Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM ứng dụng cấy thể hang nhân tạo cho hai bệnh nhân ở Hưng Yên và TP.HCM - Ảnh: BVCC
Và kỹ thuật này vừa được Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) ứng dụng thành công cho hai bệnh nhân có độ tuổi từ 36 - 52 ở Hưng Yên và TP.HCM.
Một trong hai bệnh nhân bị rối loạn cương 15 năm nay, từng phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn và điều trị liệt dương bằng các loại thuốc đông, tây y nhưng không đáp ứng.
Bệnh nhân còn lại chưa lập gia đình bị chấn thương niệu đạo, vỡ vùng chậu sau một vụ tai nạn giao thông...
Bật "công tắc" trị rối loạn cương
Thể hang nhân tạo được hình dung là một thiết bị nhỏ được bác sĩ phẫu thuật đặt khéo léo vào vùng sinh dục của người bệnh, đảm bảo chức năng cương, tính kín đáo và thuận tiện trong sinh hoạt.
Thiết bị này gồm hai thanh hình trụ đặt vào hai bên thể hang, một túi chứa đặt ở sau xương mu và một bơm đặt ở bìu người bệnh. Nó được thiết kế như một "công tắc" giúp người sử dụng chủ động bật hoặc tắt chức năng cương. Ba bộ phận này được kết nối với nhau bằng hệ thống dây dẫn nằm ẩn bên trong cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân - cho rằng dù có những tiến bộ lớn trong hiểu biết về sinh lý, sinh bệnh học của rối loạn cương và sự phát triển trong các liệu pháp điều trị bằng thuốc, nhưng rối loạn cương vẫn là một vấn đề sức khỏe nam giới toàn cầu với cảnh báo: đến năm 2025 có khoảng 15% nam giới thế giới (tức khoảng 322 triệu người) trên 65 tuổi bị tác động bởi rối loạn cương.
"Điều trị rối loạn cương nội khoa, trong đó sử dụng nhóm thuốc ức chế men giúp người bệnh thoát khỏi sự phụ thuộc những phương pháp xâm lấn trước đây. Nhưng có 30% người bệnh kém đáp ứng với liệu pháp thuốc uống, đặc biệt trên những người bệnh khó điều trị như đái tháo đường" - bác sĩ Hoàng phân tích.
Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sự tự tin của nam giới và bạn đời của họ.
Trả lại chức năng "trời phú"
Theo TS.BS Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, tại nước ta từ trước đến nay chưa thực hiện đặt thể hang trong điều trị rối loạn cương.
Với nhu cầu điều trị ngày càng lớn và để trả lại chức năng "trời phú" cho phái mạnh, đơn vị trải qua quá trình cử bác sĩ đi đào tạo tại Đức, Mỹ, đồng thời mời chuyên gia đến đơn vị tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm.
Ngày 3-7 vừa qua đánh dấu một bước tiến mới trong điều trị rối loạn cương, khi Bệnh viện Nhân Dân 115 chính thức ghi tên mình là nơi đầu tiên ở VN ứng dụng kỹ thuật cấy thể hang nhân tạo với sự hỗ trợ chuyên môn của bác sĩ Seen Sung Hun Park (Đại học Y khoa Ajou, Suwon, Hàn Quốc), người có kinh nghiệm phẫu thuật thành công 1.500 ca rối loạn cương.
TS.BS Trương Hoàng Minh - trưởng khoa ngoại niệu - ghép thận (Bệnh viện Nhân Dân 115) cho biết hai nam bệnh nhân là ông T.C.C. (67 tuổi) và N.C.L. (64 tuổi) bị rối loạn cương mức độ nặng trong nhiều năm.
Trước đó, cả hai người này đều được điều trị qua các phương pháp như điều trị nội khoa, sóng xung kích tần số thấp... tuy nhiên không đáp ứng được hiệu quả điều trị như mong muốn.
Điều đặc biệt là hai ca phẫu thuật này chỉ diễn ra trong thời gian 50 phút/ca. Đây được đánh giá là con số kỷ lục về thời gian phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo.
"Thể hang nhân tạo được đặt sâu giữa bìu, không hề vướng víu, nếu sờ vào giống như một tinh hoàn thứ 3. Kết cấu như một "công tắc" có thể kích hoạt khi có nhu cầu và tắt đi khi không còn nhu cầu" - bác sĩ Minh chia sẻ.
Từ kết quả này, dự kiến thời gian tới đơn vị sẽ cho ra đời trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo cho các bệnh viện khắp cả nước.
Theo bác sĩ Seen Sung Hun Park, đặt thể hang nhân tạo được coi là phẫu thuật cao cấp với chi phí khá đắt đỏ. Mức giá dao động (tùy nước) khoảng từ 20.000 - 25.000 USD/ca.
Điều này tỏ ra khá hợp lý bởi thể hang là dụng cụ cơ học bền nhất hiện nay và có thể giúp người RLC sử dụng trong vòng 10 - 15 năm.
"Đây là phẫu thuật rất phức tạp. Hai biến chứng phổ biến là nhiễm trùng và rối loạn bất thường của thiết bị. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là nhiễm trùng. Đến thời điểm hiện tại không có phương pháp nào để nhận biết bệnh nhân có nhiễm trùng hay không. Do đó khi đặt thể hang nhân tạo, kỹ thuật viên cần phải hết sức thận trọng và phải có kinh nghiệm" - bác sĩ Seen Sung Hun Park nói.
15 - 17% nam giới Việt Nam cần điều trị rối loạn cương
Kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo được áp dụng rộng rãi từ những năm 1970 và điều trị thành công cho hơn 300.000 nam giới bị rối loạn cương tại Hoa Kỳ.
Để thực hiện được phẫu thuật này đòi hỏi bác sĩ nam khoa có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật đặt thể hang cũng như tuân thủ nguyên tắc vô trùng cực kỳ nghiêm ngặt.
Nhiều nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ hài lòng của người bệnh nam giới và bạn đời sau phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo lên đến hơn 90%.
Báo cáo gần nhất cho thấy hiện có khoảng 15 - 17% nam giới ở nước ta bị RLC cần phải điều trị. Trong đó, tại Bệnh viện Bình Dân mỗi năm có khoảng 9.000 lượt nam giới đến thăm khám về rối loạn cương.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 8.200 lượt người bệnh ngoại trú mong muốn tìm được giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn đề sức khỏe này.
Cả bác sĩ và người bệnh phải xóa bỏ rào cản
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - phó chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam, trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM - cho rằng rối loạn cương thường xuất hiện ở các bệnh nhân có bệnh lý đi kèm như trầm cảm, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Để điều trị RLC đang là một rào cản rất lớn không chỉ của người bệnh mà còn đến từ phía các bác sĩ.
Ở người bệnh, họ thường không tìm đến bác sĩ để được tư vấn bởi cho rằng đây không phải là vấn đề sức khỏe mà do tuổi già, không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi. Đặc biệt, họ không có sự tin tưởng vào bác sĩ.
"Tâm lý tự ti, thiếu niềm tin vào kết quả điều trị... đó là lý do khiến người bệnh không tìm đến bác sĩ mà tự tìm đến "bác sĩ Google" để giải quyết" - bác sĩ Dũng nói.
Ở góc độ bác sĩ điều trị, theo bác sĩ Dũng, hiện thực tế điều trị RLC hiện nay có lỗ hổng trong nhận thức. Tức là bản thân bác sĩ cũng bối rối, chỉ nghĩ đến các vấn đề sức khỏe quan trọng như cấp cứu.
Đặc biệt, họ thiếu cập nhật thông tin y khoa hoặc chưa được đào tạo đúng chuẩn để thực hành. "Không tự tin, không có sự riêng tư và không có lịch tái khám... đó chính là rào cản bệnh nhân phải xóa bỏ để hợp tác điều trị rối loạn cương nhằm hướng đến sự hài lòng trong cuộc sống" - bác sĩ Dũng chia sẻ.
Khi nào nên phẫu thuật ghép thể hang nhân tạo?
Đặt thể hang nhân tạo là một lựa chọn nếu:
* Đã được điều trị với các thuốc ức chế men PDE5 (PDE5i) và tiêm vào thể hang mà không đạt được hiệu quả điều trị mong muốn.
* Không thể sử dụng PDE5i hoặc tiêm vào thể hang.
* Đã thử PDE5i và tiêm thể hang nhưng không hài lòng và muốn có giải pháp lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận