Phần lớn các vị đại biểu Quốc hội, người dân và cả những người làm trong ngành lâm nghiệp cũng hoài nghi con số này dù họ rất muốn tin vào nó.
Người ta không tin vì thực tế từ những điều mắt thấy tai nghe hoàn toàn trái với con số đầy lạc quan ấy. Đó là những chiếc xe lặc lè chở gỗ về xuôi, những ngọn núi, sườn đồi trơ trọi ở vùng Tây Bắc hay những vạt đất bazan loang lổ ở Tây nguyên. Những dự án thủy điện, khai khoáng, những trang trại tiêu, điều, cà phê, cao su ngút ngàn... đã phá một cách hợp pháp ít nhất 20.000ha rừng mỗi năm trong vòng 10 năm qua. Đó là chưa kể kế hoạch chuyển đổi rừng nghèo sang trồng mới 100.000ha cao su ở Tây nguyên đang được tiến hành.
Tất nhiên, diện tích rừng trồng lại theo dự án trồng mới 5 triệu ha cũng rất nhiều nhưng chất lượng ra sao? Với cách làm hiện nay, liệu 100 năm nữa những cánh rừng nhân tạo này có thể so sánh được với những cánh rừng nghèo đang bị thảm sát kia không?
Nếu muốn, Quốc hội, Chính phủ có rất nhiều cách để kiểm tra con số 39,5% trên, từ đối chiếu ảnh vệ tinh, mời tư vấn phản biện đến việc lập các đoàn điều tra thực tế một vài nơi xem chỗ nào mất mát, chảy máu, chỗ nào tăng lên. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc bảo vệ rừng của đất nước.
Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng đều có các nội dung về bảo vệ và phát triển rừng. Quốc hội, Chính phủ cũng có luật bảo vệ và phát triển rừng và nhiều văn bản rất nghiêm ngặt về quản lý rừng. Ví dụ như chuyển mục đích một diện tích trên 50ha rừng đặc dụng; 200ha rừng phòng hộ hoặc 1.000ha rừng kinh tế thì phải xem là công trình quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tỉnh nào để mất rừng với quy mô lớn thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm...
Vậy mà rừng vẫn mất bởi rất nhiều lý do khác nhau. Thiếu trách nhiệm, hợp thức hóa đất nông nghiệp do phá rừng mà có, điều chỉnh quy hoạch, chia nhỏ dự án, làm nghèo rừng cho đủ tiêu chí chuyển mục đích sang trồng cao su... là những lý do phổ biến nhất. Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội chỉ quyết định hai dự án lớn có chuyển đổi đất rừng là dự án thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu. Còn hàng chục nghìn hecta rừng khác đã bị chuyển đổi theo trình tự, thủ tục nào?
Đành rằng để làm kinh tế, đôi khi chúng ta phải đánh đổi, nhưng liệu những cánh rừng của toàn dân đã được đánh đổi một cách công bằng, xác đáng? Người dân vùng rừng núi vẫn phải sống dựa vào rừng để có gỗ làm nhà, có củi đốt, nơi chăn thả, săn bắn hay thuốc men. Người dân vùng xuôi có rừng che chở nên bớt được lũ lụt, hạn hán. Những ông chủ dự án từ đâu đến phá rừng, phân lô, cắm mốc để kinh doanh làm giàu đã trả lại cho nhân dân và ngân sách nhà nước những gì ngoài những lời hứa sẽ đầu tư hạ tầng, sẽ tạo việc làm, đóng góp nọ kia? Rồi thiên tai bão lũ kéo đến, người nghèo vẫn là những nạn nhân phải gánh chịu nhiều nhất. Người ta hay trách ông trời bất thường, rồi đổ lỗi cho “biến đổi khí hậu” chứ ít ai hỏi tới trách nhiệm của những nhà quản lý, điều hành chính sách.
Lâm tặc thường là những người dân địa phương nghèo bất đắc dĩ và cũng chỉ có thể lấy bớt của rừng vài cây gỗ quý, gỗ tốt, trong khi hàng loạt cánh rừng hoàn toàn có thể biến mất chỉ sau cái trở tay chuyển đổi mục đích sử dụng từ những nhà quy hoạch, nhà quản lý. Đó mới là thử thách thật sự với mục tiêu đạt độ che phủ rừng 45% vào năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận