Vui chơi tại VinWonders Phú Quốc - Ảnh: V.P
Việt Nam đã được công nhận trên toàn thế giới là một trong những quốc gia chống dịch hiệu quả nhất. Và tất nhiên, du khách cả trong lẫn ngoài nước sẽ thấy yên tâm khi đi du lịch ở một nơi như thế.
Làm gì để du lịch hồi sinh?
Trong năm 2019, du lịch nội địa đóng góp 40% trong tổng doanh thu của ngành, đó là một tỉ lệ lớn. Đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy du lịch trong nước, nhưng điều này cũng đòi hỏi những ý tưởng mới để khởi động lại thị trường.
Từ tháng 5 các chuyến bay nội địa, xe lửa, xe khách liên tỉnh, xe buýt đã được hoạt động trở lại. Hiện tại, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, khu vui chơi tầm cỡ đang đưa ra những gói khuyến mãi hấp dẫn. Đó là điều cần thiết và đúng đắn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn vào một lượng khách không nhỏ có khuynh hướng chọn cơ sở lưu trú bình dân, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách sạn 2-3 sao. Đây lại là những doanh nghiệp "mệt" nhất trong mùa dịch.
Chúng ta đã thấy có rất nhiều doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa này phải đóng cửa hoàn toàn, cho nhân viên nghỉ việc. Liệu họ có hồi sinh nổi để tham gia chiến dịch tái thiết du lịch sau dịch? Và liệu Chính phủ có thể xem xét trợ cấp cho các doanh nghiệp này?
Một vấn đề khác với du lịch nội địa, theo tôi, là đa dạng hóa các điểm đến du lịch, đó là điều mà Chính phủ cần xem xét lúc này. Du khách trong nước có xu hướng đi đến một vài điểm nổi tiếng như Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc...
Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều điểm du lịch thú vị khác nữa. Chính phủ và khối tư nhân nên có chiến dịch dài hạn quảng bá du lịch tới những địa điểm khác để tránh tình trạng quá tải khi mùa hè tới.
Có một điều chắc chắn rằng nhu cầu về trải nghiệm, khám phá những điểm mới của con người luôn hiện hữu. Điều quan trọng là tìm ra cách để đáp ứng nhu cầu này với trọng tâm là phòng ngừa dịch, và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Ông Don Lam, tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital
Phải nghĩ đến thu hút khách quốc tế
Theo tôi, việc tập trung kích cầu du lịch nội địa bằng slogan "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" trong thời điểm này là chính xác. Nhưng, song song đó cũng cần phải chuẩn bị đón khách, thu hút khách khi việc giao thông toàn cầu mở cửa.
Chúng ta hãy nhìn sang Thái Lan, họ cũng đang kêu gọi người dân đi du lịch nội địa, nhưng cũng đang tính đến việc bán những gói tour nghỉ dưỡng dài ngày, khu resort biệt lập cho khách quốc tế, tập trung vào nhóm khách cao cấp, chịu chi.
Việt Nam có thể tung ra các sản phẩm tương tự, thậm chí hoàn toàn có thể thu hút tốt hơn nhờ vào yếu tố "an toàn" nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt.
Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể giới thiệu với du khách nước ngoài một gói du lịch mang tên "An toàn". Việc này thể hiện sự tự tin của Chính phủ và sự tin tưởng của du khách.
Du khách sẽ được xét nghiệm COVID-19 trước khi lên máy bay đến Việt Nam. Đây có thể trở thành tiêu chuẩn trong tương lai được ví như ý tưởng "hộ chiếu miễn dịch" hoặc chứng nhận không có rủi ro để được vào một quốc gia.
Đến Việt Nam, du khách sẽ được nghỉ tại một số khu nghỉ dưỡng khép kín đã chỉ định sẵn cho chương trình, nơi các nhân viên được xét nghiệm COVID-19 thường xuyên. Các khu nghỉ dưỡng tham gia chương trình này sẽ cần phải có một diện tích lớn, tích hợp các điểm tham quan và hoạt động hấp dẫn như bãi biển đẹp, chơi thể thao dưới nước, hoặc các dịch vụ giải trí như casino... Các quy trình về giao hàng, sát khuẩn hay các biện pháp kiểm soát khác cũng được đảm bảo tối đa về an toàn y tế.
Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl, hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Diễn đàn gồm các hoạt động truyền thông, cuộc thi Quê hương tôi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận