02/06/2016 09:13 GMT+7

Học sinh vi phạm luật giao thông có khi là thảm nạn

Q.KHẢI - T.DƯƠNG - A.NHÂN
Q.KHẢI - T.DƯƠNG - A.NHÂN

TTO - Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục tình trạng trẻ em TP.HCM tử nạn vì giao thông.

Ba nữ sinh không đội mũ bảo hiểm chạy xe điện trên đường Ngô Thời Nhiệm (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ba nữ sinh không đội mũ bảo hiểm chạy xe điện trên đường Ngô Thời Nhiệm (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

“Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn thường tiếp nhận những trẻ em bị chấn thương do tai nạn giao thông nhập viện trong tình trạng bị gãy tay, gãy chân, chấn thương đầu, đa chấn thương... Nhiều bệnh nhi bị tai nạn giao thông nhập viện lại không được đội nón bảo hiểm trước đó

Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh (phó khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM)

Thông tin trẻ em TP.HCM tử nạn vì giao thông tăng ba năm liên tiếp, từ năm 2013-2015, trong đó chủ yếu là học sinh, đã gây lo lắng cho nhiều phụ huynh

Một lãnh đạo đội CSGT - Công an Q.Gò Vấp, TP.HCM:

Thương tâm vì các em quá nhỏ

Đến giờ, tôi vẫn chưa quên vụ tai nạn thương tâm xảy ra khoảng 12g trưa 1-10-2015, tại ngã tư Nguyễn Oanh - Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp khiến một nữ sinh lớp 10 tử vong ngay dưới bánh xe tải. Thời điểm đó, nữ sinh đang trên đường đến trường thì bị xe tải tông phải. Nữ sinh đó là học sinh hiền lành, ngoan ngoãn. Làm việc với đội về vụ tai nạn, nhiều người thân gia đình nữ sinh đã khóc ngất.

Các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh luôn khiến mọi người thương tâm vì các em còn quá nhỏ, tương lai còn rộng mở phía trước. Tuy nhiên, có thực tế là hiện nay nhiều gia đình thiếu quản lý đã tạo điều kiện cho con em điều khiển xe máy để đi học, đi chơi. Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, chúng tôi phát hiện có trường hợp học sinh trung học cơ sở, còn quá nhỏ mà đã lái xe máy.

* Đại diện lãnh đạo đội CSGT - Công an Q.Tân Phú, TP.HCM:

Gia đình lơ là

Chúng tôi thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, xử lý tình trạng học sinh tự lái xe máy, xe đạp điện vi phạm giao thông bởi lứa tuổi các em thích bắt chước người lớn, thể hiện mình, dễ gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.

Hiện nay, tình trạng các học sinh nam (lớp 10, lớp 12) điều khiển xe máy chở theo bạn nữ phía sau để “chứng tỏ” là khá phổ biến, tình trạng các học sinh chạy xe dàn hàng nói chuyện vui đùa trên đường rất ít để ý xe cộ khác cũng không ít. Khi thấy cảnh sát giao thông, nhiều em quay đầu xe bỏ chạy với tốc độ cao. Thấy vậy, cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ cũng không dám rượt đuổi, sợ các em hoảng sợ gây tai nạn.

Qua một số vụ xử lý vi phạm của học sinh, chúng tôi nhận thấy nhiều phụ huynh buông lỏng quản lý con em. Chứng kiến những cảnh trẻ em bị nạn như vậy và cảnh gia đình khóc thương, không ai cầm lòng được. Thế nhưng cũng không thiếu gia đình lơ là, tiếp tay cho con sử dụng xe máy trái quy định.

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong (phó Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM):

Xây dựng ý thức chấp hành luật

Tai nạn giao thông, đặc biệt là với trẻ em, học sinh được TP quan tâm rất nhiều do các em chưa được trang bị đủ kiến thức pháp luật, chưa có ý thức tham gia giao thông an toàn và chưa cảnh giác được những nguy hiểm do hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ gây ra.

Qua công tác tuần tra, xử lý, chúng tôi ghi nhận học sinh vi phạm Luật giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như đi ngược chiều, đi sai làn đường, phần đường... hay điều khiển môtô phân khối lớn chưa có giấy phép lái xe.

Công an TP đang tiếp tục phối hợp cùng công an 24 quận, huyện, nhà trường... tập trung tuyên truyền và kết hợp xử lý vi phạm đối với các em học sinh vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Để không ảnh hưởng đến thời gian học tập và lộ trình các em đến trường, lực lượng cảnh sát giao thông triển khai bố trí lực lượng xử phạt vào thời gian tan học buổi chiều, các tuyến đường xung quanh các trường để phát hiện và xử lý đối với các em học sinh vi phạm.

Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức camera ghi hình các trường hợp vi phạm và phối hợp gửi hình ảnh về nhà trường, địa phương nơi cư trú để nhắc nhở các em, liên hệ và thông tin kịp thời cho gia đình. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp nhà trường tổ chức hội thi văn nghệ, tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức và đặc biệt là xây dựng cho các em ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Ngọc Tường (phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP):

Nên sử dụng xe đưa rước

Những vụ tai nạn giao thông đối với học sinh tiểu học chủ yếu là do cha mẹ chở; đối với học sinh THCS một phần do phụ huynh chở, một phần do đi bộ và xe đạp điện; còn với học sinh THPT thì tai nạn ở các trường hợp đi xe đạp, xe đạp điện, môtô, đặc biệt môtô phân khối lớn. Điển hình vụ tai nạn giao thông vừa kể trên.

Các sở, ngành TP đã thực hiện nhiều biện pháp giảm tai nạn giao thông cho học sinh. Sở GD-ĐT đã lồng ghép các chương trình giáo dục an toàn giao thông vào học đường, nhắc nhở, vận động phụ huynh học sinh thực hiện nghiêm Luật giao thông.

Công an tăng cường công tác tuần tra nhắc nhở, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là công tác giáo dục từ các gia đình, tuyệt đối không giao môtô phân khối lớn cho con em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái.

Phụ huynh nên ủng hộ chương trình đưa rước học sinh hiện nay do một số đơn vị như lực lượng Thanh niên xung phong TP thực hiện. Công tác đưa rước học sinh hiện đã thực hiện tại một số điểm trường và dự kiến sẽ nhân rộng tại nhiều khu vực khác. Ban An toàn giao thông TP ủng hộ và TP kỳ vọng mô hình này không chỉ góp phần hạn chế tai nạn giao thông mà còn giảm ùn tắc giao thông tại các cổng trường...

Q.KHẢI - T.DƯƠNG - A.NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên