29/03/2022 08:47 GMT+7

Hồi sinh nguồn nước, phát triển đô thị ven sông Sài Gòn

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Phát triển bền vững sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ đòi hỏi theo một hệ thống xuyên suốt, một quy hoạch tổng thể. Hành lang pháp lý minh bạch và hài hòa lợi ích để xã hội hóa đầu tư, khuyến khích tổ chức và cá nhân có tiềm lực tham gia.

Hồi sinh nguồn nước, phát triển đô thị ven sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Một đoạn sông Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trên 90% nguồn nước sạch cung cấp sinh hoạt cho người dân TP.HCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Nhưng nhiều đoạn sông Sài Gòn bị ô nhiễm.

Quan tâm đặc biệt môi trường, hồi sinh nguồn nước

Phải kiểm soát nguồn thải dọc sông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nước thải sinh hoạt, công nghiệp phải được xử lý đảm bảo yêu cầu mới được đấu nối ra sông. Xây dựng hệ thống quan trắc để theo dõi, kịp phát hiện những thay đổi chất lượng nguồn nước.

Nạo vét, hút các lớp bùn đen mà dễ thấy nhất mỗi khi thủy triều xuống. Cơ quan chức năng cảnh báo mức độ nguy hại, nguồn ô nhiễm, cách thức ngăn chặn và tuyên truyền cho cộng đồng cùng tham gia. Huy động và tập huấn cho tình nguyện viên thường xuyên vớt rác trên sông, phục hồi các thảm thực vật và thủy hải sản.

Xây kè bảo vệ hai bên bờ, không cấp phép cho các dự án hay công trình lấn sông, kể cả làm công viên. Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang sông, xây dựng trái phép đã có chứng cứ, thậm chí lập biên bản và ban hành quyết định cưỡng chế.

Ứng dụng công nghệ mà bất cứ ai cũng có thể tải về điện thoại theo dõi, góp ý, phản ánh các vi phạm và xả rác xuống sông để kịp xử lý.

Thông suốt đôi bờ sông

Nên làm các tuyến đường hỗn hợp theo dải đất từ quận 1 đến huyện Củ Chi, xử lý cục bộ tại một số vị trí giao cắt với dự án bất động sản. Kết nối giao thông qua lại, phương tiện công cộng, kết hợp đi bộ và xe đạp.

Người dân tản mát, ngắm cảnh, vui chơi, giải trí cũng dễ dàng sử dụng giao thông công cộng. Hành lang bảo vệ mỗi bên rộng từ 30 - 50m. Trồng cây, tăng cường mảng xanh cho TP.HCM.

Xây dựng các công viên lớn nhỏ, vườn dạo bộ, bố trí những dãy ghế đá dọc theo các lối đi. Khu vực tổ chức sự kiện cùng các dịch vụ ẩm thực, kinh doanh, mua bán. Kết nối thuận lợi với địa điểm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật.

Kết nối phát triển giao thông thủy

Buýt đường sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (TP Thủ Đức) không chỉ giúp hành khách thưởng thức không gian thoáng mát, cảnh quan sông nước mà còn giải quyết nhu cầu đi lại.

Kết nối thêm với giao thông đường bộ, hành khách chỉ cần tản bộ một đoạn tới nhà ga metro ngay chợ Bến Thành. Cùng hệ thống xe buýt đi qua các trục đường chính như xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành.

Càng tuyệt vời hơn nếu các phương tiện giao thông thủy vào ra các kênh Đôi, Tàu Hủ, Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và xa hơn là sông Đồng Nai, Soài Rạp cùng với hệ thống kết nối đường thủy từ Đồng bằng sông Cửu Long lên TP.HCM và ngược lại. Lồng ghép phát triển kinh tế du lịch như tổ chức các lễ hội trên sông, chợ nổi.

Chợ hoa càng thêm ấn tượng, chẳng hạn cứ vào tháng chạp các tiểu thương miền Tây chở các loài hoa đến trưng bày và buôn bán dọc hai bên sông Sài Gòn tương tự cảnh chợ hoa Bến Bình Đông (quận 8).

Phát triển đô thị ven sông

Tạo các khu dân cư, đô thị sinh thái, khách sạn và thương mại ngoài hành lang an toàn sông và trong sự hài hòa cảnh quan kiến trúc. Có cơ chế tạo thuận lợi cho cộng đồng, người dân địa phương cùng tham gia phát triển kinh tế "cây nhà lá vườn".

Ưu tiên chọn vùng ven, ngoại thành vừa hạn chế tập trung dân cư quá đông khu vực nội thành gây kẹt xe, ngập nước vừa tạo cơ hội "đánh thức" các vùng đất rộng lớn bỏ hoang bấy lâu rồi tự khu vực này tạo ra giá trị sinh lời và lan tỏa ra các vùng lân cận.

Phù hợp nhất có lẽ là đoạn phía bắc từ huyện Củ Chi đến cầu Bình Phước thuộc địa bàn quận 12 (chiều dài khoảng 54km) và đoạn từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu đi qua quận 12, TP Thủ Đức. Tùy từng vị trí, điều kiện mà quy hoạch các khu chức năng xen cài.

"Đặc sản văn hóa"

Khu vực hội tụ nhiều di sản lịch sử quý giá và được cho là đẹp nhất, biểu tượng cho sông Sài Gòn là đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận, chiều dài khoảng 15km. Kết nối các di sản lịch sử với quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ...

Biến khu vực này thành trục "đặc sản văn hóa" TP.HCM. Chiếu sáng nghệ thuật trang trí các cây cầu vượt Bình Lợi, Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm, Chữ Y, Phú Mỹ để tạo thêm nét chấm phá lung linh cho sông Sài Gòn về đêm.

Tái hiện cảnh truyền thống "trên bến dưới thuyền", tổ chức các trò chơi trên sông như lướt ván, chèo thuyền, du thuyền phục vụ ẩm thực và thưởng thức đờn ca tài tử.

Gìn giữ và phát huy di sản lịch sử

Mới đây cơ quan chức năng đề xuất đặt tên cầu Thủ Thiêm 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 10 năm thành Thủ Thiêm. Cầu Thủ Thiêm 2 theo kế hoạch khai thác trong quý 2-2022, được đề xuất đặt tên Ba Son.

Dự kiến sau này có cầu Thủ Thiêm 3 cũng được đặt tên Thủ Ngữ, cầu Thủ Thiêm 4 tên Bến Nghé. Điều này cho thấy chính quyền mong muốn gìn giữ các giá trị địa danh văn hóa, lưu lại các dấu tích xưa.

Cần phát huy giá trị này song hành cùng với quá trình phát triển, lưu truyền quảng bá rộng rãi cho muôn đời sau. Những dấu tích xưa nào giờ không còn vẫn nên đặt những bảng kỷ niệm và thông tin lịch sử theo các hình thức thiết kế phù hợp như Bến Nghé, Bến Ngự, Thủy Các, Gia Tân, Cây Bàng, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ...

Trưng bày những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật xưa như các cầu tàu, bến phà Thủ Thiêm, cầu sắt Bình Lợi sau khi tháo dỡ hiện đang được lưu giữ. Xâu chuỗi các giá trị di sản thành câu chuyện giáo dục, phục vụ văn hóa, phát triển du lịch để ai đến cũng có thể biết lịch sử hình thành và phát triển Sài Gòn - TP.HCM.

Hồi sinh nguồn nước, phát triển đô thị ven sông Sài Gòn - Ảnh 2.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Khôi phục bản sắc đô thị sông nước của Sài Gòn - TP.HCM Khôi phục bản sắc đô thị sông nước của Sài Gòn - TP.HCM

TTO - Từ bao đời nay, Sài Gòn - TP.HCM luôn mang dấu ấn của đô thị sông nước bởi hệ thống kênh rạch hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của vùng đất này.

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên