22/08/2012 06:45 GMT+7

Hội chứng "sợ truyền thông" ở Trung Quốc

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Việc một phóng viên truyền hình bị phó bí thư thị trấn Bát Lý Điếm, tỉnh Chiết Giang xô xuống hồ nuôi cá đang gây bức xúc cho dư luận và truyền thông Trung Quốc.

Ai bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp trước hội chứng “sợ truyền thông” của quan chức địa phương?

zw0KUFmE.jpgPhóng to
Tranh biếm họa của Nhân Dân Nhật Báo

... Ngày 15-8, khi phát hiện hàng loạt cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt ao nhà mình, nông dân Dương Thủy Giang đã cầu cứu Đài truyền hình Chiết Giang làm rõ nguyên nhân. 14g ngày hôm đó, phóng viên đài truyền hình đã có mặt tại hiện trường để phỏng vấn phó bí thư Thi Quốc Phong của thị trấn Bát Lý Điếm, thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang. Tuy nhiên khi được phỏng vấn, ông Thi lại ra sức ngăn cản phóng viên quay cảnh cá chết trên ao nuôi cá.

Theo lời kể của nông dân Dương Thủy Giang, 4-5 nhân viên nhà nước đã hùng hổ lao vào ngăn cản phóng viên quay phim, giật lấy máy quay. Giằng co mãi mà vẫn không được, nhóm người bèn hè nhau đẩy nhà báo xuống hồ nước, chiếc máy quay trị giá 220.000 nhân dân tệ (khoảng 34.600 USD) bị hỏng nặng.

... Ba ngày sau, tức ngày 19-8, ông Thi Quốc Phong bị cách chức, kỷ luật đảng và bị điều tra hình sự.

Phòng hỏa, phòng cướp, phòng nhà báo!

Đây không chỉ là một vụ hiếm hoi ở Trung Quốc, đến mức một nhà báo từng chua xót nhận xét: “Đánh nhà báo đã trở thành chuyện xảy ra như cơm bữa. Thậm chí chuyện này còn chẳng đáng để đưa tin”. Vào tháng 5-2012, một phóng viên của nhật báo Nam Phương đã bị đánh đập dã man khi đang làm phóng sự về việc chiếm đất của dân xây biệt thự tại tỉnh Quảng Đông.

Bí thư chi bộ thôn Bi Pha là Bàng Quế Thêm khi đó đã đánh đập và uy hiếp phóng viên và còn lệnh cho cấp dưới giật máy ảnh và xóa sạch những chứng cứ mà phóng viên thu thập được.

Dù vậy, vụ việc ở Chiết Giang lần này lại khiến dư luận xôn xao. Không phải vì một nhà báo bị đánh khi đang tác nghiệp mà là bất ngờ khi một quan chức bị cách chức vì ra tay hành hung nhà báo.

Nhiều tờ báo lớn nhảy vào cuộc. Tờ Tin Tức Bắc Kinh ngày 19-8 chạy tít lớn “Xô một phóng viên đang tác nghiệp xuống hồ, một quan chức bị cách chức”. Mạng Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: hiếm có trường hợp nào quan chức lại “lạy ông tôi ở bụi này” như phó bí thư Thi. Bởi chuyện xuất hiện hàng loạt cá chết tại hồ nuôi chẳng phải việc gì to tát, chính quyền chỉ cần hợp tác với phóng viên để làm rõ vụ việc. Đằng này ông Thi Quốc Phong lại tỏ ra sợ hãi và yêu cầu phóng viên ngừng quay phim, sau đó xô phóng viên này xuống nước khi yêu cầu bất thành.

Tuy những khuất tất của hiện tượng cá chết vẫn chưa được làm rõ, nhưng cơ quan chức năng đã cam kết sẽ làm “ra ngô ra khoai” động cơ của phó bí thư Thi Quốc Phong.

Nhân Dân Nhật Báo cho rằng hành động của phó bí thư Thi Quốc Phong đã cho thấy rõ các “quan phụ mẫu địa phương” có “ba cái phòng”: phòng hỏa hoạn, phòng cướp bóc, phòng nhà báo”, và những điều này đã ăn sâu trong suy nghĩ và đầu óc của họ. Mạng Đảng Cộng sản Trung Quốc còn khẳng định hội chứng “sợ truyền thông” của các “phụ mẫu địa phương” có tật giật mình ở Trung Quốc ngày càng phổ biến.

Ai sẽ bảo vệ nhà báo?

Tại rất nhiều địa phương, chuyện các nhà báo bị tịch thu máy ảnh, máy quay phim hay bị ngăn cản tác nghiệp diễn ra thường xuyên. Thậm chí ở một số địa phương, các quan chức còn đuổi đánh dã man các nhà báo để cảnh cáo đừng “xớ rớ vô chuyện trong huyện”. Theo Đài truyền hình Tứ Xuyên, nhiều nhà báo bị hành hung đến phải nhập viện nhưng các quan chức cũng chỉ bị khiển trách sơ sơ hoặc kỷ luật nhẹ. Thời gian qua đi, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Thậm chí có người còn được thăng chức ngay cả khi có án tích “bịt miệng truyền thông”.

Theo Đài truyền hình Tứ Xuyên, việc cách chức phó bí thư thị trấn Bát Lý Điếm và điều tra hình sự vụ án này là rất đáng hoan nghênh, dù vậy nhiều câu hỏi vẫn đang được đặt ra: liệu tác dụng thật sự của việc cách chức này nằm ở đâu? Đây có phải chỉ là một cách để làm xẹp dư luận bức xúc? Liệu đến khi sự việc lắng xuống, quan chức từng bị “nghiêm trị” này sẽ lại được “bơm máu để hồi sinh”?

Một cư dân mạng còn đặt nghi vấn trên Weibo: “Nếu nhà báo bị xô xuống nước không phải là nhân viên của một đài truyền hình lớn như Đài truyền hình Chiết Giang, còn người ra lệnh xô nhà báo xuống nước là một quan lớn thì liệu phía cảnh sát có vào cuộc nhanh vậy không? Câu trả lời thì ai cũng biết”.

“Các quan địa phương xem việc truyền thông là một cái gai trong mắt, họ lo sợ sự thật được phô bày trên báo chí sẽ ảnh hướng trực tiếp đến hình ảnh và sự thăng tiến của bản thân nên ra tay tàn nhẫn với nhà báo” - báo Chiều Tây An bức xúc viết và yêu cầu cần loại bỏ các quan chức này khỏi bộ máy công quyền.

Thật ra hội chứng “sợ truyền thông” của các quan chức địa phương đang là bài toán hóc búa cho Trung Quốc. Trước đó, nhiều lãnh đạo cao cấp trong ngành truyền thông đã mạnh miệng tuyên bố sẽ bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp. Năm 2010, khi việc đánh đập phóng viên tác nghiệp trở thành “báo động đỏ” tại Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương đã đăng đàn phát biểu hùng hồn: “Sau này nếu các bạn (phóng viên) gặp khó khăn cứ nói với tôi, tôi sẽ phái người bảo vệ các bạn”.

Nhưng theo báo Chiều Tây An, “liệu Bí thư Uông có thể bảo vệ được bao nhiêu nhà báo hằng ngày phải đối mặt với những nguy hiểm đợi chờ trên đường tác nghiệp, bị kẻ xấu rình rập, đe dọa, ám hại, bị xã hội đen đuổi đánh, và nay bị chính các “phụ mẫu” địa phương đưa vào tầm ngắm. Nếu các biện pháp đảm bảo sự an toàn của các nhà báo không được luật hóa thì ai sẽ bảo vệ nhà báo?”.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên