19/01/2019 08:27 GMT+7

Hoàng Sa luôn là máu thịt của đất mẹ Việt Nam

HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG
HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Cứ đến gần ngày 19-1, những cán bộ đang công tác ở UBND huyện Hoàng Sa lại ngược xuôi tìm thăm các nhân chứng một thời làm việc, đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa. Những nhân chứng người còn người mất nhưng không ai bị quên lãng.

Hoàng Sa luôn là máu thịt của đất mẹ Việt Nam - Ảnh 1.

Du khách tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa nghe thuyết minh về bằng chứng pháp lý Hoàng Sa là một phần máu thịt của Việt Nam - Ảnh: Đ.NHẠN

19-1 năm nay là đúng 45 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974).

Không bao giờ quên

Trước đó, trong hai ngày 17 và 18-1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) do ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, dẫn đầu đã đến thăm hỏi gia đình các nhân chứng.

Đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà gia đình các nhân chứng còn sống, đồng thời đến thắp hương tri ân, thăm hỏi gia đình nhân chứng Lê Điều (đã mất).

Ông Trần Văn Sơn rất xúc động trước việc đoàn cán bộ chính quyền đến thăm. Ông kể: ngày 17-1-1974, khi Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn, khiêu khích hòng cưỡng chiếm Hoàng Sa, ông nhận lệnh lên tàu ra làm nhiệm vụ giữ đảo.

"Bằng mọi giá chúng ta phải có những việc làm, hành động để nhắc lại cho thế hệ hôm nay không bao giờ được quên nỗi đau ngày mất Hoàng Sa. Đó là mảnh đất cha ông ta gìn giữ bao đời, đã hi sinh bao xương máu để xây dựng, còn Trung Quốc họ chỉ là những kẻ đi cưỡng chiếm. Chúng ta phải mạnh mẽ và dứt khoát khẳng định rằng Hoàng Sa là của Việt Nam" - ông Sơn nói.

Ông Lê Đình Rê, một nhân chứng Hoàng Sa, nói: "45 năm rồi, ai còn ai mất... Hôm nay cho tôi dâng một nén hương tưởng nhớ đến các bạn tôi đã hi sinh cách đây 45 năm ở Hoàng Sa. Các bạn là những người lính vinh dự trực diện đánh giặc ngoại xâm, lịch sử ngàn đời của dân tộc này sẽ mãi vinh danh các bạn. Mỗi lần đến ngày 19-1, lòng tôi thấy nao nao, tiếc nuối Hoàng Sa".

Ông Rê bảo rằng những người lính như ông đã chiến đấu đến tận sức lực để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa.

"Chúng tôi muốn thế giới biết đến những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, dù họ có sức mạnh quân sự như thế nào đi chăng nữa thì quần đảo Hoàng Sa sẽ có một ngày lại trở về với Việt Nam vì đó là công lý. Tất cả mọi thế hệ người Việt không được phép quên ngày 19-1, ngày Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa" - ông Rê nói.

Còn nhân chứng Nguyễn Văn Cúc bày tỏ: "Tôi còn sống thì còn phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để nói cho thế giới biết Hoàng Sa là của Việt Nam. Tôi ước nguyện một ngày nào đó được trở lại Hoàng Sa để nhìn lại một phần tuổi trẻ của mình".

Ông Trương Văn Quảng - cựu hạ sĩ quan cơ khí tàu HQ 400 của lực lượng hải quân Việt Nam cộng hòa - năm nay đã 82 tuổi. Ông Quảng đã có 10 lần đến Hoàng Sa khi thực hiện nhiệm vụ tiếp tế lương thực, tuần tiễu.

Nhắc đến sự kiện 19-1, ông Quảng nói: "45 năm rồi, nỗi đau của dân tộc không thể quên được. Người dân Việt Nam ai cũng đau khi đã mất quần đảo Hoàng Sa. Thế hệ sau này con cháu chúng ta cố gắng giành lại những gì đã mất mát".

Vị nhân chứng của Hoàng Sa ngân nga 2 câu lục bát khắc khoải: "45 năm cách biệt Hoàng Sa / Nỗi đau dân tộc xót xa quốc hồn".

45 năm rồi, nỗi đau của dân tộc không thể quên được. Người dân Việt Nam ai cũng đau khi đã mất quần đảo Hoàng Sa. Thế hệ sau này con cháu chúng ta cố gắng giành lại những gì đã mất mát.
Ông TRƯƠNG VĂN QUẢNG (cựu hạ sĩ quan cơ khí tàu HQ 400 của lực lượng hải quân Việt Nam cộng hòa)

Hoàng Sa là máu thịt của người Việt

Tại buổi đến thăm, ông Võ Ngọc Đồng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của chính quyền và người dân thành phố đối với công lao đóng góp của các nhân chứng từng có những ngày tháng làm việc và bảo vệ Hoàng Sa.

Ông Đồng nói không chỉ bản thân ông mà nhiều người Việt Nam vẫn luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19-1 và đau đáu phải làm điều gì đó để con dân đất Việt luôn nhớ về quần đảo Hoàng Sa. Vì chừng nào còn nhớ thì Hoàng Sa vẫn còn là của Việt Nam.

Ông Võ Ngọc Đồng nói: "Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Ông cha ta đã đổ bao mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với những vùng biển, đảo của đất nước. Dù quần đảo Hoàng Sa đang bị chiếm nhưng chúng ta phải nuôi hi vọng, đời mình không được thì phải nhắc nhở đời con, đời cháu luôn luôn ghi nhớ để một lúc nào đó Hoàng Sa trở về với đất mẹ Việt Nam".

Ông Đồng bày tỏ: "Thế hệ chúng ta hôm nay có nghĩa vụ ghi nhớ và tri ân những tiền nhân đã vì Hoàng Sa mà ngã xuống, từ thuở đi khai phá cho đến ngày bị cưỡng chiếm. Tuy vậy, lựa chọn hình thức tri ân như thế nào vẫn là nỗi trăn trở. Vì vậy, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học về việc xây dựng cột mốc, biểu tượng về Hoàng Sa để mỗi người đến với Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ được thấy những bằng chứng lịch sử mà Hoàng Sa còn là điểm hành hương về lòng yêu nước".

Hoàng Sa luôn là máu thịt của đất mẹ Việt Nam - Ảnh 3.

Đại diện Nhà trưng bày Hoàng Sa thăm nhân chứng Hoàng Sa ngày 18-1 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nhiều nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa

Ông Võ Ngọc Đồng cho biết trong những năm qua, Việt Nam và riêng TP Đà Nẵng đã có nhiều nghiên cứu về biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông nói chung, đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng, góp phần cung cấp thêm các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho công tác giáo dục, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam nói chung, Hoàng Sa nói riêng.

Nhằm tiếp tục nghiên cứu và tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa sẽ tiếp tục công bố những nghiên cứu, tư liệu mới liên quan đến quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng; nghiên cứu thực trạng và các giải pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Đồng, từ khi khánh thành ngày 28-3-2018 đến nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa trực thuộc UBND huyện Hoàng Sa đã đón 249 đoàn đến thăm, gồm 19.518 lượt khách trong và ngoài nước.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất có chủ quyền với Hoàng Sa

"Phải khẳng định xuyên suốt Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực và trên thế giới chứng minh, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt nhà nước, đúng luật pháp quốc tế".

TS Nguyễn Thanh Minh (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển)

untitled-2

"Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa kể từ khi các quần đảo còn là đất vô chủ, chí ít cũng từ thế kỷ 17. Việc chiếm hữu này là sự thật, rõ ràng, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc lãnh thổ. Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh cho chủ quyền thiêng liêng với Hoàng Sa, Trường Sa".

TS Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ)

untitled-1

Nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa Nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa

TTO - Trưa 17-1, Hành trình 'Mùa xuân biển đảo' đã đưa các cán bộ đoàn, các văn nghệ sĩ TP. HCM đến với những người lính biên phòng Sơn Trà, Đà Nẵng và Nhà trưng bày Hoàng Sa.

HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên