08/11/2019 10:25 GMT+7

Học trò đánh nhau dã man, người lớn ở đâu hết rồi?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Những ngày gần đây, liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra ở các địa phương trên cả nước. Thậm chí có vụ học sinh chém nhau, phụ huynh cũng xông vào trường đánh học sinh… khiến dư luận mệt nhoài.

Học trò đánh nhau dã man, người lớn ở đâu hết rồi?  - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (Q.1, TP.HCM) trong buổi tập huấn kỹ năng chống bạo lực học đường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đa số những vụ bạo lực xảy ra thời gian gần đây đều có nguyên nhân giống nhau: mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Mâu thuẫn ảo, chém nhau thật

Có thể điểm vài vụ gây chấn động dư luận như vụ học sinh Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) bị chém khiến hai học sinh phải vào bệnh viện cấp cứu. Tương tự, ngày 23-10, hai nữ sinh lớp 8 Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) đánh nhau ngay trước cổng trường dưới sự chứng kiến, cổ vũ của nhiều bạn bè.

Ngày 2-10, lãnh đạo Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp, TP.HCM) xác nhận clip dài 53 giây ghi lại cảnh một nữ sinh bị hai bạn nữ khác dùng mũ bảo hiểm tấn công vào mặt, đầu, bị túm tóc, đạp vào người, lột áo... là học sinh của trường. Như các vụ khác, nhóm nữ sinh này có mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội.

Tại buổi tọa đàm "Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc" tổ chức đầu tháng 4-2019, phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Phạm Mạnh Thường nhận định những con số của bạo lực học đường là con số khủng khiếp mà những phụ huynh, giáo viên không thể không lưu tâm.

Khi trẻ bị cô độc

Lý giải cho những vấn đề trên, ông Trần Tuấn Anh - giáo viên Trường THCS Collette (Q.3, TP.HCM) - đặt câu hỏi: "Qua những vụ việc trên, có ai đặt vấn đề tại sao các em không mâu thuẫn với nhau trong đời thường mà lại mâu thuẫn trên mạng không?".

Ông Tuấn cho rằng trong học tập và trong cuộc sống đời thường các em không thấy vui vẻ và hứng thú. Mà không vui thì chán học, học yếu, không hoàn thành bài theo quy định... rồi bị trách mắng, la rầy. Ở lớp, trong trường sẽ có rất ít học sinh ngoan, giỏi chơi với những em này. Thế là các em trở thành người cô độc ngay trong chính ngôi trường của mình.

Về nhà thì sao? Không phải tất cả nhưng nhiều phụ huynh bây giờ ít chịu gần gũi và lắng nghe con em mình, cứ thấy con học yếu là chửi rồi lăng mạ con mình là lười biếng, dốt nát... Lại thêm một lần nữa, học sinh lại không được tôn trọng, các em cảm thấy lẻ loi và bị ghẻ lạnh ngay trong tổ ấm của mình.

Khi đã bị coi thường, bị cô lập ở nhà, ở trường thì các em tìm đến mạng xã hội, nơi mà học sinh có thể thoải mái thể hiện bản thân mà không sợ ai la mắng, thậm chí các em còn được tung hô, ca ngợi. Nhiều em thiếu kỹ năng ứng xử, không kiềm chế được cảm xúc của bản thân. Từ đó sẽ nhanh chóng dẫn đến tình trạng mâu thuẫn trên mạng ảo và kết thúc bằng những cuộc hẹn hò thật ngoài đời để giải quyết bằng bạo lực" - ông Tuấn Anh chia sẻ.

Sao người lớn không làm gương?

Mới đây, vụ việc năm phụ huynh xông vào Trường THCS Quảng Ninh, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa để đánh một nam sinh lớp 8 cũng khiến dư luận bàng hoàng. Bà Nguyễn Kim Dung (phụ huynh học sinh lớp 8, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc: "Năm người lớn hùng hổ xông vào nhà trường - môi trường học đường để đánh một đứa trẻ 14 tuổi thật đáng lên án và không thể chấp nhận được. 

Những phụ huynh ở Trường THCS Quảng Ninh làm gương xấu cho con! Tôi nghĩ dù cho giáo viên có giáo dục hay đến mấy cũng không thể thuyết phục học sinh khi các em đã bị ảnh hưởng bởi những con người thật là chính người thân của mình".

Cô Thu Hà, giáo viên môn toán bậc THCS, cũng chia sẻ: "Một số phụ huynh ngày nay còn có khuynh hướng đổ lỗi cho giáo viên chủ nhiệm. Mỗi tuần tôi có 5 tiết dạy môn toán cộng với 2 tiết chủ nhiệm và giáo dục ngoài giờ lên lớp ở lớp mình chủ nhiệm thì dù tôi có đặt "ăngten" khắp nơi cũng có khi sơ suất. 

Thế nhưng, khi tôi gọi điện thông báo về những dấu hiệu bất ổn của học sinh là phụ huynh phản ứng ngay vì cho rằng con họ rất ngoan. Từ đó, khi bạo lực học đường xảy ra là phụ huynh đổ lỗi tại cô giáo chủ nhiệm không quan tâm, không ngăn chặn...".

Trong khi đó, bà T. - hiệu trưởng một trường THCS ở quận vùng ven TP.HCM - cho rằng bạo lực học đường ngày càng gia tăng một phần vì ngành GD-ĐT vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Nhưng trước mắt, các phụ huynh hãy bảo vệ con bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho con em mình, tâm sự, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm... Đừng thả cho con lang thang và tìm niềm vui trên mạng; giám sát và đồng hành cùng con trong các hoạt động học tập, vui chơi, quan hệ với bạn bè... "Nếu gia đình nào cũng làm được như vậy, tôi tin bạo lực học đường sẽ giảm đi rất nhiều" - vị hiệu trưởng này nói.

* HOÀNG BẢO (lớp 10A10 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, TP.HCM):

Em nghĩ nếu bạn nào cũng biết nhường nhịn, yêu thương, kiềm chế tính nóng nảy, hiếu thắng sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường. Phía nhà trường thì cần can thiệp sớm, thông qua giáo viên chủ nhiệm. Ở gia đình, chưa bao giờ em "thoát" được tầm bao quát của ba mẹ nên em có bức xúc cũng không thể "manh động".

* THANH TRÚC (lớp 10A6 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM):

Bạo lực mâu thuẫn học đường xảy ra là do nhiều lý do hết sức đơn giản như nói sốc, "cà khịa". Về nhà trường, thật sự tụi em rất muốn được có những buổi giáo dục về ứng xử trên mạng xã hội, muốn được thầy cô giáo dục thực tế những điều học sinh đang quan tâm, tiếp xúc. Các bậc cha mẹ cũng nên bỏ ít thời gian quan tâm đến con. Nếu không có sự quan tâm của cha mẹ, tụi em muốn được dạy để tránh được cám dỗ, tránh bạo lực thì cũng khó.

THẢO THƯƠNG ghi

Bạo lực học đường: do thực thi luật không nghiêm, gia đình thả nổi Bạo lực học đường: do thực thi luật không nghiêm, gia đình thả nổi

TTO - Vấn đề cốt yếu dẫn tới gia tăng các vụ bạo lực học đường không phải do thiếu luật mà do năng lực thực thi luật pháp không nghiêm, cạnh đó do giáo dục gia đình đang bị thả nổi.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên