt ra để tranh giành ảnh hưởng tại Biển Đông, tại Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, trong tựu trung đã gặp nhau ở điểm cho rằng trong thời gian tới, Biển Đông "nóng" hay "lạnh" sẽ phụ thuộc rất nhiều vào "nhiệt độ" của mối quan hệ đối đầu chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc.

Có thể thấy các chuyên gia dự hội thảo đã đi trúng vấn đề, tìm ra được gốc rễ của tranh chấp ở Biển Đông hiện nay là gì. Đó là tranh chấp địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự tại khu vực này trong tính toán của các cường quốc. Đó là nguyên nhân quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định làm cho tình hình Biển Đông có thể có những biến động.

Bên cạnh đó, phiên thảo luận về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 chiều 18-11 cũng rất đáng chú ý. Các diễn giả bàn về việc vận dụng, áp dụng công ước trong việc xác lập các vùng biển ở thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mỗi quốc gia trong Biển Đông. 

Nhiều học giả đánh giá cao công ước này, coi nó như một "hiến chương xanh" của nhân loại, có thể tạo ra các quy chế pháp lý quan trọng để mỗi quốc gia căn cứ vào đó xác định phạm vi vùng biển của mình phù hợp với những điều khoản của công ước.

Tại hội thảo, học giả Trung Quốc nói UNCLOS 1982 còn một số điều chưa được chi tiết, cụ thể, thậm chí theo họ là "mơ hồ" nên đã bị các nước khác lợi dụng, đưa ra yêu sách vô lý. 

Tuy nhiên ngay sau ý kiến này, nhiều chuyên gia đã có những bình luận đáp lại, cho rằng mặc dù UNCLOS còn một số quy định cần được cụ thể hóa hơn nhưng công ước này vẫn là cơ sở pháp lý quốc tế để các nước xác định phạm vi vùng biển hợp pháp của họ.

Công ước cũng là cơ sở để các nước giải quyết tranh chấp trong những vùng biển chồng lấn, nó cũng tạo cơ chế để các bên giải quyết xung đột một cách rõ ràng theo luật pháp quốc tế. 

Cũng từ đó, các chuyên gia tham dự hội thảo kêu gọi cần phải chung sức để bảo vệ UNCLOS 1982 và tiếp tục tìm giải pháp cụ thể hơn nữa một số điều khoản, nhất là những điều có thể bị lợi dụng để cố ý diễn giải sai và theo hướng có lợi cho một bên nào đó.

Anh sẽ tiếp tục phản đối các cách giải thích UNCLOS đi ngược lại với luật quốc tế.

Bà AMANDA MILLING (Quốc vụ khanh phụ trách khu vực châu Á, Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh)

Nên hội thảo theo chuyên ngành

Trong những hội thảo quốc tế như thế này, việc chọn chủ đề rất quan trọng và năm nay có thể nói đã đặt ra những "viên gạch đầu tiên" mang tính đi vào chuyên môn cụ thể để có thể tiếp tục thảo luận sâu hơn ở những cuộc sau. 

Tôi cho rằng chúng ta nên tổ chức thảo luận theo từng chuyên ngành cụ thể để đạt được hiệu quả cao hơn. Vì nếu tổ chức thảo luận chung, các ý kiến phát biểu dễ đi vào những nguyên tắc chung, bao quát, rất khó cụ thể.

Do đó có lẽ chúng ta nên tính tới cách tổ chức hội thảo về Biển Đông theo từng khía cạnh chuyên môn. Chẳng hạn về pháp lý, các nhà làm luật có thể ngồi với nhau để bàn bạc hoặc tranh luận về những điều khoản nào của UNCLOS 1982 cần bổ sung hay cần được cụ thể hơn.

Về phương diện khoa học, các chuyên gia nghiên cứu biển có thể ngồi với nhau để định ra những chương trình, dự án hợp tác giúp quá trình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển có những bước tiến mới, tạo điều kiện để các bên ngồi lại với nhau, giải quyết mâu thuẫn. 

Tương tự, các nhà làm công tác chính trị, ngoại giao quan tâm tới bối cảnh khu vực cũng nên có những cuộc trao đổi quan điểm riêng với nhau.

Chúng ta sẽ có được các ý kiến đóng góp từ góc độ chuyên môn của giới học giả, khoa học, giúp các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nước có được những thông tin sâu để tham vấn, từ đó giúp định hướng chính sách tốt hơn, nhất là trong bối cảnh còn nhiều tranh chấp phức tạp tại Biển Đông như hiện nay.

Gần 600 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến

Ngày 18-11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn" đã khai mạc tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội. Có 180 đại biểu dự trực tiếp cùng hơn 400 đại biểu dự trực tuyến. Trong đó gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia và 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Trong ngày 18-11 có 4 phiên đã diễn ra với các chủ đề: Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi; 30 năm sau chiến tranh lạnh: Liệu một cuộc chiến tranh lạnh mới đang nhen nhóm và cách thức ngăn chặn bùng phát thành xung đột; Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua; Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông.

Hôm nay 19-11 tiếp tục 4 phiên với các chủ đề: ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực; Đứt gãy chuỗi cung ứng: Cách thức đảm bảo khả năng phục hồi các tuyến đường biển trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương; Sự minh bạch thông qua công nghệ giám sát.

BẢO ANH

GS Stephen Nagy: Biển Đông có thể tạm yên ắng trước mắt

* Theo ông, có gì mới hơn gần đây trong cách tiếp cận của Mỹ với các vấn đề Biển Đông?

- Theo tôi, Mỹ có cách tiếp cận phân lớp khi can dự các vấn đề ở Biển Đông. Thỏa thuận AUKUS thể hiện cho cái mà chúng ta gọi là năng lực răn đe sẽ được "neo" lại ở chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai, trong đó có Biển Đông. Sự hợp tác răn đe này sẽ đi cùng với cấu trúc an ninh của Mỹ dựa trên nhiều liên minh khác nhau.

Lớp thứ hai và lớp thứ ba là nhóm QUAD, trong đó Mỹ sẽ hợp tác với Nhật, Ấn và Úc để cung cấp hàng hóa công cho khu vực, xây dựng niềm tin của các bên liên quan với các cam kết ngoại giao, kinh tế và an ninh của Mỹ với khu vực.

Điểm cuối cùng tôi nghĩ có lẽ là phần yếu nhất trong sự can dự của Mỹ ở Biển Đông là thiếu một cột trụ kinh tế trong cam kết của họ. Đáng tiếc là chính quyền ông Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (Chuỗi đảo thứ nhất là một nhóm các đảo gồm Đài Loan, Okinawa và Philippines; chuỗi đảo thứ hai thường được tính là từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem là thuộc lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines - PV).

* Ông cũng biết là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vừa được củng cố vị thế rất đáng kể trong hội nghị vừa qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vậy theo ông, Bắc Kinh sẽ có thêm những hành động nào khác trong thời gian tới không, đặc biệt là ở Biển Đông?

- Tôi nghĩ trong khoảng 18 tháng tới sẽ tương đối bình lặng để đảm bảo các vấn đề ở Biển Đông không gây ra những bất ổn cho tình hình nội bộ (của Trung Quốc - PV). Đó sẽ là thời gian dành cho những đề nghị có lợi với Đông Nam Á chủ yếu thông qua hợp tác song phương.

Tuổi Trẻ phỏng vấn GSStephen Nagy, phó giáo sư cao cấp về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại ĐH Cơ Đốc giáo quốc tế của Nhật, một trong những diễn giả của buổi hội thảo sáng 18-11.

D.KIM THOA thực hiện

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Việt Nam: Các chuyên gia đề xuất cách giảm căng thẳng Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Việt Nam: Các chuyên gia đề xuất cách giảm căng thẳng

TTO - Các chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã chỉ ra những rủi ro đối với an ninh và ổn định trên Biển Đông, đề xuất một số cách làm giảm căng thẳng và ngăn căng thẳng leo thang thành xung đột tại khu vực.

TS TRẦN CÔNG TRỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên