18/05/2016 09:45 GMT+7

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương: Chia nhau từng con cá để hát cải lương

Nghệ sĩ KIM CƯƠNG
Nghệ sĩ KIM CƯƠNG

TTO - "Chúng tôi chia nhau từng con cá, từng miếng thịt, từng lon gạo, luôn cả những củ khoai mì... Thế mà chúng tôi vẫn hạnh phúc khi thấy những cố gắng của mình đem lại được nguồn vui cho mọi người".

Nghệ sĩ Kim Cương - Ảnh tư liệu.


Một mái nhà chung

Sau chiến tranh, Ủy ban quân quản lúc bấy giờ khá khắt khe với những người trong chế độ cũ, trong đó có giới nghệ sĩ, nhất là những người từng trong quân ngũ. Anh em nghệ sĩ rất hoang mang trước thời cuộc đổi thay.

Mỗi người tan tác một nơi và lo lắng cho số phận mình. Không được diễn, không có thu nhập để nuôi bản thân và gia đình đã là khổ sở, mà còn nơm nớp lo sợ không biết có phải đi học tập cải tạo hay không.

Nhân chủ trương của thành phố cho phép đoàn Kim Cương hoạt động trở lại, tôi tập hợp tất cả những người nghệ sĩ, trong đó có một số nghệ sĩ từng phục vụ trong quân đội của chế độ trước. Đầu tiên là tôi muốn họ an tâm, có một chốn dung thân an toàn và có thu nhập để chăm lo gia đình.

Nhiều người nói với tôi “Chị coi chừng có gì thì chị chết trước đó.” Nhưng tôi vẫn không ngại, mạnh dạn đứng ra bảo lãnh cho anh em bằng uy tín của mình. Tôi không sợ vì tôi biết khả năng của mình có thể đương đầu được những khó khăn này.

Ngay từ thời chế độ cũ tôi cũng chưa bao giờ vì sợ liên can mà chối bỏ tình bạn, tình thân với những người tham gia kháng chiến. Tôi nghĩ mỗi người có con đường riêng của mình. Miễn là bạn, là người thân, tôi vẫn giữ quan hệ giữa người với người với họ.

Thế là đoàn Kim Cương như cái phao của anh em, khi đoàn thành lập đã tập trung được hầu hết các anh em nghệ sĩ Ở LẠI, nên ai cũng muốn có mặt.

Dĩ nhiên là đoàn kịch không được nhận một đồng kinh phí ngân sách của Nhà nước, phải tự bươn chải mưu sinh và được giám sát chặt chẽ về nội dung biểu diễn. Đoàn hát gồm 70 người. 70 con người đó gánh vác trên vai 70 gia đình, nếu không có việc làm ổn định thì không biết tương lai đi về đâu.

Ngọc Đức khi nghe tôi dựng lại vở Lá sầu riêng đến gặp tôi nhất định đòi phải có mặt trong vở diễn.

Tôi trả lời: “Còn vai nào cho ông diễn đâu?”. Đức mau mắn trả lời: “Nếu Vân Hùng làm vai giáo Hoàng thì bà để cho tui làm thằng Sang con bà đi”. Thế là tôi có một đứa con “già” gần bằng tuổi mẹ.

Không chỉ trường hợp Ngọc Đức, đoàn còn giúp được nhiều anh em trong những hoàn cảnh khác nhau. Như khi nghe Thái Châu bị bắt giữ ở bót Đại Lợi, tôi vội vã đến để xin bảo lãnh. Và còn biết bao nhiêu chuyện nữa đã gắn bó anh em tôi lại.

Tôi thấm thía với ý nghĩ: vật chất, tiện nghi, danh vọng có thể là ma lực để níu kéo con người, nhưng những khó khăn gian khổ đùm bọc thương yêu cũng là sợi dây ràng buộc người ta lại với nhau.

Đoàn lúc bấy giờ như mái nhà chung của chúng tôi, anh em an tâm dồn hết tâm huyết, tài năng để xây dựng một cuộc sống mới, không còn sợ phải đi “học tập” hay bị khó khăn về những phương diện khác.

Chúng tôi chấp nhận mọi khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, những ngày gian khổ trong thời bao cấp ai cũng biết. Có nhiều anh em vượt đoạn đường dài năm - mười cây số đến với sân khấu bằng xe đạp, thậm chí đi bộ. Chúng tôi thiếu thốn đủ điều: từ âm thanh ánh sáng, y trang, đạo cụ, thậm chí tới son phấn...

Để hóa trang lên sân khấu, chúng tôi phải dùng bột màu, sơn vẽ hay nhiều thứ khác... để làm mỹ phẩm nên có khi da mặt bị dị ứng lở loét... Chúng tôi chia nhau từng con cá, từng miếng thịt, từng lon gạo, luôn cả những củ khoai mì...

Thế mà chúng tôi vẫn hạnh phúc khi thấy những cố gắng của mình đem lại được nguồn vui cho mọi người, xây dựng được một sân khấu tương đối hoàn chỉnh với phong cách kịch miền Nam - một loại hình nghệ thuật tiêu biểu từng bị bỏ ngỏ.

Nghệ sĩ Kim Cương - Ảnh tư liệu.

Những lời ác ý

Có những trường hợp hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà người ta cố ý dựng nên nhằm đánh bóng tên tuổi của họ, tỏ ra mình là người “biết được nhiều chuyện”...

Như trường hợp một anh bạn kịch sĩ chánh thức viết một bài đăng lên báo Trắng Đen ở Mỹ xác nhận “Kim Cương là Việt cộng, khi đoàn diễn ở Hội An, cô ấy có rủ tôi vô khu chơi vài lần mà tôi không đi”.

Hay một người bạn cải lương thường tuyên bố: “Kim Cương làm lớn lắm, trong hồ sơ mật tôi thấy có hình cô ấy”.

Thậm chí có người còn dệt lên câu chuyện lần tôi được chánh phủ cho ra Bắc giao lưu với anh em nghệ sĩ ngoài đó, khi vào lăng viếng Hồ Chủ tịch tôi đã diễn kịch khóc lóc, lết thân mình trên từng bậc tam cấp dẫn vào lăng...

Tất cả những chuyện vô lý như vậy nghĩ lại trong thời buổi hiện nay có lẽ ai cũng cho là chuyện nực cười, nhưng đặt trong bối cảnh thời cuộc lẫn lộn trắng đen khi ấy, một lời đồn đãi, một hành động vô tâm cũng dễ trở thành chuyện nghiêm túc để mọi người có đánh giá sai lệch.

Mít, xoài, ổi không hát, sao cứ hát hoài lá sầu riêng?

Vấn đề đau đầu nhất giai đoạn này là thiếu kịch bản. Mấy năm đầu giải phóng, đoàn chúng tôi cứ diễn lui diễn tới mỗi một tuồng Lá sầu riêng đến độ một khán giả hỏi tôi:

“Chị Kim Cương nè, Việt Nam mình có thiếu gì lá như lá xoài, lá mít, lá ổi, lá chanh sao không hát, lại cứ hát lá sầu riêng hoài vậy?”.

Tôi chỉ biết cười buồn bã, thậm chí đến đoạn kết của Lá sầu riêng tôi cũng được đề nghị phải sửa vai giáo Hoàng khi gặp lại người yêu cũ đã là một thương nhân giàu có thì phải cho anh ta là người xấu, bởi giàu có, tư sản thì không bao giờ tốt được. Tôi rất khổ tâm nhưng đành phải chịu.

Phải đến một thời gian sau, quan điểm quản lý mặt trận văn hóa văn nghệ đã tỏ ra phóng khoáng hơn, uyển chuyển hơn, tôi nhanh chóng nắm bắt làn gió mới này để cho “thầy giáo Hoàng” của Lá sầu riêng tốt trở lại, và bao nhiêu kịch bản hay khác của đoàn Kim Cương liên tục ra mắt khán giả trong tinh thần kiểm duyệt cởi mở đó.

Từ đó trở đi, một phong cách riêng của kịch nói Kim Cương được hình thành và được quần chúng hâm mộ.

Xem các bài trước:

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 1: 18 ngày tuổi và vai diễn đầu đời

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Khóc cho kiếp cầm ca

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 3: Ba tôi - Người hậu tổ

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: Vào nghiệp cầm ca

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 5: Làm điều không tưởng

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 6: Người tình duyên phận

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 7: Tình yêu đầu tiên

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 8: Một tình yêu kỳ dị!

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 9: Bùi Giáng nhìn thấy Kim Cương là "hết buồn, hết điên, hết say"

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 10: Con trai bị bắt cóc

Hồi ký kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 11: Chúng muốn giết thằng nhỏ

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 12: Nghẹt thở nhận con

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 13: Nước mắt cuộc đời

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 14: Khóc cười cùng những phận người

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 15: Ngày giải phóng 30-4: đi hay ở lại quê hương?

*Xem clip Kim Cương rơi lệ nói lời cuối với Bùi Giáng

Nghệ sĩ KIM CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên