13/06/2015 08:56 GMT+7

Học nhạc đúng cách

NGUYỄN THÚY UYỂN (thạc sĩ âm nhạc, giảng viên piano nhạc viện TP.HCM)
NGUYỄN THÚY UYỂN (thạc sĩ âm nhạc, giảng viên piano nhạc viện TP.HCM)

TT - Nhu cầu học âm nhạc đang ngày càng mở rộng tại TP.HCM. Tuy nhiên, sự phát triển về mặt số lượng như hiện nay chưa mang tới lợi ích thật sự cả về giáo dục kỹ năng lẫn giáo dục văn hóa cho người học.

Một lớp học hè môn thanh nhạc tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một lớp học hè môn thanh nhạc tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Một nền giáo dục âm nhạc đúng đắn chẳng những giúp người học có kiến thức và kỹ năng chơi nhạc mà còn mở mang và bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật. Phát triển giáo dục âm nhạc rất quan trọng vì nó không chỉ là lợi ích của cá nhân người học mà còn nâng cao trình độ thưởng thức cho toàn xã hội.

Những hạn chế có thể thay đổi được

Trong khi âm nhạc dạy trong học đường, tại các nhà văn hóa, các lớp nhạc tư nhân, các trường âm nhạc chưa mang tới hiệu quả thật sự thì trẻ con và số đông bạn trẻ bị ảnh hưởng rất nhanh từ nguồn nhạc ồn ào trong công viên, tiệc cưới hoặc tệ hơn nữa từ nguồn nhạc trẻ nước ngoài không chọn lọc trên các phương tiện truyền thông.

Sự tiếp xúc thường xuyên và lâu dài này vô tình ảnh hưởng tới thẩm mỹ trong thưởng thức của số đông. Phần lớn mọi người sẽ cho rằng âm nhạc chỉ là các loại ca khúc mà bỏ qua các thể loại khí nhạc. Ngoài ra số đông sẽ luôn đánh đồng âm nhạc với những âm thanh ồn ào sôi động hoặc âu sầu, rên rỉ. Hạn chế cho trẻ em tiếp xúc nhiều với các nguồn âm nhạc không phù hợp nêu trên là một cách bảo vệ năng lực cảm nhận nghệ thuật của trẻ sau này.

Ngoài ra cần thay đổi được quan điểm của phụ huynh và của người học hiện nay. Thay vì cho rằng học nhạc là học chơi nhạc cụ hay học hát, mọi người nên hướng tới mục tiêu ý nghĩa hơn. Học âm nhạc đúng cách sẽ giúp khơi mở và bồi dưỡng cho thế giới tinh thần, giúp người học nâng cao văn hóa thưởng thức nghệ thuật. Về mặt xã hội, việc tiếp cận môn âm nhạc đúng cách sẽ làm cho âm nhạc thật sự mang tính sinh hoạt văn hóa của cộng đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức độ giải trí hoặc bị thương mại hóa.

Những cách học nhạc chủ động

Nếu quan tâm một cách nghiêm túc hơn nữa chúng ta sẽ tìm thấy nhiều cách học âm nhạc phù hợp và hiệu quả. Đối với người trưởng thành và mới bắt đầu tìm hiểu về âm nhạc, ta có thể chọn cách đọc sách, tìm hiểu trên mạng, đi nghe các buổi hòa nhạc có thuyết trình. Các hoạt động này rất hiệu quả cho việc bồi dưỡng và mở rộng khả năng cảm thụ âm nhạc của người học. Nó vừa trang bị các kiến thức liên quan tới âm nhạc, vừa khơi gợi cảm hứng đối với việc học nhạc. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham gia một khóa học chơi một nhạc cụ nào đó.

Tuy nhiên luôn ghi nhớ rằng phát triển kỹ năng chơi đàn phải gắn liền với phát triển kiến thức âm nhạc cũng như cách cảm nhận âm nhạc. Đối với trẻ em, ngoài việc chọn lựa các khóa học nhạc phù hợp lứa tuổi và sở thích, các em nên được hướng dẫn nghe nhạc một cách thường xuyên và có chọn lọc.

Đừng để các em chỉ tiếp xúc với loại nhạc quảng cáo, nhạc trẻ được phát tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Đừng ngại hỏi giáo viên âm nhạc về những tác phẩm âm nhạc mà các em có thể nghe. Việc này cũng giống như bạn hỏi thăm giáo viên dạy văn về những cuốn sách phù hợp mà các em có thể đọc. Ngoài ra bạn cũng có thể dẫn các em đi nghe hòa nhạc.

Đừng lo ngại rằng trẻ không hiểu hoặc cảm thấy chán, âm nhạc có cách tác động trực tiếp và nhẹ nhàng của nó. Việc đi nghe những chương trình hòa nhạc mang tính sư phạm, dành riêng cho đối tượng mới làm quen âm nhạc vừa mang tới những phút giây thư giãn vừa khơi mở một cách tự nhiên niềm cảm hứng đối với âm nhạc của trẻ nhỏ.

NGUYỄN THÚY UYỂN (thạc sĩ âm nhạc, giảng viên piano nhạc viện TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên