![]() |
Đường lên núi Hoa Sơn |
"Thiên hạ ngũ tuyệt" vô danh
Không biết sau "Hoa Sơn luận kiếm" lần thứ ba mà giới giang hồ phân chia "thiên hạ ngũ tuyệt" với những Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Cuồng Dương Quá, Trung Ngoan Đồng Châu Bá Thông..., có còn hiệp khách nào tìm về ngọn núi lừng danh này để luận kiếm hay không. Riêng tôi tin chắc phải có đến hàng triệu cao thủ võ lâm đã tìm đến chốn này nuôi giấc mộng được tôn vinh "thiên hạ ngũ tuyệt", bởi ngày tôi đặt chân đến Tây Nhạc Hoa Sơn đúng lúc người ta tổ chức lễ đón vị khách thứ 1 triệu với đầy đủ nghi thức dành cho một "thần điêu đại hiệp" như kèn trống, hoa, lễ trao thanh kiếm và một chuyến xe chở thẳng lên trạm cáp treo ở lưng chừng núi.
Luận kiếm ngộ tâm Hóa ra Hoa Sơn huyền thoại không chỉ là nơi tranh tài cao thấp trong giới võ lâm để tìm ra thiên hạ vô địch, mà còn là những bài học về tâm thức núi. Nhiều năm trước, tôi đã từng cất bước giang hồ đến núi Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (tỉnh Hà Nam) để học cái đời trong đạo, và nay đến Hoa Sơn (tỉnh Thiểm Tây) để suy ngẫm chuyện luận kiếm mà ngộ tâm thế. Đã đến hai trong năm đỉnh núi của Ngũ nhạc danh sơn Trung Hoa. Thôi cứ để bước chân giang hồ mơ ước một ngày được diện kiến Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn thỏa chí nam nhi... |
Trong Ngũ nhạc (Ngũ đại danh sơn - năm ngọn núi nổi tiếng nhất của Trung Quốc), Hoa Sơn không phải là ngọn núi cao nhất hay đẹp nhất, nhưng vóc dáng của nó thật không hổ danh như thiên hạ đồn: "Thái Sơn như tọa (ngồi), Hành Sơn như phi (bay), Tung Sơn như ngọa (nằm), Hằng Sơn như hành (đi), Hoa Sơn như lập (đứng)".
Ngày xưa kiếm khách đằng vân, còn ngày nay những "thiên hạ ngũ tuyệt vô danh" như một gã người Hán râu xồm giống y Tây Độc Âu Dương Phong giảo quyệt, mưu mô đang cười toe, không tung tuyệt kỹ "Cáp mô công" mà tay cầm chiếc vé đủng đỉnh theo dòng người chui vào lòng cáp treo chạy ngược lên núi thật ngoạn mục.
Ngàn bậc thang đá dựng đứng cheo leo dốc núi, ngàn bước chân lữ khách muốn chinh phục hết năm đỉnh của Hoa Sơn huyền thoại, nhưng có mấy ai giành được "Cửu âm chân kinh"? Cho dù có cáp treo hỗ trợ và đề ra thời gian sáu giờ chỉ để chinh phục Bắc phong (1.615m), Trung phong (2.042m), Chiêu dương Đông phong (2.042m), nhưng chỉ mới tới hẻm núi "Khóa vàng" gần đỉnh Trung phong đã thấy lùng bùng lỗ tai. Đỉnh Nam phong cao nhất rặng Hoa Sơn (2.160,5m) vẫn còn trong mây. Giấc mộng vô địch thiên hạ đã trở thành vô vọng!
Huyền thoại trong mây gió
![]() |
"Nữ hiệp khách" người VN này cũng cười rất tươi bên phiến đá có chữ "Hoa Sơn luận kiếm - Kim Dung đề” |
Không biết từ bao giờ người Trung Hoa nghĩ ra sáng kiến khích tướng giới giang hồ, đại loại như: "Chưa tới (Vạn Lý) Trường Thành, chưa phải là người hảo hán", "Chưa chụp ảnh với phiến đá có bút tích Kim Dung thì chưa tới Hoa Sơn", thôi thì cũng thuê thanh kiếm bằng gỗ mà chen chân vào làm vài kiểu chứng minh đã từng "Hoa Sơn luận kiếm".
Cũng đáng lắm chứ, đại tác gia Kim Dung là cha đẻ của những Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu... làm nức lòng hàng triệu người đọc trên khắp thế giới kia mà. Và từ những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Tây Nhạc Hoa Sơn mới nổi danh, đón hàng triệu bước chân giang hồ để mơ giấc vô địch thiên hạ...
Trước khi lên Hoa Sơn, Khổng cô nương - người hướng dẫn - cho biết: Ai lên được tận đỉnh Nam phong lạc nhạn sẽ được một tấm huy chương bằng đồng có khắc tên, ngày giờ chinh phục đỉnh Nam phong cao 2.160,5m. Vậy mà chỉ cần tới cửa cáp treo lưng chừng núi ai cũng có thể mua cho mình tấm huy chương này với giá 20 nhân dân tệ. Cao kiến, cao kiến, quả nhiên cao kiến!
Là dãy núi hiểm trở nhất trong rặng núi đá hoa cương Tần Lĩnh, Hoa Sơn không chỉ được biết đến như chốn tranh tài cao thấp của giới võ lâm, mà còn được nhiều người rơi nước mắt với câu chuyện tình của nàng Nhạc Linh San trong Tiếu ngạo giang hồ bị gã chồng độc ác Lâm Bình Chi phũ phàng vẫn một mực yêu thương chồng... Có phải vì thế mà khắp các con đường mòn dẫn lên năm đỉnh núi Hoa Sơn, đâu đâu tôi cũng thấy những đoạn dây cáp căng bên vực sâu là một màu đỏ rực của những mảnh vải cột vào những chiếc ổ khóa được khắc tên, những lời thề hẹn ước chung tình. Khổng cô nương cho biết: "Không biết từ bao giờ những người yêu nhau lại có tập tục tìm đến Hoa Sơn gắn chặt hai ổ khóa vào nhau và ném chìa khóa xuống vực sâu như lời thề trọn tình trăm năm...".
Quê hương của Đạo giáo
Hoa Sơn là quê hương của Đạo giáo, trong gió ngàn mây thấp thoáng trên con dốc cao ngất dẫn lên đỉnh Trung phong là bóng dáng của những đạo sĩ Đạo giáo râu tóc như người xưa. Hoa Sơn còn là quê hương của võ hiệp và thi ca nên những quán xá ven đường đều bán đủ kiểu kiếm để khách lưu niệm và đó đây là giọng hát trong veo của những hậu duệ của Cái bang Hồng Thất Công vừa tung chiêu "đả cẩu bổng" vừa hát vang nhạc Hoa, nhạc Nga... hàng giờ liền, lữ khách có thể tùy lòng hảo tâm mà ban tặng cho lão 1-2 nhân dân tệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận