14/10/2019 09:21 GMT+7

Hồi sinh bàn tay đứt lìa cho bé 1 tuổi

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - "Hạnh phúc với kết quả thức trắng đêm vi phẫu cho em bé 12 tháng tuổi. Mong các đồng nghiệp chung sức đừng ngại khó vì trẻ thơ".


Hồi sinh bàn tay đứt lìa cho bé 1 tuổi - Ảnh 1.

Bé Trương Đăng Khoa tươi cười bên giường bệnh với mẹ - Ảnh: D.PHAN

Ngoài tay nghề, kinh nghiệm, với một ca vi phẫu cho bệnh nhân nhỏ bé như thế đòi hỏi phẫu thuật viên phải có sự quyết đoán, dám đương đầu và trên hết là tình thương yêu trẻ em mới có thể vượt qua mọi thử thách.

BS PHAN ĐỨC MINH MẪN

Ngành vi phẫu rất cực, và có thể nói đóng góp của các bác sĩ cho ngành này vô cùng thầm lặng. Họ hao tâm, tổn lực nhưng thù lao cho các phẫu thuật viên vi phẫu quả thực chưa tương xứng.

Ông CHÂU VĂN ĐÍNH (giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM)

Mười ngày sau ca vi phẫu nối bàn tay cho Khoa, trang Facebook của BS Phan Đức Minh Mẫn - trưởng khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - đăng dòng trạng thái: "Hạnh phúc với kết quả thức trắng đêm vi phẫu cho em bé 12 tháng tuổi. Mong các đồng nghiệp chung sức đừng ngại khó vì trẻ thơ". 

Và cũng nhờ vào tấm lòng "không ngại khó với trẻ thơ" ấy mà hôm nay bàn tay vốn bị cắt lìa của bé Khoa dần "sống lại", từng ngón tay đã có thể cựa quậy…

Tai họa bất ngờ

Trải qua chuỗi ngày có thể nói là ác mộng, Củ Gừng (tên gọi ở nhà của bé Trương Đăng Khoa) say giấc trên giường bệnh với hai bàn tay được băng bó trắng toát. Khoa chỉ khóc khi cô y tá thay băng rửa vết thương.

Nhưng cũng chỉ một lúc thôi, cậu bé lại nép vào ngực mẹ, lại nhoẻn miệng cười tươi như chưa từng phải chịu đựng một cơn đau nào cả.

"Sau hôm phẫu thuật bé chỉ sốt chút xíu. Từ bữa tới nay bé ngoan lắm, cơm cháo ăn uống bình thường và không quấy khóc gì cả" - anh Trương Văn Minh Khánh (23 tuổi, ba của Khoa) nói.

Nét mặt vẫn còn ám ảnh, anh Khánh kể hôm bé Khoa bị nạn, anh cùng vợ đang bận chăm người con lớn bị viêm đường ruột ở bệnh viện.

Mọi tai họa ập đến với Khoa bắt nguồn từ chiếc xe gắn máy mới mua của người chú. "Hôm đó, em ruột tôi vừa mua chiếc xe máy về để trong nhà. Lúc đang nổ máy thử (vào số) bất ngờ Khoa bò từ ngoài vào thò tay trúng dây xích đang chạy rồi đứt tay" - anh Khánh kể.

Hay tin bé Khoa gặp nạn, anh Khánh và vợ vẫn không nghĩ vết thương nặng đến thế. Chỉ đến lúc nhìn thấy bàn tay con bị đứt lìa, máu me đầm đìa, vợ chồng anh mới thực sự hoảng loạn.

Rất may mắn là các bác sĩ ở bệnh viện địa phương đã khẩn trương sơ cứu cầm máu, băng bó vết thương, đồng thời bảo quản bàn tay đứt lìa trong thùng đá. Rồi bé Khoa được đưa cấp tốc lên TP.HCM cấp cứu.

Phải mất 6 tiếng với 3 lần chuyển viện bé Khoa mới có mặt ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để cấp cứu. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán đứt lìa bàn tay trái, giập nát 2 ngón ở bàn tay phải, kèm theo đó là các vết thương ở tay bị bầm giập rất nhiều.

Để cứu lấy đôi bàn tay cho bé, êkip do BS Phan Đức Minh Mẫn làm phẫu thuật viên chính đã khẩn cấp phẫu thuật. Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ.

8 giờ cứu chữa

Gần 20 năm trong nghề vi phẫu nhưng khi trực tiếp nhìn thấy bàn tay đứt lìa của bé Khoa, BS Mẫn nói "mình rất sốc". Và điều may mắn với bé Khoa là khâu sơ cứu ban đầu như băng ép tay tránh mất máu, bảo quản bàn tay đứt lìa vào bịch bóng ngâm trong thùng đá… đã được các bệnh viện tuyến dưới làm rất tốt.

Ngày cuối tuần, các bác sĩ đều trải qua rất nhiều ca phẫu thuật căng thẳng, mệt mỏi trước đó. Nhưng khi chữa trị cho bé Khoa ai nấy đều… tỉnh ngủ. "Nếu chúng tôi không cứu được bàn tay của bé thì tương lai bé phải chịu một thương tật rất nặng nề" - BS Mẫn quả quyết. Và ngay lúc đó, với quyết tâm giữ lại bàn tay cho bé Khoa, êkip gồm 4 phẫu thuật viên và một bác sĩ gây mê lao vào ca vi phẫu kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ.

Các bác sĩ tỉ mẩn cắt lọc rửa vết thương, nơi có rất nhiều vị trí dính nhớt bẩn, nguy cơ nhiễm trùng, rồi lần lượt nối vi phẫu dưới kính hiển vi các động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh và các gân gấp. Để tránh bị tác động, tay của Khoa được đóng đinh, nẹp từ cẳng bàn tay ra đầu các ngón tay.

Quá trình vi phẫu không hề dễ dàng. "Vi phẫu với người lớn chúng tôi làm thường xuyên và rất dễ làm bởi mạch máu lớn. Nhưng với trẻ em, lại mới chỉ 1 tuổi là ca bệnh vô cùng thử thách" - BS Mẫn cho biết.

Thử thách mà BS Mẫn nhắc tới đó là mạch máu của Khoa rất nhỏ gây khó khăn cho việc khâu nối. Đặc biệt từ trước tới nay hầu hết các ca vi phẫu đều làm ban ngày, riêng trường hợp bé Khoa kéo dài suốt 8 tiếng lúc nửa đêm về sáng.

Điều này tạo áp lực đè nặng lên bác sĩ gây mê. Bởi với một em bé, việc gây mê kéo dài suốt một đêm không phải là việc đơn giản, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Không chỉ vậy, vị trí bàn tay được xem là nơi có rất nhiều nhánh máu, với vết thương của Khoa có nhiều nhánh máu không thể lưu thông buộc phẫu thuật viên phải làm tới lui nhiều lần để khơi thông từng mạch máu nhỏ như sợi tóc.

Hồi sinh bàn tay đứt lìa cho bé 1 tuổi - Ảnh 4.

Nhóm bác sĩ thực hiện ca vi phẫu bên bé Khoa và gia đình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bàn tay chắc chắn được cứu sống

Sau 10 ngày phẫu thuật, các bác sĩ có thể thở phào khi biết rằng bàn tay của Khoa chắc chắn được cứu sống tới 90%.

Khả năng phục hồi các chức năng vận động khoảng 60% trong tương lai. "Bây giờ phải thật cẩn trọng trong cử động để đợi cho gân nối thật chặt. Sau 3 tuần, nếu bé không bị nhiễm trùng, có thể cử động được và để hoàn thiện, bé còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật ghép gân phục hồi chức năng" - một bác sĩ trong êkip nói.

Là người trẻ tuổi nhất trong nhóm phẫu thuật viên, BS Thanh Nhã tâm sự trước khi bước vào ca vi phẫu, bản thân anh nghĩ tới quãng đường tương lai phía trước của bé Khoa.

"Tôi rất mừng vì đây là lần đầu tiên được tham gia ca vi phẫu cho bé nhỏ tuổi nhất. Sự hồi sinh bàn tay của bé như tiếp thêm niềm tin và động lực để tôi có thể thực hiện nhiều ca phức tạp chờ mình phía trước" - BS Nhã tâm sự.

Ca vi phẫu đặc biệt

Ông Châu Văn Đính - giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - cho biết các bác sĩ của bệnh viện thường xuyên phải đối diện với các ca bệnh khó.

Nhưng có thể khẳng định trường hợp bé Khoa là ca bệnh rất đặc biệt và cả bệnh viện hiện nay chỉ có 5 - 7 bác sĩ dám thực hiện ca vi phẫu này. "Chỉ người có kinh nghiệm và tâm huyết như BS Mẫn mới có thể nối liền các mạch máu nhỏ hơn sợi tóc để cứu sống bàn tay cho bé Khoa" - BS Đính chia sẻ.

Cho xe máy mới chạy rô-đa, bé trai 1 tuổi bị sên xe máy quấn đứt lìa tay Cho xe máy mới chạy rô-đa, bé trai 1 tuổi bị sên xe máy quấn đứt lìa tay

TTO - Bé trai một tuổi, quê Đồng Tháp vừa được Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nối liền bàn tay trái sau khi bị dây sên xe máy quấn đứt lìa.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên