26/04/2017 08:30 GMT+7

Hoang tàn khi dòng Vàm Nao hung dữ

TIẾN TRÌNH - HẠNH NGUYỄN - BỬU ĐẤU
TIẾN TRÌNH - HẠNH NGUYỄN - BỬU ĐẤU

TTO - Trở lại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang những ngày này chỉ thấy một không khí u buồn, hoang mang.

Hai mẹ con bà La Thị Ngọc Khuya phải tá túc trong chòi giữ vịt sau khi di tản khỏi nơi ở cũ - Ảnh: Duyên Phan
Hai mẹ con bà La Thị Ngọc Khuya phải tá túc trong chòi giữ vịt sau khi di tản khỏi nơi ở cũ - Ảnh: Duyên Phan

Ở đâu người ta cũng bàn tán chuyện dòng sông trở nên hung dữ nuốt nhà nuốt cửa. Nỗi lo mất nhà cửa, nỗi lo chỗ nương thân, lo về bữa ăn hằng ngày hiển hiện trên từng khuôn mặt.

Trên đường vào khu phố, nhiều chốt chặn được dựng lên ngăn không cho người dân vào vùng nguy hiểm. Những quán cà phê, tiệm sửa điện thoại, tiệm may, cửa hàng nội thất, tiệm vàng... trở thành vườn không nhà trống. Một khu phố vắng tanh người.

Bên trong một khu vực rộng lớn là những ngôi nhà trống trơn vắng ngắt. Bà Trần Thị Khuê (68 tuổi) nói khi đó mình đã bị ngất đi và được các chiến sĩ công an kè ra khỏi nhà.

Bà Tô Thị Kim Hương (58 tuổi) cho biết việc mà vợ chồng bà làm được là cõng cha mẹ già ra khỏi căn nhà nằm trong vùng sạt lở trong ngày hoảng hốt ấy...

Đứng trước trụ sở UBND xã, hàng trăm gương mặt khắc khổ đang cầm hộ khẩu, CMND ngóng chờ tin cứu trợ.

Ngôi trường tiểu học “A” Vĩnh Hội Đông sâu bên trong giờ đây là nơi sinh hoạt của nhiều gia đình. Người trẻ thì lo dọn dẹp, quét sàn chuẩn bị giấc ngủ qua đêm. Người già thì mò mẫm sắp xếp lại từng cái chén, chiếc nồi còn vớt vát được.

Phần lớn những người tá túc ở đây không có tài sản gì đáng kể, bữa ăn những ngày này là nhờ chòm xóm cưu mang hỗ trợ, ai cho gì ăn nấy và chờ cứu trợ.

Bà Nguyễn Thị Nơ, 39 tuổi, cho biết đã ở đây 15 năm, gia đình buôn bán trên ghe và chở ximăng mướn.

“Giờ nhà đang lơ lửng nửa trên bờ, nửa dưới sông. Cuộc sống giờ lang thang nay đây mai đó, thiếu trước hụt sau. Ăn uống người ta phát cho, mọi sinh hoạt cũng nhờ vào phòng học trong trường. Biết về đâu bây giờ, buồn đến thúi ruột!”, bà than thở.

Bà Nguyễn Thị Ánh, một người dân mất trắng nhà cửa sau vụ sạt lở, cho biết hàng chục năm bán bánh tét dạo ở chợ, vợ chồng bà mới chắt bóp đủ tiền mua lại được căn nhà bằng cây ở mé sông.

“Hôm trước thấy đất nứt tôi cũng dời bớt đồ đạc trong nhà. Hôm sau đi bán về tôi tiếp tục gói bánh, gói gần xong thì hàng xóm la làng tôi mới bỏ chạy ra ngoài. Lúc này căn nhà sụp xuống sông, cũng may là còn kịp ôm đống bánh tét bỏ chạy. Giờ phải đi ở nhờ nhà người ta, địa phương có cấp cho nền nhà nhưng không biết lấy tiền đâu ra để xây”, bà Ánh nghẹn lòng.

Suy sụp đến nỗi nhiều người đổ bệnh như ông Nguyễn Văn Bé. Hai vợ chồng ông từ hôm nhà nhảy sông giờ tá túc nơi cửa chùa, ăn cơm từ thiện do phật tử nấu cho hằng ngày.

TIẾN TRÌNH - HẠNH NGUYỄN - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên