27/05/2014 14:45 GMT+7

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt phải đảm bảo hiệu quả

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu phương án như trên trong cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội với phóng viên Tuổi Trẻ, chiều 26-5.

XdbpV6DR.jpgPhóng to
Ông Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Việt Dũng

Tàu cá Lý Sơn bị Trung Quốc tấn công đã về đảoTrung Quốc lại đơn phương cấm đánh bắt cá ở biển ĐôngĐêm kinh hoàng trên biển

* Thưa ông, trước bối cảnh tình hình hiện nay trên biển Đông, tại phiên thảo luận tổ về kinh tế-xã hội và ngân sách vừa qua, có rất nhiều ý kiến đề nghị dùng khoản bội chi ngân sách năm nay để đóng tàu cá vỏ sắt cho ngư dân. Ông nghĩ sao?

- Chúng ta đã và đang có nhiều chính sách để hỗ trợ bà con ngư dân, trong đó có việc hỗ trợ thí điểm đóng tàu cá vỏ sắt cỡ lớn cho bà con ngư dân vươn khơi xa và bám biển dài ngày. Việc này vừa để phát triển kinh tế biển vừa góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Tôi thấy đồng tình, nhưng có nhất thiết xử lý từ nguồn bội chi ngân sách hay không, vì chúng ta còn nhiều khoản khác. Ví dụ có thể lấy khoản dự phòng trong ngân sách để mà xử lý nếu thấy việc đó là cần thiết.

* Vừa qua việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt mới chỉ thí điểm ở Quảng Ngãi, trong khi nhiều tình ven biển miền Trung khác cũng có nhu cầu?

- Lúc này nhân rộng là đúng rồi, cần thiết làm, nhưng cần tính đến yếu tố kinh tế gắn với quốc phòng, mục tiêu gắn với hiệu quả. Đừng làm cho việc đóng tàu vỏ sắt lần này trở thành một phong trào, để rồi cuối cùng phong trào đó không hiệu quả.

* Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đưa ra phương án đóng tàu cho ngư dân thuê với giá ưu đãi, không chờ người dân tự đóng. Cứ một đội tàu gỗ đánh cá, bố trí một tàu sắt lớn để làm nhiệm vụ mua hải sản cho ngư dân. Ông thấy sao?

- Chỗ này cần thận trọng. Như tôi đã nói ở trên là tôi đồng tình, mục tiêu của chúng ta là tổng hợp cả phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng đã là câu chuyện kinh tế thì phải hết sức thận trọng. Bây giờ cho vay để ngư dân đóng tàu hay đóng tàu để cho thuê?

Về bản chất vấn đề đều là cho thuê tài chính, nhưng mà có khi tốt nhất là cho vay để tự ngư dân đóng và đóng theo nhu cầu thực sự, theo yêu cầu tình hình thực tế, còn hơn là đóng cho thuê. Mà mình đóng thì có khi đóng xong con tàu đó người ta lại không sử dụng được.

* Theo ông để việc đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân trở nên khả thi, thiết thực thì ngân sách nên chi ra một khoản bao nhiêu?

- Sử dụng ngân sách dự phòng, còn cụ thể bao nhiêu sẽ do Chính phủ đề xuất. Có những khoản thuộc quyền của Chính phủ quyết định, Chính phủ sử dụng và báo cáo lại Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội ở kỳ họp gần nhất.

Còn nếu khoản chi tiêu vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, theo Luật ngân sách nhà nước, trường hợp có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh cần phải điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, song không làm biến động lớn đến tổng thể và cơ cấu ngân sách, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội.

Trường hợp có biến động lớn về ngân sách so với dự toán đã phân bổ cần phải điều chỉnh tổng thể, thì Chính phủ lập dự toán điều chỉnh ngân sách nhà nước trình Quốc hội theo quy trình lập, quyết định ngân sách.

* Ngoài vốn ngân sách, về vốn vay thương mại, ngân hàng thường ngần ngại cho ngư dân vay vì ngư dân hoạt động trên biển rất nhiều rủi ro. Cần giải pháp nào cho vấn đề này?

- Cần có cơ chế bảo hiểm tài sản, cơ chế cho vay lãi suất thấp. Ví dụ con tàu này được bảo hiểm, nếu có vấn đề gì xảy ra thì cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán cho ngân hàng. Cơ chế gì đi nữa, vấn đề ở đây là cần có sự ưu đãi cho bà con ngư dân yên tâm bám biển.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên