Chị Đ.T.H.T., người phụ nữ đã quên bản thân mình để đón con trai chào đời và mẹ chị. Mẹ chị đã có gần 10 tuần lo sợ cho tính mạng của con gái và cháu - Ảnh: L.ANH |
Một điều đặc biệt nữa là mẹ bé đã chiến đấu từng ngày để bé ở trong bụng mẹ được gần 29 tuần, bởi mẹ bé được xác định mắc ung thư phổi giai đoạn muộn khi thai nhi mới được 19 tuần tuổi. Hơn hai tháng gần đây, mẹ bé phải ngủ ngồi, không thở được.
Tình mẫu tử đặc biệt
Mẹ bé Gấu là Đ.T.H.T., 25 tuổi, ở Hà Tĩnh. Khi mang thai bé Gấu đến tuần thứ 11, chị thấy những nốt hạch ở cổ. Tại một phòng khám ở quê nhà, chị được chẩn đoán mắc lao. Gia đình đưa chị T. ra Bệnh viện Bạch Mai và thời gian sau thì chuyển sang Bệnh viện K. Đến tuần thai thứ 19, chị được xác định mắc ung thư phổi giai đoạn 4, tức là giai đoạn rất muộn, rất khó điều trị ngay cả với bệnh nhân thông thường chứ chưa nói đến một phụ nữ mang thai.
Mẹ chị T. - bà Lê Thị Lan, 60 tuổi - mắt đỏ hoe nhớ lại thời điểm khi chị T. được xác định bị ung thư, nhiều người khuyên chị đình thai để chữa bệnh, sau này khỏe mạnh có con cũng chưa muộn. “Nhưng em nó không chịu, nói phải giữ con, hơn hai tháng nay T. không nằm được vì nằm là không thở nổi, phải ngồi 24/24 giờ trong ngày, mỗi đêm chỉ ngủ được chừng hai giờ, tôi đứt hết cả ruột” - bà Lan nói.
Bác sĩ Trần Đức Thọ - phó trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện K, người trực tiếp tham gia điều trị cho chị T. từ cuối tháng 6 khi chị nhập viện đến nay - nói anh không tưởng tượng được về nghị lực của người mẹ.
Chị T. đã cố trì hoãn đến khi không thể chịu đựng được nữa mới quyết định mổ sinh con. Chị đã cố gắng giữ con trong bụng thêm ngày nào hay ngày đó để đứa trẻ tránh được các tổn thương về phổi, về võng mạc và lớn lên được khỏe mạnh dù những ngày qua chị phải ngồi suốt ngày đêm, phổi ứ dịch thỉnh thoảng phải hút bớt, khối u cũng đã di căn.
Thời gian qua, chị T. hầu như không thể điều trị căn bệnh ung thư đang tiến triển từng ngày, mà chỉ điều trị các triệu chứng bằng các loại thuốc được thảo luận rất kỹ giữa 2 bệnh viện K và Phụ sản T.Ư nhằm đảm bảo an toàn cho đứa trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Liên Phương - phó trưởng khoa sản 1 Bệnh viện Phụ sản T.Ư, người trực tiếp mổ đẻ cho chị T. và đón bé Gấu - cứ nhắc mãi về lời tâm sự của chị T. khi quyết định mổ bắt con vào đêm 10-7: “T. nói để bé ra đời và để bé tự chống chọi, T. không thể giúp bé được nữa. Dù ngay khi mổ đẻ cũng phải ngồi, có hai người đỡ hai bên thành bụng, nếu không ruột tràn hết xuống phần vết mổ, T. đã được an ủi khi nghe tiếng khóc chào đời của con”.
Mẹ có thể cho con cả cuộc đời
Nằm trên giường bệnh ở Bệnh viện K, chị T. còn rất yếu. Vẫn phải hỗ trợ thở nhưng chị đã được nằm và tỉnh táo hơn, khá hơn hẳn những ngày mang thai. Bác sĩ Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, cho biết đó có thể là do sự hỗ trợ của cả yếu tố tinh thần bên cạnh việc các bác sĩ chuyên khoa ung thư và sản khoa đang phối hợp hằng ngày để điều trị kháng sinh, hỗ trợ dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng và có thể điều trị thêm cho T., dù cơ hội của chị là rất ít ỏi.
“Chúng tôi đang điều trị cho chị T. bằng các loại thuốc tốt nhất, chi phí tiền thuốc mỗi ngày tới 6-8 triệu đồng” - bác sĩ Thuấn cho biết.
Ở một lồng ấp trong số lớp lớp lồng ấp và những em bé sơ sinh ở Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh Bệnh viện Phụ sản T.Ư, bé Gấu nằm ngủ rất bình yên. Bé đang thở máy, đang có những tiến triển về sức khỏe. Khi tự ăn được, bé sẽ được về với mẹ và gia đình.
Bé Gấu đến với cuộc đời bằng một khởi đầu rất đặc biệt, có mẹ đi cùng và mẹ đã dành cho bé mọi thứ, kể cả mạng sống.
Ung thư phổi khó phát hiện sớm Theo ông Trần Văn Thuấn, đây là trường hợp thai phụ trên cơ địa ung thư phổi đầu tiên gặp tại Bệnh viện K. Trước đó, các bác sĩ đã gặp một số bệnh nhân có thai trên cơ địa ung thư vú hoặc hạch. Tuy nhiên khác với ung thư phổi, các thai phụ mắc ung thư vú có thể giữ thai đến những tuần cuối của thai kỳ và được điều trị bằng phẫu thuật trước khi sinh, sau sinh điều trị xạ trị, nhưng trường hợp chị T. thì trong giai đoạn mang thai việc điều trị rất ít ỏi. Bác sĩ Thuấn cho biết ung thư phổi là loại ung thư khó phát hiện sớm nên cần chú ý phòng bệnh. 90% người mắc ung thư phổi liên quan đến thuốc lá, gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động. Đặc biệt, ông Thuấn cho biết dòng khói phụ là dòng khói người hút thuốc thụ động (do sống hay làm việc cùng môi trường với người hút thuốc lá) còn độc hại hơn cả dòng khói chính mà người hút thuốc lá đã hít vào. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận