04/04/2020 10:31 GMT+7

Hối hả mua bàn, ghế làm việc ở nhà

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên học trực tuyến tại nhà cùng hàng triệu nhân viên văn phòng chuyển sang chế độ làm việc tại nhà đang tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp nội thất, ngành hàng chăm sóc nhà cửa trong mùa COVID-19.

Hối hả mua bàn, ghế làm việc ở nhà - Ảnh 1.

Khách hàng tìm mua đồ nội thất tại một cửa hàng trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cùng với thói quen mua sắm trên các trang thương mại điện tử đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, các ngành hàng này đang trở thành điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của thị trường.

Sôi động thị trường nội thất, văn phòng phẩm

Ngày đi làm cuối cùng trước khi cả công ty chuyển sang làm việc từ nhà, anh Tuấn - nhân viên công ty xuất nhập khẩu tại Q.7, TP.HCM - vội vã ghé một cửa hàng nội thất gần nhà mua một chiếc ghế văn phòng. 

Sau khi tham khảo giá cả và mẫu ghế, anh chỉ mất 15 phút để quyết định. Giá ghế khoảng 2,3 triệu đồng sau khi khuyến mãi với chất lượng khá ổn, anh Tuấn tự chở về để có thể sử dụng ngay.

Từ giữa tháng 3, công ty của anh Tuấn đã chuyển sang làm việc từ nhà hơn 50% số công việc, nhân viên chỉ còn lên công ty một tuần 3 lần. 

Tuy nhiên, từ tháng 4-2020, toàn bộ công việc của công ty đã được chuyển sang chế độ làm việc 100% ở nhà, điều này cũng có nghĩa anh Tuấn sẽ ở nhà làm việc ít nhất trong một tháng tới. 

"Trước giờ bàn ghế làm việc ở nhà khá đơn giản nhưng nếu phải làm việc ở nhà thời gian dài, tôi cần một chiếc ghế thoải mái hơn", anh Tuấn chia sẻ.

Gia đình chị Hoàng Phương (Bình Thạnh) cũng đã đầu tư hẳn một không gian văn phòng làm việc ở nhà mới, sau khi sắp xếp lại căn phòng thư giãn của gia đình trước đây. 

"Vợ chồng tôi đều chuyển qua làm việc từ nhà, hai bé cùng học online theo chương trình của nhà trường. 

Mọi người đều cần không gian riêng tư và thoải mái nên tôi đầu tư hẳn hai bộ bàn ghế làm việc mới cùng bộ phát WiFi, một số dụng cụ văn phòng phẩm như bút, hộp đựng tài liệu, cả máy in nhỏ...", chị Phương nói.

Theo chị Phương, sửa soạn một không gian làm việc tại nhà như tại văn phòng có thể khá tốn kém nhưng cần thiết vì thói quen mới này sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới. 

Không những mua sắm nội thất văn phòng cho nhu cầu làm việc tại nhà, nhiều gia đình cũng bắt đầu chăm chút hơn cho không gian sống. 

Từ ghế thư giãn, đèn đọc sách đến các thiết bị điện tử phục vụ giải trí ở nhà cũng được nhiều người mạnh tay chi tiền phục vụ cho khoảng thời gian cách ly xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều trang thương mại điện tử đã dành những vị trí đẹp cho quảng bá các combo "working from home" (làm việc từ nhà) giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, đưa ra các quyết định mua sắm. 

Những mặt hàng được săn mua nhiều như bàn làm việc có thể gấp xếp gọn, kệ sách, máy in, bàn máy tính, đồ dùng văn phòng phẩm... với giá khuyến mãi lên đến 30-40%, giao hàng tận nhà.

Hối hả mua bàn, ghế làm việc ở nhà - Ảnh 2.

Chị Thùy Dung tìm mua đồ nội thất tại cửa hàng trên đường Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM trưa 3-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thay đổi thói quen kinh doanh trong mùa dịch

Ông Vũ Tiến Thập, CEO Công ty D'FURNI (chuyên bán sỉ nội thất văn phòng), cho biết cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành hàng nội thất bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. 

Khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp phải tạm ngưng kế hoạch mở văn phòng mới, các công trình mới tạm dừng tiến độ thi công, đơn vị này cũng mất luôn đơn hàng. 

"Riêng tháng 4-2020, 40% đơn hàng của chúng tôi phải hoãn giao, buộc phải chuyển hướng để đảm bảo việc làm cho lao động", ông Thập chia sẻ.

Sự chuyển hướng này chính là hướng về thị trường người tiêu dùng cá nhân thay cho nhóm khách văn phòng, doanh nghiệp truyền thống. 

Trong thực tế, các đơn hàng mua bàn ghế nội thất từ các gia đình, cá nhân tăng nhanh chóng từ giữa tháng 3 đến nay. 

Những người mua sắm nội thất cũng đề cao yếu tố thư giãn, tiện nghi nên các loại bàn gập linh hoạt, ghế lười, ghế thư giãn... cũng được ưu tiên.

"Những nhu cầu mới được phát sinh trong bối cảnh không bình thường là cả nước ở nhà để chống dịch. Do đó, cách tiếp cận bán hàng của chúng tôi cũng phải khác. Các sản phẩm đều được livestream trực tiếp từ cửa hàng, nhiều góc độ để người mua hàng dễ hình dung", ông Thập cho biết.

Theo ông Trần Việt Tiến, đại diện Hội Mỹ nghệ - chế biến gỗ TP.HCM, nhiều doanh nghiệp ban đầu cũng ngần ngại rằng việc bán hàng theo hình thức livestream với những món hàng có giá trị lớn, thương hiệu có tiếng sẽ bị ảnh hưởng vì... giống "cò con" quá, nhưng sau đó nhận thấy hiệu quả của kênh bán hàng này trong thời dịch bệnh.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - giám đốc thương mại Worldpanel, Kantar Việt Nam - cho biết trong khi nhiều ngành hàng như du lịch, dịch vụ ăn uống sụt giảm mạnh do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, vẫn có những nhóm sản phẩm "phất" mạnh như đồ dùng chăm sóc cá nhân, sản phẩm vệ sinh gia đình...

Ngoài nội thất văn phòng hay đồ dùng cá nhân, một số nhóm hàng khác cũng được ghi nhận tăng trưởng mạnh như dụng cụ làm việc, hàng điện tử gia dụng, mỹ phẩm chăm sóc da... 

"Về mặt tích cực, dịch COVID-19 đã đẩy nhanh các xu hướng như ý thức bảo vệ sức khỏe, vệ sinh của người dùng, thói quen chuyển sang mua sắm online, đa kênh...", ông Hoàng nhận định.

Lưu ý mua hàng online

Theo anh Thắng - nhân viên bán hàng một showroom nội thất ở Q.7, các loại bàn chất liệu gỗ, gọn nhẹ hay ghế văn phòng giá dưới 3 triệu đồng/sản phẩm đang được chọn mua nhiều.

Tuy nhiên, trước khi quyết định chọn mua, khách hàng cần xem giới thiệu trước trên các website, trong đó cần nghiên cứu các thông số như chiều cao bàn, ghế, diện tích không gian dành cho đồ dùng.

"Chúng tôi gặp nhiều trường hợp mua ghế ngồi nhưng về không sử dụng được phải đổi lại vì bàn làm việc ở nhà đóng quá cao, ghế không thể ngồi vừa" - anh Thắng nói.

Đồng thời cho biết nhiều người sẵn sàng chi tiền để thiết kế và mua sắm trọn bộ nội thất theo phong cách riêng của mình, thay vì mua lẻ từng sản phẩm như trước nên việc tư vấn phải kỹ càng hơn.

Các doanh nghiệp kinh doanh nội thất cũng cho biết với thị trường ngách là văn phòng phẩm cho gia đình, việc tư vấn kỹ cho khách là rất cần thiết.

Khách muốn mang văn phòng về nhà, tránh virus corona nhưng cũng cần một cảm giác thân thiện, gần gũi phù hợp với không gian gia đình, thói quen sinh hoạt.

Bắt đầu giảm giá các dịch vụ thiết yếu Bắt đầu giảm giá các dịch vụ thiết yếu

TTO - Bộ Công thương vừa trình Chính phủ phương án giảm giá điện trong 3 tháng cho các đối tượng khách hàng. Trong khi đó, các nhà mạng cũng lên phương án giảm giá cước viễn thông, tăng dung lượng cho người dùng trong mùa dịch Covid-19.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên