"Bao Công xử án trái mít"Khi yêu thương là chưa đủĐuổi học thì quá dễ!
Lớp này đa số khá ngoan, chỉ một vài học sinh chưa chăm học, còn nghịch phá trong giờ học.
Kiểm tra sĩ số xong, tôi vào ngay bài học mới là bài thơ nổi tiếng Đây thôn Vỹ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tôi đọc mẫu, diễn cảm để có không khí tiết học, hướng học sinh vào nội dung bài học. Tiếp theo, tôi gọi em Khang đọc bài. Em vừa cất lên giọng đọc, tôi đã chột dạ vì em bắt chước giọng xứ Nghệ của tôi nhưng cố tình nhấn mạnh những âm nặng để “chọc cười” các bạn:
“Sao anh chưa về thăm thôn Vỵ (Vỹ)?Nhìn nặng (nắng) hàng cau nặng (nắng) mới lênVườn ai mượt (mướt) quá xanh như ngọcLá trúc che ngang mặt chự (chữ) điền...”
Cứ thế, em đọc hết bài thơ mà các từ có âm sắc, âm huyền thành âm nặng: giọ (gió), dọng (dòng), chợ (chở), trặng (trắng)... làm một số học sinh đỏ mặt, cười khúc khích hướng về tôi chờ phản ứng. Thật ra tôi không đến nỗi đọc thành những âm nặng như thế, nhưng em Khang phần nào “phóng đại” nên đọc ra như vậy. Trong dân gian người ta gọi là “pha tiếng” (chửi cha không bằng pha tiếng). “Pha” ở đây là gièm pha, là dè bỉu tiếng, giọng người khác miền, khác địa phương...
Hơn 30 năm dạy học, tôi cũng gặp vài lần tương tự nhưng đây là lần đầu tiên một học sinh “dám chơi thầy” ngay giữa lớp học... Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm và dự định “xạc” ngay một trận cho học sinh “hỗn láo” này! Tất cả ánh mắt mở to, hướng về tôi và chờ cơn “sấm sét” giáng xuống đầu chúng. Không, tôi khẽ mỉm cười và khen: “Khang đọc rất diễn cảm, đọc rất giống giọng nhà thơ Hàn Mặc Tử, rất giống giọng của thầy. Thầy khen em đã có tìm tòi, đầu tư để có giọng đọc tốt!”.
Cả lớp ngỡ ngàng một lúc rồi tiếng vỗ tay vang lên, đồng tình với cách xử lý tình huống, cách giáo dục, cách hóa giải tình huống của tôi.
Sau khi ra trường, học xong đại học, Khang có về thăm trường. Nhắc lại chuyện đọc bài ngày xưa, Khang thú thật lúc đó đọc như vậy để “chọc thầy cho vui”. Nhưng thầy đã đưa sự việc qua hướng tích cực... Vậy đó, nhiều khi trước mọi tình huống, người thầy rất cần sự độ lượng, bao dung, suy nghĩ hướng tích cực để cảm hóa học sinh, dù là một tình huống rất nhỏ mà nhạy cảm như trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận