27/08/2018 11:35 GMT+7

Hồi sinh một ca bệnh hoại tử

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Hai năm trước, bàn chân trái của chàng trai trẻ Nguyễn Anh Huy (18 tuổi, quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đột nhiên bị ngứa, càng gãi càng đỏ ửng.

Hồi sinh một ca bệnh hoại tử - Ảnh 1.

Huy may mắn giữ lại được bàn chân bị hoại tử vì bệnh dị dạng động tĩnh mạch - Ảnh: HOÀNG LỘC

Diện tích ngứa ngày càng lan rộng ra khắp bàn chân, kèm theo đó là những biểu hiện sưng phù, loét...

"Lúc đầu em nghĩ mình bị ngứa thông thường nên chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống. Uống mãi không giảm, em tiếp tục tìm đến một số phòng khám, bệnh viện tư rồi bệnh viện huyện, tỉnh xét nghiệm. 

Ở những nơi này bác sĩ đều có chung chẩn đoán rằng em bị nhiễm trùng rồi cho uống thuốc hoặc tiêm điều trị" - Huy kể.

Ca bệnh đặc biệt

Một thời gian dài điều trị ở địa phương, bệnh tình Huy trở nên nghiêm trọng, gia đình quyết định đưa Huy vào TP.HCM kiểm tra. 

Khi đến một bệnh viện lớn ở TP, bàn chân Huy đang bước sang giai đoạn hoại tử, các bác sĩ phải nạo rửa vết thương. 

Sau khi cho xét nghiệm tủy, siêu âm mạch máu khoảng hai tuần, Huy được phẫu thuật thắt mạch máu. Sau đó, bác sĩ tiếp tục kê đơn các loại thuốc uống, xịt, cho Huy xuất viện về nhà theo dõi nhưng bệnh không thuyên giảm.

Huy suy sụp khi đứng trước nghịch cảnh phải cắt bỏ cả bàn chân bị hoại tử. Vô vọng, gia đình đưa Huy tìm đến các chùa chiền, uống đủ các phương thuốc "bí ẩn" trước khi tìm đến Bệnh viện Đại học Y dược "cầu cứu".

Sau 5 lần được bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược điều trị, bàn chân của Huy dần hồng hào, có thể cựa quậy...

BS Lê Thanh Phong - người trực tiếp điều trị cho Huy - cho biết với các triệu chứng nêu trên Huy được chẩn đoán dị dạng động tĩnh mạch, việc Huy không phải cắt bỏ cả bàn chân là điều vô cùng may mắn. 

"Huy nhập viện trong tình trạng một phần bàn chân chuyển màu đen, bị lở loét, thối thịt ở diện rộng. Nhờ can thiệp kịp thời Huy chỉ bị cắt phần hoại tử là hai ngón chân, hiện nay đã bình phục trên 90%" - BS Phong nói.

Dị dạng mạch máu có nhiều thể, trong đó thể dị dạng động tĩnh mạch từ trước đến nay được cho là không điều trị được. Hiện nay, trong nước mới chỉ có vài đơn vị điều trị thành công bệnh lý này

BS LÊ THANH PHONG

Hai cách can thiệp

Theo BS Lê Thanh Phong, dị dạng động tĩnh mạch là bệnh lý bẩm sinh, xuất phát từ sự bất thường trong phát triển của các mạch máu của thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ. Bệnh lý này có thể phát triển, nằm ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như chân, đùi, bụng, mặt, cẳng tay và cả trong não.

BS Phong cho biết bệnh lý này phát triển qua 4 giai đoạn. Ban đầu bệnh "im lặng", biểu hiện bên ngoài chỉ là một cái bớt xanh xanh, tim tím, ấm. Giai đoạn này có thể phát hiện bằng siêu âm mạch máu. 

Kế đến, theo thời gian ổ dị dạng tăng kích thước, đập theo nhịp tim, sờ vào có cảm giác rung như sờ vào lưng mèo, có thể biểu hiện ra ngoài bởi các tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da. 

Nếu không được chẩn đoán điều trị đúng, bệnh chuyển sang giai đoạn phá hủy. Giai đoạn này vùng da bị biến đổi kèm theo dấu hiệu bị lở loét, chảy máu và hoại tử. 

Cuối cùng, bệnh nhân bị suy tim dẫn đến tử vong do biến chứng.

Việc phát hiện điều trị bệnh sớm vô cùng quan trọng. Hiện có 2 phương pháp điều trị chính gồm phẫu thuật và can thiệp nội mạch. 

Phương pháp phẫu thuật chỉ có thể xử lý với một số rất ít bệnh với ổ dị dạng kích thước nhỏ, khu trú và nằm ở những vùng có thể cắt bỏ hoàn toàn mới có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật. Nếu cắt không trọn vẹn, phần còn sót lại sẽ tái sinh. 

Còn can thiệp nội mạch là dùng các phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, bằng cách đâm kim vào trong mạch máu, qua đó đưa những ống dẫn rất nhỏ đến tận bên trong ổ dị dạng bơm thuốc làm tiêu hủy dị dạng. 

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất chất ethanol đậm đặc là có thể tiêu hủy ổ dị dạng, đồng thời triệt tiêu khả năng tái sinh của dị dạng.

"Tuy nhiên, việc can thiệp này phải được thực hiện dần dần nhằm tránh phá hủy quá mức gây hoại tử mô cơ thể. Vì vậy, bệnh cần được điều trị thành nhiều đợt nhằm làm teo nhỏ khối dị dạng mạch máu dần dần. 

Có thể kết hợp phẫu thuật lấy bỏ khối dị dạng được bơm tắc nhằm loại bỏ toàn bộ khối dị dạng mạch máu" - BS Trần Minh Bảo Luân, khoa phẫu thuật lồng ngực và mạch máu của bệnh viện, tư vấn. 

BS Luân khuyên ngay khi phát hiện khối dị dạng mạch máu xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể nên cần xác định thể của bệnh và có chiến lược can thiệp thích hợp.

Hai nhóm dị dạng

BS Trần Minh Bảo Luân cho biết dị dạng mạch máu được chia làm 2 nhóm chính, gồm dị dạng mạch máu lưu lượng thấp và dị dạng mạch máu lưu lượng cao.

Hiện nay tại Việt Nam bệnh lý này chưa có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, theo thống kê tại Mỹ, dị dạng mạch máu chiếm 1% dân số. Trong đó, dị dạng tĩnh mạch (lưu lượng thấp) chiếm tỉ lệ cao nhất với 40% tổn thương ở tay hoặc chân, 40% vùng đầu mặt cổ và 20% ở thân mình. Còn dị dạng động tĩnh mạch (lưu lượng thấp) chiếm tỉ lệ chỉ 10% gặp ở vùng tay, chân.

Suýt bị hoại tử vì đeo nhẫn vào "của quý" Suýt bị hoại tử vì đeo nhẫn vào 'của quý'

TTO - Người đàn ông 68 tuổi đeo nhẫn vào dương vật khoảng 1 tháng đã được đưa vào bệnh viện mổ cắt nhẫn kịp thời, tránh được hoại tử.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên