Học sinh trường mầm non Thạch Bàn, Hà Nội trong tiết học lao động nhổ rau sạch trong vườn trường cho bếp ăn bán trú - Ảnh: VĨNH HÀ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 16-3, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, cho biết Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú, kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
Tại Hà Nội, trước những hoang mang của phụ huynh có đóng tiền bữa ăn bán trú cho con, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng trao đổi: để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và thời gian sử dụng.
Nhà trường phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy phép và có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cán bộ phụ trách trong các nhà trường phải quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn của học sinh, công khai thực đơn, đơn giá hằng ngày, chú trọng cải tiến các bữa ăn và phối hợp món ăn trong ngày cho hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng theo từng độ tuổi.
Trước đó, phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh phát hiện thịt lợn trong bếp ăn của trường có dấu hiệu nổi nhiều hạch, tật màu trắng dấu hiệu giống như bệnh sán gạo. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã đưa con đi xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Tính đến 18h chiều ngày 15-3, kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương đã phát hiện 62 trẻ tại Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh dương tính với sán lợn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận