14/07/2024 18:39 GMT+7

Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam: Tại sao không?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh vươn lên từ bùn lầy, hoa sen xứng đáng là quốc hoa, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, cao cả của người Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ảnh: Media Quốc hội

Bên lề hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam, trao đổi với báo chí mới đây, PGS.TS Đặng Văn Đông - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - chia sẻ ông là một trong những người xây dựng đề án đưa hoa sen trở thành quốc hoa vào năm 2011.

Ông cho biết thời điểm đó, đã có tất cả điều kiện cần và đủ để công bố hoa sen là quốc hoa, nhưng chưa thể công bố. Lý do của việc này gần đây mới được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin do khoảng trống về pháp lý.

Xứng đáng quốc hoa của Việt Nam

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoa sen là quốc hoa. Bởi năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bầu chọn quốc hoa, tỉ lệ chọn hoa sen đạt 81%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nêu quan điểm Việt Nam hoàn toàn có thể chọn hoa sen làm quốc hoa vì nhiều lý do đặc biệt.

Ông nhấn mạnh hoa sen từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết và bền bỉ. Trong bùn lầy, hoa sen vẫn vươn lên nở hoa tinh khiết, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất và đức tính cao cả của người Việt Nam.

Hoa sen cũng xuất hiện nhiều trong văn học, thơ ca và các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam.

Những hình ảnh hoa sen được khắc họa trên các công trình kiến trúc cổ, chùa chiền và các đồ dùng hằng ngày đã khẳng định vị trí của hoa sen trong dòng chảy văn hóa và lịch sử.

Bên cạnh đó, hoa sen có vị trí quan trọng trong Phật giáo, tôn giáo phổ biến ở Việt Nam; tượng trưng cho sự trong sạch, giác ngộ và lòng từ bi.

Hình ảnh Phật ngồi trên đài sen là biểu tượng quen thuộc và thiêng liêng trong tâm hồn người Việt. Chùa Một Cột, một trong những biểu tượng của thủ đô, cũng là sự cách điệu của một bông hoa sen nở trên mặt hồ.

Khi đứng trước những lựa chọn khác như hoa mai, hoa đào hay hoa lan, hoa sen nổi bật hơn vì tính đại diện rộng rãi, không bị giới hạn theo vùng miền hay mùa vụ. Hoa sen gắn liền với đời sống thường nhật và là biểu tượng chung, dễ nhận diện, mang tính thống nhất.

Ngoài ra hoa sen tượng trưng cho tính dung dị, giản đơn mà đẹp đẽ, trong đó phản ánh tinh thần, tâm hồn và lối sống của người Việt; mang thông điệp về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

"Tôi tin tưởng rằng với những giá trị đặc trưng, sâu sắc và phổ biến trong đời sống, văn hóa, lịch sử, hoa sen xứng đáng là quốc hoa của Việt Nam", ông Sơn nêu.

Hoa sen - Ảnh: HOÀNG ANH CAO

Hoa sen - Ảnh: HOÀNG ANH CAO

Cần làm gì để hoa sen thành quốc hoa?

Ông Sơn nhìn nhận việc lựa chọn hoa sen trở thành quốc hoa của Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất định.

Trước tiên, đề xuất phải được thảo luận tại nhiều cấp độ từ các cơ quan chuyên trách đến các ủy ban của Quốc hội. Đây là quy trình phê duyệt và các cuộc thảo luận có thể kéo dài do cần sự đồng thuận từ nhiều phía.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tổ chức các cuộc khảo sát, lấy ý kiến từ cộng đồng để đảm bảo rằng hoa sen là lựa chọn phù hợp và được đồng thuận.

Để hoàn thiện đề án và làm rõ tính hợp lý của việc chọn hoa sen, cần tổ chức các hội thảo, nghiên cứu khoa học, mời các chuyên gia tham gia.

Cần xây dựng và thông qua một luật hoặc nghị định. Quy trình này yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều cơ quan từ cấp trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, cần có các nghiên cứu đánh giá tác động xã hội của việc chọn một biểu tượng chính thức, đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của các nhóm xã hội khác.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết việc có quốc hoa là cần thiết, nhưng cơ sở pháp lý lại chưa có để công bố quốc hoa.

Từ năm 2011, Chính phủ đã giao bộ xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa. Hoa sen được đề xuất là quốc hoa.

Tuy nhiên, khi trình các cấp lại vướng mắc ở chỗ "ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký". Cuối cùng, câu trả lời là không ai có thẩm quyền vì không có quy định.

Ông Hùng tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung khoảng trống pháp lý này. Theo đó, "có thể giao cho một địa phương hay bộ, ngành đưa vào trong luật để Chính phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận".

Đề nghị có cơ quan quyết định hoa sen là quốc hoa, áo dài là di sản văn hóaĐề nghị có cơ quan quyết định hoa sen là quốc hoa, áo dài là di sản văn hóa

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần có cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt hoa sen là quốc hoa, áo dài là di sản văn hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên