23/03/2012 07:17 GMT+7

Học sinh tự tử: cô đơn và bế tắc

VIỆT TƯỜNG
VIỆT TƯỜNG

TT - Cái chết đau lòng của ba cô học trò ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) vào ngày 17-3 vừa qua và hàng loạt vụ tự tử trước đó của người trẻ đang khiến người lớn bàng hoàng và lúng túng tìm giải pháp.

Học sinh tự tử: Người lớn thiếu quan tâm?Đau đớn cái chết của ba học sinh lớp 7Thêm hai học sinh tự tử

zKvRzad6.jpgPhóng to

Học kỹ năng sống sẽ giúp bạn trẻ hành xử bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Trong ảnh: trại huấn luyện kỹ năng do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức - Ảnh: Thái Bình

Người ta tự hỏi vì đâu mà họ vội từ bỏ sự sống khi đang trong độ tuổi đẹp nhất của đời người?

Những cái chết đau lòng

Thêm một học sinh lớp 12 tự tử

Công an xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết em T.V.S. (18 tuổi, trú ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) - học sinh lớp 12CB5 Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Tuy Hòa đã tự tử vào chiều tối 21-3.

Khoảng 16g ngày 21-3, một người dân phát hiện em S. đang nằm ở khu vực Đồng Diêm, thôn Định Thành, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa trong tình trạng sùi bọt mép. Lúc đó, em S. vẫn còn gượng sức báo số điện thoại của ông T.V.T. là cha ruột mình ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa. Nhưng khi ông T. đến nơi thì em S. đã chết.

Theo Công an xã Hòa Quang Nam, trước khi tự tử em S. đã thế chấp chiếc xe máy Air Blade của gia đình mua cho mình. Thầy Châu Lý Vân - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi - cho biết em S. học lực trung bình, hạnh kiểm khá và chưa vi phạm nội quy kỷ luật nhà trường.

Ngay trong ngày tuyệt mệnh của ba cô học trò “chết cùng nhau” ở Đắk Nông, tại Trường THCS Phước Hội 2, thị xã La Gi (Bình Thuận) cũng xảy ra một vụ tự tử khác: bạn P.T.T., học sinh lớp 9 của trường này, được gia đình phát hiện đã treo cổ tự vẫn trong nhà vệ sinh. Theo lời kể của bạn học cùng lớp, vì bị giáo viên phê bình do để tóc dài nên T. không đến trường, khi gia đình biết chuyện lại rầy la nên bạn đã tìm đến cái chết.

Trước đó, theo một số báo mạng, vào ngày 15-3 nam sinh L.V.C. (sinh năm 1995) tại xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đã treo cổ tự tử chết trong nhà. Trước khi chết, C. có để lại tờ giấy than thở chán đời vì gặp trục trặc trong chuyện tình cảm yêu đương... Xa hơn, vào ngày 11-3, một nữ sinh trường trung cấp trên địa bàn Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đột nhiên nhảy lầu chết thảm chỉ vì cãi nhau với bạn trai.

Đáng lưu ý là rất nhiều vụ tự tử xảy ra lại rơi vào các bạn nữ. Ngày 28-2, một nữ sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) đã thắt cổ chết trong ký túc xá do bị nghi ngờ lấy trộm đồ của bạn cùng phòng. Trước khi chết, bạn nữ này đã để lại bức thư xin ba mẹ tha lỗi và trong thư cũng không hề trách móc hay oán hận ai.

Không chỉ các vụ nêu trên, trong nhiều vụ khác, nguyên nhân dẫn đến những quyết định dại dột của người trẻ lắm khi rất lãng xẹt. Có khi chỉ là bị bố mẹ mắng vì học hành chểnh mảng nên sinh ra buồn chán rồi treo cổ như trường hợp nữ sinh T.T.T.T. (sinh năm 1995) ở Đắk Lắk. Hay như chuyện nữ sinh K.O. của một trường THPT tư thục ở huyện Đông Hưng (Thái Bình) nhảy lầu chỉ vì bị cô giáo bắt chép phạt và la mắng.

Nhưng đáng lo nhất là tình trạng người trẻ tự tử tập thể. Trước vụ ba cô học trò ở Đắk Nông, hẳn ai cũng nhớ vụ năm nữ sinh lớp 7 Trường THCS Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) rủ nhau cùng nghỉ học và uống thuốc tự tử nhưng may mắn được cứu sống kịp thời. Nguyên nhân sau đó được xác định không chỉ do kết quả học tập kém mà còn vì bị gia đình trách móc nặng lời khiến các em nghĩ quẩn.

Chuyện gì đang xảy ra?

Sự biến động tâm lý tuổi vị thành niên luôn là mối lo ngại cho các nhà giáo dục bởi vì các em rất nhạy cảm, tâm lý diễn biến phức tạp. Hành vi của các em thường mang tính bộc phát, gây khó hiểu cho người lớn, thậm chí có thể chính các em cũng không ngờ bản thân có lúc hành động như vậy.

Trong các ca tư vấn tâm lý cho học sinh, các chuyên viên thường phát hiện sự cộng hưởng cảm xúc ở những em có cùng trải nghiệm tiêu cực. Chẳng hạn khi nghe bạn than thở, kể lể những nỗi ấm ức về thái độ không đúng của cha mẹ, các em có cùng cảnh ngộ dễ dàng hưởng ứng, chia sẻ sự bức bối, bất mãn, buồn bực làm vấn đề trở nên tồi tệ, bi thảm, không còn lối thoát... Lúc đó chỉ cần một bạn nảy sinh ý tưởng dại dột và kích động cả nhóm, các em sẽ sẵn sàng cùng nhau hành động mà chẳng cần cân nhắc thiệt hơn.

Thế nhưng, trong bối cảnh gia đình ngày càng hoang vắng do cha mẹ luôn bận bịu công việc, ít có mặt bên cạnh con cái, không đồng hành được để kịp thời hỗ trợ khi con gặp rắc rối. Ở trường học thầy cô luôn bận rộn với công việc giảng dạy, quá tải với sĩ số đông đảo học sinh đến nỗi không có đủ thời gian để lắng nghe, giải tỏa vướng mắc cho học trò. Và trong một xã hội phơi bày quá nhiều tệ nạn, nhiều nỗi bất công và sự tha hóa đạo đức đến mức ngay cả những người lớn lương thiện cũng không đủ sức miễn nhiễm, do đó càng không thể dang tay chăm lo, bảo vệ cho trẻ em... thì trẻ vị thành niên ngày càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Họ ngày càng hụt hẫng trước sự vô cảm, vô tình của con người và chỉ biết tìm hơi ấm ở bạn bè cùng trang lứa, vốn cũng đang sống tẻ nhạt trong những ngôi nhà hoang vắng khác.

Đánh động gia đình và xã hội

Sự cô đơn ấy đã là một trải nghiệm sâu sắc, từ những năm tháng đầu đời các em phải sớm rời vòng tay cha mẹ để tự lực xoay xở ở trường học trong sinh hoạt bán trú bậc mầm non đến bậc tiểu học, phải cạnh tranh khốc liệt với những nhóm, lớp đông đúc bạn bè... Những trái tim cô đơn ấy rất dễ đồng cảm với nhau nhưng không đủ sức đề kháng để giúp nhau xoa dịu nỗi đau, mà trái lại có thể khiến các em trơ lì, gai góc hoặc oằn oại, đau khổ và bế tắc hơn. Kết thúc cuộc đời không phải là điều con trẻ mong muốn mà đó là sự vùng vẫy, kêu gào nhằm lay động tình yêu thương và thái độ quan tâm của những người thân yêu đối với các em.

Nếu như các gia đình được sưởi ấm thêm bởi sự yêu thương, gắn kết các thành viên với nhau; nếu nhà trường được tổ chức thân thiện hơn bởi sự thấu đáo của các tác động giáo dục; nếu các giá trị xã hội được định hướng lành mạnh, tích cực hơn... thì trẻ vị thành niên mới thật sự được hưởng thụ một cuộc sống an toàn, hạnh phúc, được trang bị đầy đủ để trở thành những người lớn tốt đẹp và cống hiến tích cực cho xã hội sau này.

Ba học sinh Tiền Giang tự tử trong một tháng

Ngày 22-3, thượng tá Nguyễn Văn Quân, trưởng công an thị xã Gò Công (Tiền Giang), cho biết hiện vẫn chưa xác định được lý do em H.D.Đ. (học sinh lớp 11 Trường THPT Trương Định) treo cổ tự tử chiều tối 21-3.

Ngày 21-3 mẹ của Đ. đi TP.HCM khám bệnh. Khoảng 16g bà về tới nhà thấy đóng cửa. Tưởng Đ. đi học thêm nên bà đến nhà hàng xóm chơi để chờ con về. Đến 18g vẫn không thấy Đ.về, bà đến nhà cô giáo thì biết Đ. không đi học thêm. Bà về nhà phá cửa vào thì thấy Đ. đã chết do treo cổ phía sau nhà.

Theo thượng tá Quân, chỉ trong một tháng ở thị xã Gò Công liên tiếp có ba học sinh treo cổ tự tử. Trước đó, em P.T.Đ.T. (học sinh lớp 9 Trường THCS Bình Đông) tự tử ngày 21-2 và em N.T.T.L. (học sinh lớp 8 Trường THCS Bình Xuân) tự tử ngày 26-2 cùng nguyên nhân là buồn chuyện gia đình.

VIỆT TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên