27/05/2012 09:35 GMT+7

Học... chơi

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Ô hay, chơi mà cũng phải học à? Hẳn sẽ có nhiều người ngạc nhiên hỏi như thế. Vâng, chơi cũng cần phải học, phải làm quen, nhằm cởi bỏ những gì xơ cứng trong đầu để chơi hết mình và chơi lành mạnh, bổ ích.

Có nên cấm HS nhảy Flashmob tổng kết năm học?200 học trò nhảy flashmob chia tay thời áo trắng

Nhiều học trò của tôi đi du học về, đã trưởng thành, đều kể giống nhau: Ở cấp III, tụi em học ăn đứt Tây, Mỹ. Lên đại học, hai bên cân bằng nhau. Nhưng sau đại học, và đặc biệt là khi đi làm thì phần lớn người Việt mình lại hụt hơi so với Tây, Mỹ. Tại sao thế? Các em cho biết: Người Việt mình không biết chơi!

Người ta biết chơi hết mình, chơi tích cực, chơi để giải phóng mệt mỏi nhằm tái tạo sức lao động; còn mình, cái thời cần chơi nhất thì lại không chơi, nên sau đó ra đời lại không biết chơi một cách tích cực. Có em ví von thế này cho tôi dễ hiểu: nếu ví cuộc đời là một cuộc đua marathon 42km, thì người Việt thường chiến thắng trong 10km đầu. Khi ấy, học sinh mình chỉ biết học với học. Còn Tây, chơi là chính. 10km tiếp theo, mình bị bắt kịp. Và 22km cuối, mình hụt hơi.

Sở dĩ hôm nay tôi nói đến chuyện chơi là bởi đang có những câu chuyện thời sự liên quan đến tuổi học trò. Trong tuần qua, lần lượt các trường THPT tổ chức lễ ra trường cho học sinh lớp 12. Với các nước tiên tiến, đây là một buổi lễ quan trọng, bởi nó là bước ngoặt quan trọng trong đời người: các em chính thức trưởng thành. Nhiều phụ huynh có con đi du học ở Mỹ cho biết xin visa vào nước này dễ nhất là với lý do tham dự lễ tốt nghiệp THPT của con. Thông thường, buổi lễ ra trường ở nước ngoài có hai phần lễ và hội. Phần lễ rất nghiêm trang, cảm động. Còn phần hội thì các em được phép quậy tưng.

Trong vài năm gần đây, nhiều trường học ở VN cũng bắt đầu chú ý nhiều hơn đến lễ ra trường. Tuy nhiên, chỉ mới phần nào đáp ứng được phần lễ. Vừa rồi, tôi có xem clip trên YouTube về lễ ra trường tại Trường Amsterdam Hà Nội. Khi các em cùng hát bài Tạm biệt, không chỉ học sinh mà cả thầy cô giáo, thậm chí người xem cũng rơi nước mắt cảm động. Riêng phần hội, phải nói là các trường còn quá yếu. Một clip ghi lại cảnh nhảy flashmob của học sinh Trường Lê Hồng Phong ngày ra trường dù chưa xuất sắc nhưng cũng đã gây xôn xao trên mạng. Và thật bất ngờ khi được biết cuộc nhảy này chỉ mới thực hiện được một nửa thì ban giám hiệu đã ngăn cản.

Song, các học trò Trường Lê Hồng Phong vẫn còn hạnh phúc hơn các bạn Trường NTMK và nhiều trường khác. Vài năm gần đây, học sinh lớp 12 Trường NTMK có màn nhảy hồ bơi trong ngày lễ ra trường. Tuy nhiên, ban giám hiệu đã cấm (bằng cách rút hết nước hồ bơi) vì trò này hơi nguy hiểm. Năm nay, các em xin được tổ chức nhảy flashmob nhưng cũng không được đồng ý. Giới giáo viên chúng tôi thật sự không hiểu nổi vì sao lại không cho, khi flashmob đã được tổ chức Đoàn đồng ý, khuyến khích, và bản thân kiểu nhảy này cũng vô hại, vui nhộn.

Nhưng tai hại nhất là việc lo ngại học sinh “xé rào”, ban giám hiệu Trường NTMK đã thuê lực lượng vệ sĩ từ bên ngoài vào bảo vệ buổi lễ ra trường. Hôm ấy đã có những xô xát xảy ra (may là không lớn lắm) giữa học sinh với các vệ sĩ. Vào Facebook của các em, tôi được biết có một sự thất vọng lớn. Lẽ ra buổi lễ ra trường đầy thiêng liêng và ấn tượng với các em, song đã trở thành một kỷ niệm buồn.

Đừng giáo điều, đừng khô cứng, người lớn (đặc biệt ở đây là lực lượng quản lý giáo dục cấp trường) phải học chơi đi. Học chơi để cởi mở hơn, thoáng hơn với học sinh. Có như vậy, mới hi vọng chúng ta không hụt hơi trong đoạn cuối của cuộc đua marathon đời người.

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Flashmob học chơi