03/11/2014 09:31 GMT+7

​“Hối lộ tình dục” phổ biến phải đưa vào luật

V.V.THÀNH - H.ĐIỆP - L.KIÊN ghi
V.V.THÀNH - H.ĐIỆP - L.KIÊN ghi

TT - Vấn đề “tham nhũng tình dục” và “tham nhũng nhà công vụ” được các đại biểu nêu ra trên diễn đàn Quốc hội tuần qua và đề nghị có biện pháp xử lý.

Liệu có đưa vào luật để xử lý hình sự các hành vi này được không?

Tuổi Trẻ ghi ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội về vấn đề đang được dư luận quan tâm này.

Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: V.V.T.
Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: V.V.T.

* Ông VŨ QUỐC HÙNG (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương):

“Hối lộ” mấy lần thì bị xử lý hình sự?

Tôi đồng ý rằng những hành vi hối lộ và nhận hối lộ thông qua những giá trị phi vật chất như tình dục, danh hiệu thi đua, quyền chức, chỗ học cho con ở trường tốt... đều cần phải lên án và luật hóa để xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng về mặt khoa học pháp lý, việc hình sự hóa một tội danh nào đó đòi hỏi rất nhiều yếu tố, ví dụ với tội “tham nhũng tình dục”.

Thời trước chúng ta coi tội hủ hóa rất nặng. Tôi từng chứng kiến trường hợp quan hệ nam nữ không lành mạnh và bị tổ chức, đoàn thể kiểm điểm. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đã xử lý vấn đề này thông qua luật pháp về hôn nhân và gia đình và một số quy định luật pháp khác có liên quan.

 “Hối lộ tình dục xưa nay chúng ta vẫn hay nói nôm na là “mỹ nhân kế”, và “mỹ nhân kế” được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, kể cả trong hoạt động tình báo

Hối lộ là xấu xa và cần loại bỏ, “hối lộ tình dục” cũng là xấu xa và không thể chấp nhận được vì ảnh hưởng đến nhân phẩm của con người. Đây là thực tế, nếu xảy ra thì không chỉ từ phía người có chức vụ quyền hạn mà còn từ phía đi hối lộ như xưa nay chúng ta vẫn hay nói nôm na là “mỹ nhân kế”, và “mỹ nhân kế” được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, kể cả trong hoạt động tình báo.

Vấn đề là khép vào “tham nhũng tình dục” thì ta lượng hóa thế nào, nhân chứng, vật chứng thế nào và “hối lộ” mấy lần thì bị xử lý hình sự? Hay là chỉ ở mức quấy rối tình dục đã xử lý rồi.

Thế giới có tội quấy rối tình dục và họ quy định rất rõ ràng. Theo tôi, đây là vấn đề mà các nhà lập pháp phải nghiên cứu kỹ về khoa học pháp lý để có cách tiếp cận phù hợp, trong đó không thể bỏ qua cách tiếp cận truyền thống theo pháp luật về hôn nhân và gia đình, theo cách đánh giá tư cách cán bộ bằng cơ chế tín nhiệm...

Ông Vương Văn Nghĩa - Ảnh: H.Điệp
Ông Vương Văn Nghĩa - Ảnh: H.Điệp

* Thẩm phán VƯƠNG VĂN NGHĨA (Thẩm phán Tòa hình sự TAND TP.HCM):

Chỉ nên xử lý hành vi của người nhận hối lộ

Thực tế trong công tác xét xử án hình sự tại TAND TP.HCM, tôi đã thấy không ít vụ mà hồ sơ thể hiện có chuyện hối lộ bằng tình cảm, tình dục để có được những thứ đương sự muốn.

Không chỉ những vụ án lớn, án kinh tế mới thể hiện điều này mà trong nhiều vụ án rất bình thường nhưng hồ sơ thể hiện có việc hối lộ bằng tình dục để nhận được quyền lợi.

Và thậm chí, trong những vụ tố cáo lừa đảo cũng có dấu hiệu của việc người có quyền hành và chức vụ gợi ý nhận tình dục để đánh đổi thứ mình có thể cho những người cần.

Đó có thể là người có quyền hành và chức vụ, có chức năng tuyển dụng lao động, công chức viên chức đã không ngại ngần gợi ý việc được nhận hối lộ bằng tình dục, đổi lại người hối lộ sẽ nhận được công việc hoặc được tăng lương. Hoặc đơn giản, trong quan hệ cần sự đồng thuận của cán bộ, quan chức, doanh nghiệp cũng phải thực hiện hình thức hối lộ bằng tình dục để nhận được dự án, phê duyệt hoặc thông qua... 

Sở dĩ hiện tượng hối lộ tình dục có nhưng chưa bao giờ bị xử lý là do luật không quy định. Luật phải báo trước, chuẩn bị trước những xu hướng phạm tội để ngăn chặn

Sở dĩ hiện tượng này có nhưng chưa bao giờ bị xử lý là do luật không quy định. Vậy nhưng thực tế có và nó hoàn toàn mang tính tiêu cực, hoàn toàn có thể quy định vào trong luật để xử lý. Thậm chí luật còn phải báo trước, chuẩn bị trước những xu hướng phạm tội có thể xảy ra để ngăn chặn.

Tuy nhiên, khi xem xét thì chỉ nên xử lý hành vi của người nhận hối lộ chứ không nên xem xét hành vi của người đưa hối lộ, bởi đối với người đưa, việc họ chấp nhận làm việc đó đã vi phạm đạo đức và xã hội lên án rồi.

Tôi biết có nhiều người bị ép buộc phải làm việc này hay việc kia, như những vụ việc báo chí đã nêu như “thầy giáo gạ tình lấy điểm”, nhân viên bị sếp “gạ tình”... thì hành vi “gạ tình” đủ cho thấy rõ động cơ, mục đích của việc gợi ý nhận hối lộ về tình dục không phải nạn nhân nào cũng dám tố cáo, thường ngậm bồ hòn làm ngọt.

Hơn nữa, khi sự việc xảy ra mà người bị “gạ tình” tố cáo thì luật sẽ xem xét dưới hành vi hiếp dâm, để chứng minh tội này thì cơ quan điều tra phải thu thập rất nhiều bằng chứng. 

Nếu xem xét hành vi “gạ tình” như hành vi hối lộ bằng tình dục thì việc xử lý người “gạ” sẽ dễ hơn, không phải đợi đến khi hậu quả của việc hối lộ này diễn ra trọn vẹn như tội hiếp dâm.

Việc xem xét đưa vào trong luật như một hình thức định khung của tội nhận hối lộ thì may ra việc đưa và nhận hối lộ bằng tình dục trong xã hội mới bớt.

Chúng ta không thể vì thiếu luật, hoặc khó mà không quy định, luật có thể đưa ra để ngăn chặn, không chỉ để đảm bảo về mặt đạo đức mà còn ổn định xã hội.

Ông Huỳnh Ngọc Ánh - Ảnh: V.Dũng
Ông Huỳnh Ngọc Ánh - Ảnh: V.Dũng

* Đại biểu Quốc hội HUỲNH NGỌC ÁNH (phó chánh án TAND TP.HCM):

Phải phân biệt hành vi tham nhũng và tội danh

Tôi cho rằng Bộ luật hình sự đã đáp ứng yêu cầu cơ bản của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới, có những quy định của bộ luật không còn phù hợp với thực tiễn.

Tình hình tội phạm đang phức tạp hơn nhiều, có nhiều hành vi mới, nhiều tình tiết mới, nên lần này tôi nghĩ chắc là cũng phải sửa nhiều.

Quốc hội sẽ bàn bạc để sửa đổi căn bản hơn, giúp công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả hơn.

Dư luận thời gian qua quan tâm trước những ý kiến về “hối lộ tình dục” hay “tham nhũng nhà công vụ”, về khoa học luật pháp thì phải nghiên cứu kỹ, chứ không phải đơn giản đưa vào Bộ luật hình sự những tội danh như vậy được.

Những gì mang tính phổ biến, những hành vi đòi hỏi xã hội phải điều chỉnh ngay để ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống các hành vi mới, nguy hiểm thì mới đưa vào Bộ luật hình sự. Những hành vi cá biệt, không lặp đi lặp lại nhiều, lâu lâu mới xảy ra cũng không thể đưa hết vào Bộ luật hình sự.

Hành vi nằm ở tội nào phải cụ thể hóa ra tội đó, trong tội đó nó bao hàm động cơ, mục đích phạm tội, trong đó có thể có động cơ tham nhũng hoặc tình cảm

Tôi muốn lưu ý rằng chúng ta cần phân biệt giữa các hành vi tham nhũng và những tội danh liên quan đến tham nhũng.

Trong Luật phòng chống tham nhũng thì liệt kê ra các hành vi tham nhũng (12 hành vi) như: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi... Nhưng một hành vi tham nhũng thì không có nghĩa là nó tương ứng với tội danh đó.

Để đưa hành vi nào đó thành tội danh Bộ luật hình sự thì nó phải được quy định thành những tội cụ thể như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, tội xâm phạm về tài sản, tội xâm phạm về quyền sở hữu, tội xâm phạm về hoạt động quản lý của Nhà nước... Không thể quy định chung là tội tham nhũng được, vì trong những tội như thế nó bao hàm cả hành vi tham nhũng.

Hành vi đó nằm ở tội nào phải cụ thể hóa ra tội đó, trong tội đó nó bao hàm động cơ, mục đích phạm tội, trong đó có thể có động cơ tham nhũng hoặc cả động cơ khác như tình cảm chẳng hạn.

Ví dụ, đại biểu Lê Như Tiến đặt ra vấn đề “tham nhũng nhà công vụ”.

Tôi hiểu rằng trong rất nhiều trường hợp, những người đang sử dụng sai mục đích, hoặc vì một lý do nào đó như quy định quản lý nhà công vụ chưa cụ thể nên bị họ lợi dụng, chứ cũng chưa coi đó là một loại tội phạm, chẳng hạn hành vi chiếm đoạt tài sản hay tham ô để có thể xử tội lợi dụng chức vụ quyền hạn hay tội nào đó được.

Phải chứng minh được họ chiếm đoạt tài sản thì khi đó mới cấu thành tội phạm.

V.V.THÀNH - H.ĐIỆP - L.KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên