19/07/2019 19:17 GMT+7

Hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý phải theo quy định của Luật luật sư

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Đó là kiến nghị của Bộ Tư pháp nêu ra trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về một số vướng mắc trong việc đăng ký doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý.

Hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý phải theo quy định của Luật luật sư - Ảnh 1.

Một phiên tòa hình sự có nhiều luật sư tham gia - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Tư pháp cho rằng theo quy định của Luật luật sư, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp thì dịch vụ pháp lý là loại dịch vụ riêng và điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký dịch vụ pháp lý phải áp dụng các quy định của Luật luật sư. 

Việc Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) ban hành công văn 1736 hướng dẫn cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp thông thường với các ngành nghề tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý thì đăng ký theo quy định của Luật doanh nghiệp là trái quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật luật sư, trái với nghị quyết 65/2006/NQ-QH11 của Quốc hội về thi hành Luật luật sư. 

Theo Bộ Tư pháp, công văn của Bộ KH&ĐT không chỉ trái pháp luật mà còn tác động tiêu cực trên nhiều mặt. Cụ thể, cách đây 12 năm, hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý và tư vấn pháp luật diễn ra lộn xộn, tràn lan do các tổ chức, cá nhân không đủ phẩm chất, năng lực, trình độ thực hiện, không cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý. 

Nếu thực hiện theo đề xuất và hướng dẫn của Bộ KH&ĐT thì bất kỳ ai có năng lực hành vi dân sự đều có thể hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý, làm cho hoạt động này diễn biến phức tạp, không thể quản lý được.

Lợi dụng quy định này, những người từng là luật sư nhưng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, bị kết án, bị xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư, bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ đăng ký kinh doanh để thực hiện hoạt động đại diện tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý và sẽ tiếp tục được thực hiện các công việc như một luật sư bình thường.

Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, việc cho phép đăng ký kinh doanh ngành nghề tư vấn pháp luật không theo quy định Luật luật sư sẽ vi phạm các cam kết quốc tế.

Từ đó, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT thực hiện nghiêm Luật luật sư, Luật doanh nghiệp và nghị quyết 65, có văn bản hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh theo hướng khi cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được yêu cầu đăng ký ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý thì hướng dẫn người nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động tại sở tư pháp theo quy định của Luật luật sư.

Hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý phải theo quy định của Luật luật sư - Ảnh 2.

Văn bản của Bộ Tư pháp - Ảnh: T.M.

Đầu năm 2017, Bộ KH&ĐT có công văn 1736 hướng dẫn Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh về việc hướng dẫn đăng ký kinh doanh ngành nghề "hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật". Theo đó, trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp thông thường thì đăng ký ngành nghề này theo quy định của Luật doanh nghiệp, trường hợp cá nhân tổ chức thành lập theo hình thức hành nghề của luật sư thì đăng ký theo quy định của Luật luật sư.

Sự việc đã khiến giới luật sư xôn xao, tranh cãi. Liên quan đến vấn đề này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM đã có văn bản nêu rõ quan điểm và kiến nghị cơ quan quản lý có hướng dẫn để các sở KH&ĐT rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề kinh doanh kể trên đã cấp cho các doanh nghiệp, không theo quy định của Luật luật sư.

18 tuổi, không bị tâm thần có thể lập doanh nghiệp và tư vấn pháp luật? 18 tuổi, không bị tâm thần có thể lập doanh nghiệp và tư vấn pháp luật?

TTO - Giới luật sư đang xôn xao vì Bộ Kế hoạch và đầu tư cho phép cá nhân thành lập doanh nghiệp được đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn pháp luật, đặc biệt trong đó có thể làm đại diện tội phạm trong vụ án hình sự.


HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên