Theo ông Tân, cuộc thanh tra liên quan đến các dự án do công ty nói trên thực hiện đã kết thúc, báo cáo UBND TP và “vụ việc này được TP chỉ đạo chuyển cơ quan điều tra làm rõ đối với các sai phạm để xử lý nghiêm minh”.
Buông lỏng quản lý
Ngoài các lý giải do quản lý nhà nước còn yếu kém, lỏng lẻo, ông Tân cho rằng điều không bình thường là ở xã Bà Điểm. Trong cùng một thời điểm (2001-2003), lãnh đạo UBND huyện đã chấp thuận địa điểm cho Công ty Hoàng Hải (thành lập tháng 7-2000) thực hiện 11 dự án với tổng diện tích đất lên đến 100ha, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ 25 tỉ đồng. Trong số này gồm bốn dự án phân lô hộ lẻ, ba dự án khu nhà ở và bốn khu đất nông nghiệp.
Sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài đã tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Hải thực hiện nhiều dự án quy mô lớn nhưng đến nay tất cả đều chưa thực hiện xong, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh... Tại các dự án có quyết định giao đất, kể cả các khu đất nông nghiệp chỉ mới được thỏa thuận địa điểm, chưa được duyệt quy hoạch nhưng chủ đầu tư đã tự ý phân lô bán nền trong một thời gian dài.
Cụ thể, có đến 230 trường hợp vi phạm quy hoạch xây dựng, trong đó vi phạm tại ba dự án với tỉ lệ vi phạm xây dựng đến 51%, chủ yếu sai thiết kế, sai quy hoạch được duyệt... Nghiêm trọng hơn, có đến 93 công trình gồm nhà ở, nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng không được phát hiện.
Đặc biệt, để được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án, Công ty Hoàng Hải đã cố ý kê khai khống diện tích đất đền bù tại ba dự án và lập giả mạo bảy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với tổng diện tích đền bù khống lên đến 146.000m2 trong số 347.000m2 thực hiện dự án (chiếm 42%).
Thế nhưng việc đền bù khống này lại được UBND xã Bà Điểm, UBND huyện Hóc Môn xác nhận là đã đền bù đủ 100%. Cơ quan chức năng xác định công ty này còn vi phạm trong chuyển nhượng hàng trăm nền đất trên bốn khu đất nông nghiệp cho khách hàng.
Cũng theo Thanh tra TP, qua các cuộc thanh tra gần đây cho thấy ở huyện Hóc Môn có một số cá nhân thu gom đất và tự ý phân lô bán nền trên đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái pháp luật gần 1.000 căn nhà tại xã Thới Tam Thôn nhưng không được cơ quan chức năng ở địa phương xử lý.
Ông Tân nói có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sai phạm, trong đó có sự thiếu trách nhiệm của cán bộ công chức, hạn chế về năng lực, chưa kể yếu tố tiêu cực, bị mua chuộc, tiếp tay cho chủ đầu tư thực hiện các sai phạm.
Xử tham nhũng vẫn còn chậm
Bên cạnh kết quả đạt được, Ban chỉ đạo TP.HCM về phòng chống tham nhũng thẳng thắn “hạn chế cần khắc phục là tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, nhất là các án nổi cộm, phức tạp còn chậm”. Việc trao đổi thông tin, thực hiện phòng chống tham nhũng với các cơ quan, doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM chưa chặt chẽ, để liên tiếp xảy ra một số vụ tiêu cực, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có vụ cho vay của bốn chi nhánh thuộc một ngân hàng đã gây thiệt hại 160 tỉ đồng và 3.000 lượng vàng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Chiến - chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - cho rằng phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng ở VN. Ông Chiến đề nghị cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có giải pháp công khai, minh bạch đã phát huy tác dụng rất tốt.
Cụ thể, vừa qua Ủy ban Kiểm tra trung ương công khai xử lý các sai phạm được dư luận hết sức đồng tình. “Công khai nhưng chúng ta không sợ mất uy tín” - ông Chiến nói. Theo ông Chiến, tới đây sẽ yêu cầu UBND các cấp báo cáo trước HĐND cùng cấp về kết quả thực hiện phòng chống tham nhũng và tiến hành chất vấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận