01/12/2019 09:26 GMT+7

Hỗ trợ trẻ ở trung tâm xã hội: Các em đâu chỉ cần nơi ở, cơm ăn

CẨM PHÔ (Quảng Nam)
CẨM PHÔ (Quảng Nam)

TTO - Tôi có những chuyến công tác ở các mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ xã hội. Những ánh mắt u buồn, những tâm sự không dễ tỏ bày và những khát khao tình thân của nhiều trẻ ở đây đã thuyết phục chúng tôi tìm cách đến gần hơn với các em.

Hỗ trợ trẻ ở trung tâm xã hội: Các em đâu chỉ cần nơi ở, cơm ăn - Ảnh 1.

Điều các em cần không chỉ là nhà ở, cơm ăn. Các em cần được tôn trọng và thấu hiểu nhiều hơn.

Đâu ai được lựa chọn xuất thân

Thật không khó để hiểu về gia cảnh của các em trước khi bắt đầu cuộc sống chung ở các trung tâm xã hội, mái ấm, nhà mở (TTXH). Những cuộc chia tay của bố mẹ, những thân phận mồ côi, những em bé bị người thân từ chối... là nguyên nhân chính đưa đẩy của những mảnh đời cơ nhỡ phải nương tựa nơi trung tâm xã hội. Một số ít vì kinh tế gia đình quá eo hẹp, hoặc những khiếm khuyết cơ thể, cha mẹ không thể kham nổi việc chăm sóc, có nhiều em cha mẹ đang vướng vòng lao lý. Các em đến từ khắp nơi, nhiều em xa nhà từ khi còn ít tuổi. Cảm giác lạc lõng giữa dòng đời khó mà giấu được qua dáng đi, ánh mắt, khuôn mặt.

Nhiều em từng phải gánh chịu sự hắt hủi, thương tổn về tâm lý cả thể xác vì những điều các em không được lựa chọn. Sự thiếu vắng tình thương, ân cần chỉ bảo của người thân đã khiến trẻ co cụm, tự ti trước ánh mắt người đời, nhất là khi các em trót mắc sai lầm. Nhiều em mang tâm lý mặc cảm, sống khép kín hoặc nổi loạn, lầm lì.

Những nơi tôi đã ghé thăm, thật hiếm có đứa trẻ cười bằng mắt. Những nhóm trẻ đón các khách với thái độ thờ ơ trước những cuộc làm quen và chia tay trong chóng vánh. Ngược lại, trẻ có tâm thái vồn vã, mừng rỡ chờ đợi những món quà (hay đúng hơn là cơ hội được giao cảm, được "quậy tưng bừng"). 

Cũng có vài em tình cảm quyến luyến người đến thổi làn gió mát qua những hoạt động ngoại khóa. Có những lời lẽ, tình cảm chưa kịp (hoặc chưa dám) tỏ bày, các em gói trọn trong nét chữ non nớt trong thư gửi vội ngày chia tay, gửi nỗi niềm thiết tha mong gặp lại.

Cảnh đời khiếm khuyết nhưng em còn đó góc tình cảm trong sáng. Nếu vì nhu cầu được yêu thương, em trao sự tin cậy nhầm người sẽ là mối họa. Với trẻ ở TTXH, dù kịp nhận thức được hay chưa vẫn rất khó phòng vệ và tự thoát ra.

Khát khao đằng sau những cánh cổng

Nơi đó, 10 đứa trẻ sinh sống cùng nhau do một dì/mẹ vốn là người cấp dưỡng phụ trách. Trẻ được quản bằng những quy định, không được phép cười nói thoải mái, dễ bị la mắng, trách cứ, ngăn cản. Những thắc mắc, trăn trở của tuổi mới lớn hay những xung đột giữa bọn trẻ với nhau cũng khó được lắng nghe hết để được hướng dẫn, giảng hòa. Không có gì lạ khi trẻ dễ dàng nghe theo những lời rủ rỉ, thủ thỉ từ những người đánh trúng tâm lý khát khao một chỗ dựa.

Một trong những điều tôi không thể quên ở các trung tâm xã hội, nơi tôi đã ghé qua với công việc giúp trẻ kỹ năng hiểu về bản thân mình - đó là cảm giác về những cử chỉ thân thiết, những cái ôm của trẻ. Ban đầu, lúc nào các em cũng khép kín, ngại ngần, sợ sệt, hững hờ nhưng lúc chia tay là những cái níu tay, những cái ôm lưu luyến, tình cảm nồng ấm và gần gũi lạ lùng! 

Ai nói các em chai sạn tình cảm? Và có mấy ai có thể trao cho em những cái ôm, những giao cảm, đụng chạm thân tình? Ai cho em hiểu những kiểu "đụng chạm", đâu là thân thiện, đâu là bất thường, đâu là yêu thương, đâu là nguy hiểm?

Dù không thể tỏ bày nhưng ai cũng có rung cảm, có nhu cầu được ôm ấp, yêu thương, đụng chạm. Trẻ ở trung tâm xã hội - dù cảnh đời khiếm khuyết - vẫn còn đó góc tình cảm rất trong sáng. Nếu vì nhu cầu được yêu thương, em trao sự tin cậy nhầm người hoặc bị ép buộc phải trao những đụng chạm thân thể sẽ là mối họa, các em dù kịp nhận thức được hay chưa vẫn rất khó phòng vệ và tự thoát ra.

Camera nào bảo vệ được em?

Trước những vụ trẻ ở trung tâm xã hội bị xâm hại gần đây, nhiều người giật mình lo lắng cho sự an toàn của trẻ ở đây. Không chỉ lo cho trẻ khi còn ở trung tâm xã hội mà còn lo cả tương lai sau này khi trẻ ra đời sẽ mang theo được những gì. Nghĩ vậy rồi ai sẽ làm gì cho các em?

Những đoàn khách đến thăm các em không ít. Họ bằng tấm lòng phước thiện đã mang đến quà bánh, chia sẻ tài chính. Nhưng thời gian ở cùng các em thường không được nhiều. 

Và điều các em cần nhất ở đây còn là những cơ hội được bày tỏ cảm xúc, được gần gũi. Xa hơn và rất cần là những cơ hội để các em nhận ra giá trị bản thân, các em cần được tôn trọng, được gần gũi, gắn bó và các em cần những kỹ năng tự bảo vệ mình.

Người ta nói đến chuyện lắp camera ở nơi này nơi khác coi như là cách bảo vệ trẻ. Nhưng camera hay không không quan trọng bằng thay đổi từ mỗi người và tâm thế của họ khi đến bên trẻ. Cần nhìn lại thực tế nguy cơ xâm hại trẻ cũng như nhu cầu tình cảm của trẻ ở các trung tâm xã hội. 

Người lớn ở các trung tâm xã hội cần có đủ kỹ năng để hiểu nhiều hơn các nhu cầu của trẻ. Và có lẽ, chính những người lớn ở đây cũng cần được tạo điều kiện hơn để họ được nâng chuyên môn, được chăm sóc sức khỏe tâm thần cho chính mình để họ chăm sóc tinh thần cho trẻ tốt hơn.

Hãy giúp trẻ bảo vệ chính mình

Theo một báo cáo của UNICEF, ước tính khoảng 15 triệu trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên trên toàn thế giới đã bị ép buộc quan hệ tình dục ở một thời điểm nào đó trong đời. Nhưng chỉ 1% trong số đó tìm kiếm sự trợ giúp hay nói ra sự thật đau xót ấy. Số lượng trẻ em trai bị lạm dụng tình dục không thấp, chỉ là những cái chạm, lời lẽ thô tục thường bị xuề xòa cho qua bởi không có hậu quả dễ thấy là mang thai.

Hành động lên tiếng tố giác hành vi sai trái những "người lớn" với em gái ở trung tâm xã hội mới đây, với tôi, là sự dũng cảm cần được khuyến khích. UNICEF cũng đã đưa ra lý do khiến rất ít nạn nhân dám chỉ tay vào kẻ ác bởi lẽ các em sợ đối mặt với sự phủ nhận, tệ hơn là đổ lỗi cho nạn nhân.

Hiện nay có nhiều tổ chức thực hiện các dự án nâng cao kiến thức về phòng vệ, giúp các em thêm phần mạnh mẽ tự bảo vệ mình, nói ra sự thật xảy ra với chính mình hoặc bạn bè. Đáng buồn là đâu đó vẫn có thái độ chỉ trích, cho rằng các em đã không ý tứ trong cách đi đứng, nói năng hay ăn mặc...

Lối chỉ trích, kỳ thị của xã hội đã đẩy các em vào thế cô lập. Nếu chúng ta, mỗi người quan tâm hơn đến các em, từ cách đi thăm, đóng góp tài chính, hỗ trợ hành trình lớn lên cho đến việc thăm hỏi, động viên, hướng dẫn thông qua những dự án thì hẳn cuộc đời của các em nhỏ sẽ ít sẹo hơn.

Và tôi mong những "người lớn" ở trung tâm xã hội yêu thương trẻ nhiều hơn để có thể thay đổi cuộc đời bao đứa trẻ.

NGUYÊN HẢI

Công an vào cuộc vụ bảo vệ Trung tâm bảo trợ xã hội bị thiếu nữ tố hiếp dâm Công an vào cuộc vụ bảo vệ Trung tâm bảo trợ xã hội bị thiếu nữ tố hiếp dâm

TTO - Trước thông tin thiếu nữ tố cáo một bảo vệ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương hiếp dâm, công an đã vào cuộc xác minh, bảo vệ tạm thời chuyển sang công việc khác trong thời gian công an điều tra.

CẨM PHÔ (Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên