"Tôi nghĩ vào quán cà phê mua một chỗ ngồi để học tập hay làm việc là rất thỏa đáng. Quan trọng là mỗi người tự cân đối chi phí, sử dụng thời gian sao cho hiệu quả, phát huy được các giá trị mình tìm kiếm. Vào một không gian thoáng mát, giàu cảm xúc để làm việc và học tập chẳng có gì đáng nói, còn đến chỉ để tụ tập rồi "tám" giết thời giờ thì miễn bàn.
- TRƯƠNG QUỐC PHONG -
Dưới đây là góc nhìn của bạn đọc ở hai độ tuổi khác nhau với trải nghiệm của chính họ về chuyện học, làm việc ở quán cà phê.
Để người trẻ tự do trải nghiệm
Thỉnh thoảng tôi cũng có thói quen ra quán cà phê làm việc. Một không gian mới, đẹp cho tôi nhiều cảm xúc, nhất là tôi làm công việc liên quan đến viết lách. Tôi cũng thường bắt gặp các bạn trẻ, đa số là sinh viên, ra đây học bài, và có cả những người làm việc tự do. Thậm chí có quán hầu như chỉ toàn sinh viên đến học bài. Phải thừa nhận đó là xu hướng.
Con tôi học lớp 1, thường cần thời gian khá dài vào buổi tối để làm bài tập. Tôi đề nghị với con và đặt đồng hồ báo thức 40 phút. Nếu con hoàn thành trong khoảng thời gian ấy thì cuối tuần sẽ được đi uống cà phê, còn không thì thôi. Kết quả cháu tập trung hơn hẳn vì thích được đến quán cà phê. Việc này sau đó thành thói quen và cháu có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
Nhìn vào phép tính trong bài báo của Tuổi Trẻ, nhiều người lo ngại vì quá lãng phí. Nhưng mọi so sánh đều khập khiễng. Con số đưa ra cũng chỉ là giả thuyết mà vô hình trung đang áp đặt cho người trẻ về cái gọi là lãng phí. Lãng phí với người này nhưng lại có ích với người khác thì sao?
Đó là tiền của các bạn trẻ và họ có quyền lựa chọn cho việc chi tiêu đó. Cả chuyện lợi hay tác hại từ quán cà phê cũng chỉ có các bạn mới tự trả lời được, chứ không phải từ người ngoài nhìn nhận và đánh giá. Hãy để người trẻ được tự do trải nghiệm, đưa ra quyết định, lựa chọn của mình. Việc của người lớn nên là gợi ý tình huống, chia sẻ suy nghĩ để các bạn có thêm cơ sở cân nhắc mà thôi.
Dù các con còn nhỏ hay đã lớn vẫn đều cần một môi trường tự do để phát huy tính tự giác, tự lập. Phụ huynh hãy lùi lại quan sát. Điều này rất cần thiết để hỗ trợ và phân tích cho con, nếu cần điều chỉnh cho tốt hơn mà thôi.
AN NHIÊN
Mua một chỗ ngồi, cũng đáng mà!
Nhiều người nghĩ quán xá là nơi ồn ào, tụ tập của nhóm người hướng ngoại, nhưng với một 8X hướng nội như tôi, thực tế nhiều năm học tập và làm việc tại quán xá, tôi nghĩ người lựa chọn quán cà phê làm nơi học tập, làm việc rất thú vị.
Trong những người đến quán, tỉ lệ ôm điện thoại, máy tính lướt web, làm việc không hề nhỏ chứng tỏ nhu cầu về một không gian thứ hai bên cạnh nơi quen thuộc như nhà ở, chỗ trọ, lớp học là có thật và bức thiết. Mà đã là cần thiết, tiếc gì vài chục ngàn đồng mỗi ngày.
Có lần tôi từng hỏi một người bạn hay đi quán về thức uống ở đó ổn không? Bạn khựng lại hồi lâu mới đáp không để ý lắm nhưng cũng được với lại vào cà phê mua một chỗ ngồi chứ đâu hẳn vì nước uống. Nghiệm lại, tôi thấy đúng vì không phải lúc nào tôi cũng để ý thức uống dở hay ngon mà thường để tâm đến chỗ ngồi và không gian nhiều hơn.
Mà những quán cà phê gần trường học thường phân khúc tầm trung và giá rẻ, tương đối phù hợp với sinh viên. Thời sinh viên, tôi và bạn mình thường chọn quán cà phê nghỉ ngơi, ăn trưa chờ ca học buổi chiều, thi thoảng cả đám tụ tập giải đề thi, làm luận văn hoặc bài tập.
Sài Gòn cũng không thiếu những quán xá thâu đêm, bên ngoài lúc nào cũng ồn ào đông khách nhưng bên trong ít khách và yên tĩnh, là không gian lý tưởng cho sinh viên năm cuối làm đồ án hoặc luận văn tốt nghiệp, và cả người đi làm cần sáng tạo tìm ý tưởng mới.
Ăn uống ở đâu cũng trả tiền nên chi tiền tại quán cà phê cũng vậy thôi. Khoản phát sinh luôn được cộng trong thực đơn chính là chi phí "mua một chỗ ngồi". Nên nếu mỗi người sử dụng thời gian ở quán thật hiệu quả cho công việc và học tập, có lý do gì để phải tiếc và cho rằng tốn kém.
Chưa kể không gian và âm nhạc ở quán phần nào mang lại cảm hứng để làm việc hiệu quả. Còn nếu sợ tiếng ồn xung quanh, tốt nhất thủ cho mình chiếc tai nghe. Và cả chú ý đề phòng kẻ gian trà trộn trộm cắp đồ vì không phải là chưa từng có.
TRƯƠNG QUỐC PHONG
(Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận