Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng nay 22-4, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).
Nhiều đương sự, luật sư vắng mặt
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, nhiều bị cáo có kháng cáo vắng mặt, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo có đơn xin hoãn phiên tòa và vắng mặt tại phiên tòa hôm nay.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (áo trắng) - người bào chữa cho Vũ "Nhôm" - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại tòa, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ) cũng đề nghị hoãn phiên tòa vì hôm qua (21-4) bị cáo Vũ mới nhận được giấy triệu tập. Luật sư Trạch cũng kiến nghị nếu hoãn phiên tòa thì phiên tòa sau đó HĐXX bố trí chỗ ngồi cho luật sư, vì nhiều luật sư đồng nghiệp không có chỗ ngồi.
Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng hôm nay nhiều bị cáo có kháng cáo, nhiều luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, đương sự trong vụ án vắng mặt, không đảm bảo việc xét xử nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Hội đồng xét xử tuyên hoãn phiên tòa - Video: TỰ TRUNG
Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được ấn định lại sau.
Vũ 'Nhôm' tiếp tục kêu oan, không chiếm đoạt 203 tỉ của DAB
Bản án sơ thẩm có kháng cáo của 18 bị cáo, kháng cáo của Ngân hàng Đông Á - nguyên đơn dân sự và kháng cáo của 7 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong đó, ông Trần Phương Bình (nguyên tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) không kháng cáo về phần hình phạt mà kháng cáo yêu cầu xem xét lại số tiền lãi đối với các khoản tiền buộc bị cáo phải bồi thường lại cho DAB.
Bị cáo Bình đề nghị xin được chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự thay cho các bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Ái Lan, Nguyễn Đức Vinh, Đỗ Thanh Hùng, Lê Kiên Giang và những người liên quan là Trần Hữu Anh và Nguyễn Huy Trường Hồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT DAB) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm số tiền đền bù thiệt hại, mức án phí mà bị cáo phải chịu và xin xem xét giải tỏa, trả lại các tài sản đã bị kê biên của gia đình bị cáo.
Trước đó, bà Xuyến bị TAND TP.HCM tuyên phạt 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
15 bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Riêng bị cáo Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ Nhôm) kháng cáo cho rằng bị cáo không phạm tội. Theo đó, Vũ "Nhôm" cho rằng không chiếm đoạt 203 tỉ đồng của DAB.
"Cáo trạng không đúng sự thật, không có chứng cứ pháp lý buộc tội tôi dựa trên suy đoán không có thật của Cơ quan CSĐT và có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án" - kháng cáo nêu.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trao đổi với luật sư tại tòa - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong vụ án này, Vũ "Nhôm" bị TAND TP.HCM tuyên phạt 17 năm về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt 203 tỉ đồng cảu DAB trong việc Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần DAB.
Cụ thể, năm 2013 DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, ông Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DAB để có tiền xử lý khó khăn tại DAB và để nâng cao thương hiệu, vị thế của DAB.
Do quen biết nhau từ trước nên ông Bình và Phan Văn Anh Vũ bàn bạc và thống nhất rằng Vũ "nhôm" mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỉ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ, mục đích để Phan Văn Anh Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Nguồn tiền mua cổ phần DAB, Phan Văn Anh Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỉ đồng của DAB. Đối với 200 tỉ đồng còn lại, ông Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ và Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỉ vào DAB để Vũ tham gia mua cổ phần của DAB.
Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng không thành công nên ngày 8-04-2014 ông Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỉ đồng và 9,5 tỉ đồng tiền lãi của 600 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 tại DAB chi nhánh Đà Nẵng.
Như vậy, Vũ chỉ nộp 400 tỉ đồng nhưng nhận 600 tỉ đồng và 9,5 tỉ đồng tiền lãi, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỉ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống và 3 tỉ đồng tiền lãi của số tiền này.
Số tiền hơn 200 tỉ đồng, Vũ Nhôm đã nộp cho cơ quan thi hành án trong khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra.
Ngoài ra, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Đông Á cũng kháng cáo đề nghị xem xét số tiền lãi buộc các bị cáo phải chịu, buộc các bị cáo phải chịu số tiền lãi trên số tiền phải bồi thường cho ngân hàng tính đến ngày đưa vụ án ra xét xử.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo xem xét số tiền buộc trả lại cho DAB, yêu cầu xem xét giải tỏa một số tài sản bị kê liên quan đến vụ án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận