04/09/2012 06:09 GMT+7

Học cao đẳng không phải "đi vé vớt"

 PHÚC ĐIỀN
 PHÚC ĐIỀN

AT - Dự thi CĐ không phải tìm một vé vớt sau kỳ thi ĐH, nhiều thí sinh xem kỳ thi tuyển sinh CĐ là bước chân đầu tiên đến với nghề nghiệp. Với họ, điều quan trọng nhất là chọn một bậc học vừa sức, một ngành nghề yêu thích và cả ước mơ vào đời, lập thân bằng con đường ngắn hơn.

2bvfutE4.jpgPhóng to
Nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) trao đổi bài sau khi thi xong môn vật lý trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012 vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM

Kỳ thi CĐ năm 2012, Nguyễn Văn Ngọc, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Tánh Linh, Bình Thuận quyết định vào đời bằng một ngành lạ: ngành công nghệ da giày Trường CĐ Công thương TP.HCM. Ngọc cho biết: Năm học lớp 11, cũng như nhiều bạn bè, Ngọc từng dự định thi vào ngành kinh tế. Nhưng khi lên lớp 12, suy nghĩ kỹ hơn, quan tâm nhiều hơn đến xu hướng việc làm, thí sinh này lại thích chọn nghề da - giày vì ngành may mặc da giày có hướng phát triển, dễ tìm việc làm hơn so với nhiều ngành khác.

Nhiều nghề dễ có việc làm

Không lo thiếu chỗ học nghề

Chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cả nước năm 2012 dự kiến khoảng 340.000-350.000 người. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, thành viên ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia: số chỗ học ĐH, CĐ năm nay khoảng 580.000. Những thí sinh không trúng tuyển ĐH, CĐ vẫn còn nhiều con đường lựa chọn: học CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn. Hiện nay có nhiều chương trình liên thông giữa các hệ đào tạo, tăng cơ hội học hành cho người chưa đủ điều kiện vào ĐH, CĐ ngay. Nếu tính cả chỉ tiêu các hệ trung cấp, CĐ nghề, TCCN sẽ không thiếu chỗ học sau THPT.

Cũng theo TS Nghĩa, tỷ lệ thí sinh thi ĐH, CĐ ngay sau khi tốt nghiệp hiện khoảng 70%. Trong khi tỷ lệ này với đối tượng thí sinh tự do (luyện thi lại vào các năm sau) chỉ khoảng 30%. Việc thi lại vào năm sau không hẳn là sự chọn lựa hiệu quả nhất với tất cả mọi người.

Ngọc dẫn thực tế nhiều anh chị lớp trên tốt nghiệp các ngành kinh tế ở các trường ĐH lớn cũng phải vất vả mới có được việc làm ổn định và phù hợp chuyên môn. Ban đầu, Ngọc quan tâm đến da giày vì là ngành “lạ”. Trước khi nộp hồ sơ, Ngọc tìm đến một anh đang là SV năm 3 ngành da giày tìm hiểu thông tin ngành học và quyết định gắn bó đời mình với nghề này. Ngọc bày tỏ: “Ai cũng mong vào ĐH nhưng biết sức mình có thể phù hợp bậc CĐ. Có nhiều người nói học các ngành kinh tế, ngân hàng lương cao nhưng em nghĩ cơ hội việc làm ngành này không dễ với người có bằng CĐ. Nhà có hai mẹ con, em chỉ mong học một ngành dễ tìm việc làm để đi làm sớm. Được làm nghề mình thích, lương đủ sống là yên tâm rồi...”.

Phan Thị Tuyết Hoa và Châu Nguyễn Khánh Ngọc, cùng học lớp 12A5 Trường THPT Chợ Gạo, Tiền Giang cùng rất yêu thích ngành công nghệ may. Học lực khá nhưng cả hai đã không đắn đo khi chọn bậc CĐ trường CĐ Công thương TP.HCM. Ngọc cho biết: nhà ngoại có một tổ hợp may, mẹ Ngọc cũng làm thợ may nên tự nhiên nghề may gần gũi với mình. Ngọc ước mơ một tương lai mình sẽ biết may, có thể thiết kế mẫu và biết quản lý qui trình công nghệ may. Như vậy là có thể sống được với nghề, có kinh nghiệm hơn sẽ làm quản lý cơ sở may của gia đình hoặc ở công ty may.

Tuyết Hoa cũng ước mơ nghề nghiệp giản dị: học mau thành nghề và về làm ở tỉnh nhà. Trong khi nhiều bạn trẻ e ngại nghề này vì cho rằng nghề cực nhọc, lương thấp nhưng cả Ngọc và Hoa cho rằng: cực hay không do mình nghĩ. Và cả hai tự tin vẽ tương lai công việc của mình rất thực tế: sẽ bắt đầu từ việc làm thợ, nhiều công ty may sẽ xếp lương theo tay nghề. Nếu tay nghề của mình khá, lương sẽ ở mức hơn 3 triệu đồng/tháng (chưa tính tăng ca). Những công ty may, khu công nghiệp gần nhà tuyển dụng rất nhiều, không lo chuyện thất nghiệp.

Theo nghề mình thích

Hoàng Thanh Toàn, Trường THPT Thống Nhất B, tỉnh Đồng Nai nêu những lý lẽ chắc chắn khi bạn quyết định chọn ngành cơ khí. “Xung quanh mình từ cái quạt máy, ôtô, nhiều vật dụng hàng ngày đều là sản phẩm ngành cơ khí. Tức là nhu cầu xã hội ngành này rất lớn. Trong khi đó, không có nhiều học sinh thi vào nhóm ngành này, tức là nguồn cung nhân lực ít. Ngành cơ khí không yêu cầu năng lực cao, vừa sức mình, quan trọng hơn, đó là ngành mình thích”. Do vậy, Toàn thi ĐH ngành cơ khí chế tạo máy (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), CĐ cũng cơ khí, nếu không trúng tuyển cao đẳng, vẫn chọn cơ khí bậc trung cấp ngành cơ khí.

Toàn tự tin chọn ngành này vì có hai anh họ thành đạt nghề này, đã được tìm hiểu rất kỹ ngành nghề trước khi chọn. “Tôi thích cơ khí vì tính ổn định của nó. Cơ hội việc làm nhiều, không phải chạy đua tìm việc. Người giỏi có thể tìm cơ hội làm việc ở các công ty ở thành phố hoặc đi dạy kỹ thuật. Còn không, về quê mở một tiệm tiện làm nghề, không lo thất nghiệp, có thể sống tốt”.

Ngô Quốc Cường, quê Cần Đước, Long An, dự thi vào Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho biết bạn chọn nghề công nghệ kỹ thuật điện - điện tử bày tỏ ước mơ sẽ có một cơ sở sửa chữa bảo trì thiết bị điện, điện lạnh gia dụng. Bạn bộc bạch: “ Học lực trung bình khá, biết ĐH quá sức mình. Làm nghề gì cũng phải vừa có hiểu biết vừa có tay nghề. Nếu trúng tuyển, tôi sẽ đi học thêm ngoài giờ các khóa ngắn hạn về sửa chữa điện, điện lạnh để có tay nghề. Nếu không trúng tuyển, tôi sẽ học trung cấp hoặc đi học vài khóa ngắn hạn điện – điện lạnh. Khoảng hơn một năm đi làm thợ được rồi, vừa làm vừa học thêm, chuyện tích lũy vốn, làm cơ sở riêng là tương lai xa, khi nào mình thật giỏi…”

Cường bày tỏ: bây giờ người học xong CĐ, trung cấp thậm chí ĐH ra trường vẫn phải chật vật đi kiếm việc, nhiều người phải làm chuyện thời vụ, không liên quan gì tới ngành đã học. Tôi nghĩ, chọn một công việc rõ ràng và tập tập trung học nghề đó là cách ngắn nhất để mình có thể đi làm sớm.

XachvT7Q.jpgPhóng to

Áo Trắng số 16 ra ngày 01/09/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 PHÚC ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: học cao đẳng