Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Ảnh: CHÍ QUỐC
"Người lãnh đạo địa phương phải nhìn thấy giá trị vô hình đó mới có thể dẫn dắt, cùng người dân vượt qua những khó khăn trong hành trình phát triển du lịch cộng đồng", ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước sự kiện Tuần lễ du lịch Đồng Tháp 2019 diễn ra từ ngày 10-7 đến 14-7.
"Tôi cảm nhận một điều rằng chính quyền Đồng Tháp cầu thị, cởi mở. Du lịch Đồng Tháp tôi tin sẽ thành công vì các anh có quyết tâm, suy nghĩ thiệt, hành động thiệt, thích nói thiệt".
Ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam.
*Thưa ông, vì sao Đồng Tháp chọn du lịch cộng đồng mà không là những loại hình khác?
- Giá trị mà du lịch cộng đồng mang lại là vô cùng lớn. Nhiều nông dân đã làm du lịch tâm sự, quanh năm họ chỉ lủi thủi trong nhà, ngoài ruộng, quần quật, mưu sinh. Từ khi làm du lịch, khách khắp nơi tìm đến. Nhiều du khách có trình độ cao, qua tiếp xúc, trò chuyện, họ được mở mang đầu óc, thay đổi từ cách ứng xử, ăn nói phải chuẩn mực hơn, nhà cửa sạch đẹp hơn.
Bắt đầu đổi thay từng người, rồi lan tỏa ra những hộ xung quanh, dần dà tác động lên cả cộng đồng cùng thay đổi.
Kể cả trong ý thức sản xuất nông sản, khi trước, làm ra xong, thương lái đến mua và chở đi. Còn giờ làm du lịch, khách thưởng thức tại vườn, nông dân cũng phải sản xuất khác trước, sạch hơn, an toàn hơn, trách nhiệm hơn.
Riêng du lịch nông nghiệp còn kéo thế hệ trẻ quay về quê nhà bằng tình yêu, sự tự hào với quê hương. Có người kể rằng, khi hỏi một đứa trẻ, con gà từ đâu ra, chúng trả lời từ trong tủ lạnh ra. Câu chuyện chỉ là ẩn dụ về thế hệ trẻ chưa có cơ hội trải nghiệm cuộc sống bên ngoài, nhưng cũng đặt ra bài toán cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chính là để khơi gợi tình yêu quê hương, xứ sở, yêu nông thôn, yêu người nông dân, những người đã tạo ra giá trị cuộc sống.
Nhiều bạn trẻ còn chia sẻ rằng tụi cháu làm du lịch là vì có trách nhiệm với cộng đồng, muốn giới thiệu hình ảnh quê hương với bạn bè khắp nơi. Tất cả những thay đổi đó là điều mà tôi mong mỏi.
Vườn quốc gia Tràm Chim tổ chức cho du khách trải nghiệm cảm giác đánh bắt cá trên đồng mùa nước nổi - Ảnh: NGỌC TÀI
*Vì sao ông cho rằng làm du lịch cộng đồng phải đi từ thay đổi tư duy, thẩm thấu giá trị mới đến bài toán kinh tế?
- Làm du lịch, có hai cách, hoặc đặt bài toán kinh tế trước, hoặc tìm kiếm những giá trị mang lại cho cộng đồng trước. Cách nào cũng đi đến đáp án cuối cùng là kinh tế.
Tuy nhiên tôi thấy rằng, làm du lịch rất cần sự sáng tạo, đam mê.
Nếu nghĩ đến giá trị kinh tế trước, bạn sẽ phải tính toán chi li, lỗ lời rồi lại mất đi hứng thú, sáng tạo. Thay vì vậy, mình cứ làm hết mình đi, cháy hết mình đi. Khi mình làm với tâm thế, thái độ nhiệt tình, chân thành nhất, thành công sẽ đến.
Không chỉ người làm du lịch, mà người lãnh đạo địa phương cũng phải hiểu được, nhìn thấy được những giá trị vô hình do du lịch cộng đồng mang lại. Nếu không, họ sẽ cho rằng giá trị, thu nhập từ du lịch cộng đồng nhỏ lắm, không bằng kéo một nhà máy, một đại gia về đầu tư một công trình lớn.
Tất nhiên, khách sạn 5 sao, một sân golf có những giá trị riêng, nhưng lại khép kín trong bốn bức tường, đối tượng thụ hưởng chỉ là những người chủ, nhà đầu tư đó. Còn du lịch cộng đồng khi làm đúng nghĩa, cộng đồng đó được chia sẻ lợi ích, nhiều người chia sẻ lợi ích thì nhiều người giữ gìn, rồi nhiều sáng kiến nảy ra.
* Những bài học nào Đồng Tháp đã rút ra trong việc phát triển du lịch cộng đồng, thưa ông?
- Trong phát triển du lịch cộng đồng đòi hỏi nhiều yếu tố. Thứ nhất, bản thân người làm du lịch phải kiên trì, có cái tâm khi làm du lịch, phải nhìn được lợi ích của xã hội mà du lịch mang lại để nuôi dưỡng đam mê.
Thứ 2, là sự tham gia của cộng đồng. Nếu không, họ đố kỵ, như ông bà có câu Trâu cột ghét trâu ăn.
Thứ 3, là sự đồng hành quyết liệt của chính quyền. Nếu chỉ "đánh trống bỏ dùi", khai trương rầm rộ nhưng bỏ lơ, không đồng hành giúp họ lúc khó khăn là không được.
Nhiều khi tôi giật mình, phải chăng gần đây mình nguội dần quyết tâm làm du lịch, lại cảm thấy có lỗi với người dân. Mình xúi họ mở điểm du lịch, bày vẽ cái nọ cái kia, rồi mình không đồng hành suốt với họ. Nhiều khi, họ cần hơi ấm, lời động viên, gợi mở những giá trị, chứ không chỉ cần mình hỗ trợ họ trong việc vay vốn.
“Mình không làm thì ai làm. Cũng không đặt nặng làm kinh tế lắm đâu nên cũng không thu vé vào cổng, làm vì thấy thích có khách khứa đến nhà, thích giới thiệu với họ về quê mình”.
Lê Phước Tánh, xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Ông Tánh tất bật chuẩn bị đón du khách trong những ngày diễn ra tuần lê du lịch Đồng Tháp - Ảnh: NGỌC TÀI
* "Bài thuốc" nào để trị bệnh "trâu cuộc ghét trâu ăn" trong cộng đồng cũng như bệnh "đánh trống bỏ dùi" của các cấp chính quyền mà ông vừa nêu ?
- Hội quán chính là nơi giúp cộng đồng gần gũi, chia sẻ với nhau. Trước đó họ nghĩ, càng đông người, "cái bánh" lợi ích sẽ bị chia nhỏ ra, phần được hưởng của họ teo tóp lại.
Sau khi có hội quán, họ bắt đầu nghĩ khác. Họ cùng nhau làm cho "cái bánh" lớn ra, và họ cũng được hưởng nhiều hơn. Và họ cũng nhìn ra được những giá trị vô hình ngoài lợi ích về kinh tế. Mừng lắm vì sự thay đổi đó.
Có những mâu thuẫn, xung đột, chính quyền sẽ cùng cộng đồng dàn xếp, giải quyết, chứ không phải ra mệnh lệnh hành chính, có khi còn khiến người dân không nghe hoặc tìm cách đối phó. Hãy chỉ cho họ những lợi ích gần, xa, lớn và nhỏ và họ tự thân thay đổi mới là bền vững.
Còn thực trạng đây đó xem phát triển du lịch là thành tích để báo cáo, để lấy lòng cấp trên, bản thân tôi không thể trách anh em, mà tôi phải trách mình trước, vì chưa giúp họ nhận thức hết được những giá trị của du lịch mang lại, kể cả nhìn ra được sự bền vững trong mô hình mới mẻ này.
Từng cán bộ, công chức thẩm thấu được hết những giá trị mà du lịch cộng đồng mang lại lúc đó tự khắc họ sẽ nói thiệt, làm thiệt, không còn đối phó hay bệnh thành tích.
* Đồng Tháp mỗi năm đều tổ chức "Tuần lễ du lịch Đồng Tháp" và hình thức tổ chức luân phiên ở các địa phương trong tỉnh. Cách thức này có những hiệu quả đặc biệt gì, thưa ông?
- Tôi nghĩ thành công của tuần lễ du lịch không phải đã thu hút được bao nhiêu du khách mà chính là kích hoạt tư duy làm du lịch trong cộng đồng, cho chính quyền địa phương ở nơi đó. Mở ra cho họ thấy xung quanh cộng đồng những điều rất bình dị và gần gũi nhưng điều là tài nguyên du lịch.
Từ nhận thức, họ bắt đầu có hứng thú và "nghiện" làm du lịch. Việc tổ chức tuần lễ du lịch ở nhiều địa phương cũng bày ra cho du khách sự phong phú đa dạng trong "bản đồ" du lịch ở Đồng Tháp.
Với chủ đề "Tình người thắm đượm hồn sen", Tuần lễ du lịch Đồng Tháp sẽ bắt đầu từ 18g ngày 10-7 đến 14-7. Nội dung chính là sự kết hợp giữa lễ giỗ lần thứ 199 ông bà Đỗ Công Tường với nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, trải nghiệm du lịch cộng đồng như dỡ chà bắt cá, tham quan vườn trái cây, làm món ăn dân gian, đua xuồng,..
Trong đó, không gian văn hóa TP. Cao Lãnh - TP. Hội An được bố trí tại trung tâm công viên Văn Miếu sẽ khai trương vào chiều 10-7. Đây là kết quả của của hơn một năm hai thành phố có nhiều hoạt động gắn kết hợp tác về du lịch, kinh tế, văn hóa, cùng sự "se duyên" của ông Lê Minh Hoan và ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy Hội An.
Không gian văn hóa cũng chính là điểm nhấn của tuần lễ du lịch năm nay. Về các hoạt động văn hoá, văn nghệ, dân gian sẽ có hát bài Chòi, đan xen với hò Đồng Tháp, đờn ca tải tử…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận