Một buổi tập của các cầu thủ trẻ Viettel - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tiếp đến, khi lứa Công Phượng ra ràng bằng những trận đấu thuyết phục tại các giải U-19 thì chuyện đào tạo trẻ khởi sắc dần lên. Và bây giờ, nó thật sự là trăm hoa đua nở.
Nói về đào tạo bóng đá trẻ, hiện nay có vô số lò be bé từ các quận huyện, các cụm sân bóng đá mini. Còn "làm ăn lớn" thật sự, có hàng loạt đại gia, doanh nghiệp mà trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu một lò của doanh nghiệp quân đội - Viettel, và một của tư nhân - Nutifood.
Cầu thủ Viettel phải học khá, giỏi
Đừng ngạc nhiên nếu một ngày bạn có mặt tại trung tâm thể thao Viettel và thấy các cầu thủ nhí nơi đây xếp hàng vào nhà ăn, tự dọn dẹp đồ ăn và bát đũa sau bữa cơm. Tất cả cầu thủ trên 18 tuổi đều phải tham gia khóa huấn luyện quân sự kéo dài một tháng, đi hành quân, bắn đạn thật như các tân binh.
Trung tâm thể thao Viettel (thuộc Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel) có tiền thân là trung tâm đào tạo bóng đá của CLB Thể Công, được thành lập năm 2008.
Năm 2009 Bộ Quốc phòng thu hồi tên gọi của CLB Thể Công, đội bóng sau đó được chuyển giao về cho tỉnh Thanh Hóa để tham gia sân chơi V-League. Kể từ đó đội bóng quân đội chính thức chia tay người hâm mộ cả nước.
Dù CLB Thể Công không còn nhưng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ vẫn được duy trì do Tập đoàn Viettel quản lý. Năm 2015, trung tâm đào tạo bóng đá Viettel chính thức chuyển địa điểm từ quận Thanh Xuân lên xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) với cơ ngơi khang trang, hiện đại và đổi tên thành trung tâm thể thao Viettel.
"Lò" đào tạo Viettel được coi là mẫu hình trung tâm đào tạo bóng đá lý tưởng về cả cơ sở và chất lượng đào tạo. Với diện tích 18ha, trung tâm bóng đá Viettel có 6 sân tập (4 sân cỏ, 2 sân nhân tạo), 1 bể bơi, bể sục, xông hơi, nhà thi đấu đa năng, nhà ở VĐV hiện đại...
Với 14 HLV và 130 VĐV, trung tâm đào tạo bóng đá Viettel có đầy đủ các tuyến từ: U-13, U-15, U-17, U-19, U-21. Nhiều HLV là các ngôi sao của bóng đá VN và CLB Thể Công cần mẫn với công tác đào tạo trẻ trong nhiều giai đoạn như: Nguyễn Hồng Sơn, Trần Xuân Lý, Đặng Phương Nam, Đặng Thanh Phương, Nguyễn Hải Biên, Nguyễn Minh Tiến, Ngô Tiến Dũng...
Suốt những năm qua, trung tâm lao động cật lực để có thành quả là suất lên chơi V-League 2019. Các đội bóng đá trẻ Viettel đã giành 6 HCV, 10 HCB, 11 HCĐ trong hệ thống các giải trẻ quốc gia.
Gắn bó với công tác đào tạo trẻ tại Viettel đã 11 năm, cựu danh thủ Đặng Thanh Phương luôn đảm trách việc huấn luyện lứa cầu thủ nhỏ nhất mới tuyển vào là U-13. Không chỉ là thầy, HLV Thanh Phương cho biết các HLV vừa phải là cha mẹ của các cầu thủ và coi đội bóng như gia đình.
Đến trung tâm thể thao Viettel có thể dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt với nhiều trung tâm bóng đá khác tại VN, khi gặp bất cứ cầu thủ nào cũng thấy họ cất lời chào. Đến giờ ăn, tất cả VĐV đều phải mặc đồng phục, xếp hàng như bộ đội để lần lượt vào mâm, ăn xong các cầu thủ tự dọn dẹp đồ ăn thừa và cất bát đũa đúng nơi quy định.
Trên phòng riêng của các VĐV, nơi nào cũng treo biển lịch sinh hoạt, tiêu chí là VĐV bóng đá Viettel. Một tấm bảng trên tường thể hiện: "Tiêu chí đào tạo cầu thủ Viettel: hằng năm phải đạt học lực khá trở lên, phải tốt nghiệp THPT và thi đỗ được đại học; giao tiếp tiếng Anh; ứng xử có văn hóa trên sân và bên ngoài".
Thượng tá Hà Hữu Tám - bí thư Đảng ủy, phó giám đốc trung tâm - cho biết việc học với các cầu thủ luôn được quan tâm nhất tại đây. Các cầu thủ của Viettel bắt buộc phải đạt học lực khá, giỏi trở lên nếu không sẽ bị xem xét loại khỏi trung tâm.
Quan điểm của trung tâm là các cầu thủ phải học văn hóa, học làm người trước khi học đá bóng. "Thế nhưng đi xin học cho các cháu gian nan quá, như trung vệ Bùi Tiến Dũng, tôi phải đi 7 lần mới xin được cho cháu học cấp III. Dù vậy, bằng giá nào cũng phải lo cho các cháu học hành tử tế rồi mới học đá bóng".
HLV Franck Durix và học trò. Điều giống nhau của học viện Nutifood và HAGL là thuở ban đầu, các cầu thủ nhí đều tập chân trần - Ảnh: T.P.
Tiếp bước bầu Đức
Sau khi lứa "con cưng" của bầu Đức thi đấu thành công ở giải U-19 Đông Nam Á, vòng loại U-19 châu Á, vị doanh nhân mê bóng đá này muốn tổ chức một giải quốc tế ngay tại TP.HCM để trình làng cho người hâm mộ trong nước.
Bầu Đức vừa mới bày tỏ ý muốn tổ chức một giải tứ hùng, ngay lập tức ông Trần Thanh Hải - chủ tịch Nutifood - đã hào hứng tham gia ngay bằng vai trò tài trợ chính. Hai nhân vật này vốn thân thiết với nhau trên thương trường, nên chuyện ông Hải "nhiễm" máu mê bóng đá của ông Đức cũng là điều dễ hiểu.
Sau vụ tài trợ tổ chức giải quốc tế tứ hùng U-19 đó, ông Hải bắt đầu dấn sâu hơn vào bóng đá như tài trợ cho V-League và đặc biệt là mở học viện đào tạo y như của bầu Đức, đó là kết hợp với JMG.
Dự án của ông Hải cũng rất hoành tráng, nhưng cho đến giờ ông vẫn chưa mua được đất đủ lớn để xây dựng học viện. Vì vậy, nơi ăn chốn ở của các cầu thủ nhí học viện Nutifood-JMG đang tạm thời ở trong một ngôi biệt thự tại quận 10, TP.HCM; còn nơi tập luyện là sân Phú Thọ.
HLV Franck Durix - người của học viện JMG cử sang - cho biết: "Tôi hài lòng về tất cả, chỉ trừ có mặt sân tập. Hi vọng trong một ngày gần đây, trung tâm có sân tập riêng thì mọi chuyện đều tuyệt vời".
Nutifood có ưu thế về một đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng, nên họ đã làm rất tốt khâu này cho các cầu thủ nhí. Chuyện ăn của các em tưởng đơn giản nhưng thực tế vô cùng khó. Nhiều em do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ thích ăn cơm với thịt, cá chứ không chịu ăn rau, trái cây.
Vì vậy, đội ngũ chuyên gia phải kết hợp HLV vừa khuyên, vừa giải thích và cả dọa phạt các em mới vào "nếp" chuyện ăn uống. Nhờ vậy, chỉ sau vài năm các em đã có chiều cao "đột biến".
Cầu thủ 16 tuổi Dương Quang Trung Hiếu là một ví dụ điển hình. Ngày bước chân vào học viện, Hiếu cao chỉ 1,43m nhưng hơn 2 năm sau đã gần 1,75m.
Trung Hiếu nói: "Em có đến 7 anh em sống nhờ vào gánh hàng rong của cha mẹ nên cuộc sống khó khăn. Nhưng lúc mới vào học viện em cũng không ăn được vì không quen ăn rau, nhìn khẩu phần ăn lại ngán. Nhưng rồi em ý thức được điều đó tốt cho mình nên phải ráng và rồi cũng quen".
Cũng giống như mọi học viện khác, chuyện học ở đây được quan tâm đặc biệt. Học viện đã mời giáo viên đến tận nơi dạy từng em theo từng khối lớp. Chỉ có khi thi cử thì các cầu thủ trẻ phải sang trường làm bài như các học sinh khác.
"Chúng em luôn ý thức được tầm quan trọng của học văn hóa nên luôn cố học tốt và hầu như tất cả đều có kết quả thi tốt dù phải thi cùng với các bạn học sinh bình thường. Ngoài ra, tụi em còn được học tiếng Anh, tiếng Pháp (do đích thân HLV Durix dạy) - hai ngôn ngữ chủ yếu để trao đổi cùng HLV Durix trên sân" - Trung Hiếu chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận