Việt Nam lấy làm tiếc AMM-45 không có thông cáo chungASEAN không đạt tiếng nói chung về biển Đông
Phóng to |
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong tại buổi họp báo sau phiên bế mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 ở Phnom Penh ngày 13-7 - Ảnh: AFP |
Trả lời Tuổi Trẻ, một quan chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam tiết lộ tính đến ngày 13-7, đã có khoảng 19-20 bản thảo của thông cáo chung lần lượt được đưa ra. Nhưng tất cả đều không được các nước ký thông qua, mặc dù một phiên họp đặc biệt đã được cấp tốc thực hiện vào buổi sáng ngay trước khi diễn ra phiên bế mạc.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho hay Việt Nam và Philippines muốn văn kiện này đề cập tới tranh cãi gần đây giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough. Việc hội nghị lần này không thể đưa ra thông cáo chung xuất phát từ sự cản trở của nước chủ nhà Campuchia.
Không hoàn thành nhiệm vụ
Chủ tịch Hội nghị ngoại trưởng ASEAN là Campuchia tuyên bố lý do không thể ra thông cáo chung là do xung đột ở bãi cạn Scarborough chỉ là xung đột song phương giữa một vài quốc gia thành viên ASEAN và một nước láng giềng. Do vậy, Campuchia phản đối đề cập đến xung đột này trong thông cáo chung.
Đại diện Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố này. Theo Philippines, kể từ khi các nước ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông thì “tranh chấp này không đơn thuần là một xung đột song phương với một hàng xóm phương Bắc mà là một xung đột đa phương, do đó cần được giải quyết theo cách đa phương”.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong giải thích việc không đưa ra được thông cáo chung còn là do tất cả các thành viên ASEAN chứ không do riêng Campuchia. Ông Hor Namhong biện giải thêm là “cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN không phải là một phiên tòa, không phải là nơi đưa ra phán quyết về tranh chấp”.
Trên thực tế, ASEAN đã đạt đồng thuận ở rất nhiều vấn đề khác như Tuyên bố về nhân quyền, Học viện Hòa bình và hòa giải ASEAN, liên kết ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển... Nhưng khác biệt về vấn đề biển Đông đã khiến tất cả những vấn đề phải tạm thời trì hoãn do không có một thông cáo chung. Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam thừa nhận: “Thông cáo chung là văn kiện quan trọng các bộ trưởng nhìn vào đó thảo luận khi gặp gỡ. Vì vậy, chúng tôi, các bộ trưởng ngoại giao, đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Vai trò điều phối không “trôi suốt”
Chính vai trò điều phối của nước chủ tịch Campuchia đã khiến quá trình đạt được tiếng nói chung về biển Đông của ASEAN đã không “trôi suốt”.
Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam cũng nhìn nhận: “Vai trò của nước chủ tịch là phải đảm bảo thúc đẩy sự đồng thuận đó, nhưng điều này đã không xảy ra. Nếu chúng ta không nói về những gì đã xảy ra ngay tại khu vực này, tôi nghĩ điều đó ảnh hưởng đến uy tín của ASEAN”.
Ông cũng cho biết giờ đây khi không có thông cáo chung thì không thể dự đoán được khi nào đàm phán về COC sẽ được bắt đầu trong ASEAN, vì nếu có thông cáo chung thì văn kiện này sẽ quy định thời gian cho các quan chức cấp cao bắt đầu.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tỏ ra “cực kỳ không hài lòng”: “Tôi thấy việc này hoàn toàn không thỏa mãn. Chỉ là một đoạn văn đơn giản để nói lên những gì chúng ta đã nói suốt thời gian này”. Theo ông, điều mỉa mai là ASEAN lại không thể tìm được quan điểm chung về những gì đã xảy ra trong quá khứ chứ không phải những gì hướng tới tương lai.
Ngoại trưởng Indonesia và Singapore đều lo ngại việc không đạt được tiếng nói chung sẽ khiến ASEAN đánh mất tính trung tâm và vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa lại lạc quan cho rằng “vẫn phải nhìn về phía trước. Khi điều này lắng xuống và cảm xúc dịu đi, chúng ta sẽ phải hỏi điều gì tiếp theo. Bởi vì cảm xúc không phải là chính sách. Chính sách là chính sách. Chúng ta cần rõ ràng về lợi ích của ASEAN trong vấn đề này”.
Báo New York Times dẫn lời một quan chức ngoại giao ASEAN giấu tên khẳng định: “Trung Quốc đã mua ghế, đơn giản là vậy”. Trong khi đó, Tân Hoa xã đã đăng tải thông tin Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cảm ơn Campuchia vì ủng hộ “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Nhiều nhà quan sát cũng lo ngại sự bất đồng về biển Đông trong ASEAN có thể khiến quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 bị chậm lại.
Tổng thư ký Asean Surin Pitsuwan: Một “cú nấc” không tạo ra thất bại
* Liệu việc không có thông cáo chung có thể coi như một trở ngại cho quá trình hội nhập ASEAN? - Tôi cho đó là một “cú nấc”. Tôi nghĩ chúng ta phải tận dụng thời gian từ nay đến tháng 9 để giải quyết bất đồng nếu muốn xử lý những vấn đề khó bên trong cộng đồng cũng như với bên ngoài. * Liệu Trung Quốc có ảnh hưởng gì đến kết quả hội nghị lần này? - Tôi muốn nói về chúng ta thay vì nói về các đối tác bên ngoài. ASEAN phải tự phân tích vấn đề để có thể vận hành, tương tác và quan hệ với thế giới. * Ông dự đoán thế nào về tương lai ASEAN sau hội nghị này? - Tôi nghĩ chúng ta sẽ bù lại những gì đã lỡ. ASEAN đã trải qua nhiều chuyển biến nhưng luôn luôn có thể hồi phục và cuối cùng, các lợi ích của khu vực sẽ chiếm ưu thế, còn khác biệt sẽ được giải quyết. Hiện nay các đối tác của ASEAN đều mong sẽ sớm thấy Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Một “cú nấc” không tạo ra thất bại. Chúng ta sẽ hồi phục. Đó chỉ là một sự cố mà chúng ta sẽ phải “tiêu hóa” cẩn thận hơn. Chúng ta cần tạo ra cách thức mới để quản lý các vấn đề khó, nhất là trong quan hệ và ứng xử của chúng ta với các đối tác lớn ở bên ngoài. * Liệu tình hình có làm tăng bất ổn ở khu vực? - Mỗi bên đều sẽ rất thận trọng với nhau nhưng sẽ không để tình hình tồi tệ đi, không để tình hình ra khỏi tầm kiểm soát. Mọi người đều rất lưu tâm. Chúng ta phải đánh giá tình hình cẩn thận và tôi nghĩ chúng ta cần có COC hơn bao giờ hết. Nó sẽ có màu sắc tự chủ và cam kết. * Nếu chấm điểm từ 1-10 để đánh giá thành công của hội nghị ngoại trưởng lần này, ông cho mấy điểm? - Tôi không thể xếp hạng vì lần này việc không ra được thông cáo chung là chưa có tiền lệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận