Nghệ sĩ Kim Cương và gia đình của con trai Gia Vinh - Ảnh tư liệu gia đình |
7 giờ sáng hôm sau, điện thoại lại gọi đến. Chồng tôi nghe máy. Lần này chúng ra lịnh: “Ông lái xe một mình ra ngã ba Cát Lái đến cây cột điện thứ 4 sẽ thấy một cục gạch, ông dỡ cục gạch lên để lấy thư, rồi cứ theo đó mà làm”.
Chúng bắt chồng tôi phải lái xe đi Thủ Đức, về Bình Triệu rồi về lại quận 1 nhằm cắt đuôi nếu có cảnh sát theo dõi. Về đến quận 1, chúng lại bắt anh đi 4 con đường ngược chiều để bảo đảm không có xe nào theo.
Khi hi vọng tắt dần
Chúng hẹn ở nhà thờ Cha Tam, nhưng qua khỏi 4 con đường ngược chiều thì có một chiếc Honda 67 cặp xe máy sát theo xe chồng tôi, chìa ra mảnh áo của con tôi và hỏi liền: “Tiền đâu?”. Chồng tôi nhận ra áo con nên vội vã đưa tiền cho chúng. Anh chưa kịp hỏi gì, chúng đã ôm tiền và phóng xe đi mất.
Những ngày kế tiếp chúng tôi sống trong sự hoang mang, lo sợ vì tiền đã trao nhưng con tôi vẫn bặt tin. Tôi hoàn toàn suy sụp. Nếu cách đây mấy ngày tôi còn có chút hi vọng mong manh qua những cú điện thoại thì giờ đây tôi chẳng biết bám vào đâu để hi vọng nữa. Tôi chờ mãi, hết ngày thứ nhất, tới ngày thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, thứ năm... con tôi vẫn biệt tăm.
Mười chín ngày đã trôi qua chậm chạp và căng thẳng đến nghẹt thở. Suốt ngày tôi ngồi bên máy điện thoại. Thỉnh thoảng nó cũng reo lên nhưng khi thì bạn bè hỏi thăm, chia buồn, khi thì công an dặn dò, trấn an, kêu gọi tôi bình tĩnh.
Lúc ấy tôi sống trong tâm trạng kỳ lạ. Tiếng chuông điện thoại vừa là một nguồn hi vọng vừa là nỗi khủng khiếp của tôi. Cứ mỗi lần nghe nó reo là tim tôi nhói lên, tôi phải ôm lấy ngực, muốn ngất xỉu. Tôi vừa sợ nó vừa mong nó.
Có lúc tôi nghe nó reo inh ỏi, nhưng khi chạy đến gần thì nó im lặng vì thật ra nó có reo đâu, chỉ là ảo giác, là nỗi ám ảnh không rời. Nhưng tôi như một kẻ mê muội cứ bám riết lấy nó. Nó reo trong lúc tôi tỉnh, reo trong lúc tôi mê, nó vang lên, thét lên the thé trong cả giấc ngủ chập chờn. Có những lúc tôi muốn điên lên vì trong đầu lúc nào cũng có tiếng chuông điện thoại.
Đến ngày thứ hai mươi thì bọn bắt cóc lại gọi đến và nói nhanh: “Ông bà ra nhà thờ Đức Bà dưới tượng Đức Mẹ đón cháu về”.
Chúng tôi phóng xe như bay đến điểm hẹn thì... không thấy gì hết. Chúng tôi đi vòng nhà thờ nhiều lần để tìm kiếm, nhưng càng lúc hi vọng càng tắt dần.
Tôi nói với chồng bằng giọng hụt hơi: “Anh ngừng xe cho em thở một chút”. Chúng tôi hoang mang tột độ, hi vọng gặp lại con rất mong manh.
Thương con, đừng làm con nó sợ
Tôi đưa mắt ngó quanh như một cái xác không hồn. Ở hướng bưu điện, mọi người vào ra tấp nập. Bỗng có một thằng nhỏ ăn mặc rách rưới, đầu đội cái nón vải cũ mèm dơ bẩn như một đứa trẻ ăn xin đang đứng khóc ở một góc sân. Tôi bảo:
- Anh, anh qua coi thằng nhỏ đang đứng ở góc đó coi.
Chồng tôi tiến về phía thằng bé. Tim tôi đập theo từng bước chân của anh, càng gần tới thằng bé thì tim tôi càng đập dữ dội, cho đến khi thấy anh cúi xuống bồng thằng nhỏ lên thì tôi muốn ngất đi.
Lúc bồng con tới xe, anh nắm chặt tay tôi và nói:
- Thương con, em ráng bình tĩnh đừng để cho nó sợ.
Hiểu ý anh, để tránh cho con tôi không bị một cú “sốc” tâm lý đầu đời quá nặng, tôi cố gắng làm như không có chuyện gì và rầy con:
- Sao con đi chơi lâu quá mà không cho mẹ hay?
Con vui vẻ trả lời tôi:
- Con đi Hà Nội chơi đã đời bốn ngày luôn.
Về đến nhà, khó khăn đầu tiên của chúng tôi là phải trấn an má tôi. Chồng tôi nói với má:
- Má ráng bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Má đừng khóc lóc, kể lể, đừng làm cho cháu nó sợ.
Má tôi đáp:
- Má hiểu, má hiểu.
Nhưng dù đôi chân bước không vững, má tôi cũng ráng lần từng bước ra cầu thang rồi ngồi bệt xuống. Má thều thào đứt hơi:
- Con... lại đây... cho bà ngoại... hun... một cái... đi con.
Tôi hiểu hơn ai hết đây là một sự cố gắng phi thường của má lúc đó.
Mọi người trong gia đình tôi đã cố gắng giữ cho mọi chuyện bình thường như thế. Nên khi công an hỏi nó đi đâu thì nó vẫn “nổ” như thói quen hay tưởng tượng của trẻ thơ.
- Cháu đi Hà Nội chơi với chú Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, để nghe Ngọc Đức và Lệ Thu hát...
Và mãi tới năm 12 tuổi, con tôi mới biết nó đã có một lần bị bắt cóc.
Xem các bài trước:
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 1: 18 ngày tuổi và vai diễn đầu đời
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Khóc cho kiếp cầm ca
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 3: Ba tôi - Người hậu tổ
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: Vào nghiệp cầm ca
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 5: Làm điều không tưởng
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 6: Người tình duyên phận
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 7: Tình yêu đầu tiên
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 8: Một tình yêu kỳ dị!
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 9: Bùi Giáng nhìn thấy Kim Cương là "hết buồn, hết điên, hết say"
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 10: Con trai bị bắt cóc
_________
Kỳ tới: Nước mắt cuộc đời
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận