19/10/2020 17:11 GMT+7

Hỗ trợ mỗi tỉnh miền Trung gặp lũ 100 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Tình hình mưa lớn còn tiếp tục kéo dài tại các tỉnh miền Trung, dự báo ngày 24, 25-10 tới đây áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão sẽ hướng vào nước ta, nên nếu không có tinh thần rà soát công tác chuẩn bị thì nguy cơ xảy ra thảm họa.

Hỗ trợ mỗi tỉnh miền Trung gặp lũ 100 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ ứng phó với tình hình mưa lũ miền Trung - Ảnh: NAM TRẦN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thông tin như vậy tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và xử lý hỗ trợ khắc phục mưa lũ tại miền Trung do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 19-10.

6 tỉnh Trung Trung bộ lũ vượt mốc lịch sử, ảnh hưởng 240.000 hộ dân 

Bộ trưởng cho hay hai tuần vừa qua đã liên tục có ba đợt bão hoành hành vào miền Trung, gây hậu quả mưa lũ vô cùng lớn, thời tiết dị thường. Tình hình mưa lũ này khiến cho toàn bộ lưu vực 6 tỉnh Trung Trung bộ vượt mốc lịch sử, ngập sâu 212 xã, 240.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Mưa còn gây nên tình trạng sạt lở núi chưa từng thấy, sạt trượt không tuân thủ quy luật. Đơn cử tiểu khu 67, Đoàn kinh tế quốc phòng 337 là vùng thấp, xung quanh toàn rừng nhưng sạt lở diễn ra bất ngờ, không lường trước.

Mưa lũ đã gây ra thiệt hại lớn với 127 người chết và mất tích, ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông, đường giao thông nông thôn, công trình dân sinh và nhà nước khác, hơn 900ha lúa mùa.

Đến nay qua công tác khắc phục, có 122 điểm xã ngập sâu thì chỉ còn 88 điểm, cơ bản người dân không thiếu đói, không thiếu nước uống.

Tuy vậy, ông Cường đánh giá hiện nay mưa lớn còn tiếp tục tại Hà Tĩnh, Nghệ An, một phần Quảng Bình. Mưa lũ tại nhiều hồ chứa, nguy cơ triều cường vẫn còn, những điểm sạt lở lớn dễ xảy ra ở khu vực miền núi, nên công tác cứu hộ cần khẩn trương và đảm bảo an toàn. Vận hành hồ chứa theo quy trình linh hoạt, đặc biệt Hà Tĩnh, không để rủi ro, nguy cơ xảy ra với cứu hộ.

"Tới đây ngày 24, 25-10, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão nên nếu không có tinh thần rà soát công tác chuẩn bị, khắc phục xử lý sớm hậu quả mưa lũ thì nguy cơ thảm họa" - Bộ trưởng Cường cảnh báo cần đảm bảo an toàn trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Về kiến nghị, ông Cường nói Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương 6.000 tấn lương thực theo đề xuất để không có người nào bị đói; tỉnh nào yêu cầu thuốc, quân dụng được cấp phát ngay; 5 tỉnh miền Trung được tạm ứng mỗi tỉnh 100 tỉ đồng.

Hỗ trợ mỗi tỉnh miền Trung gặp lũ 100 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo - Ảnh 2.

Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 5 tỉnh miền Trung mỗi tỉnh 100 tỉ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ - Ảnh: NAM TRẦN

Không để dân bị đói, rét, ở trong cảnh 'màn trời chiếu đất'

Chia sẻ với những mất mát, đặc biệt từng gia đình có người bị nạn, cán bộ chiến sĩ hi sinh, Thủ tướng đánh giá cao các lực lượng trong phòng chống bão lũ như quân đội, nông nghiệp, công an, các địa phương, cơ quan báo chí, truyền thông... đã xông pha, không quản ngại khó khăn đi vào vùng lũ cứu giúp người dân.

Tuy vậy mưa lũ, bão tiếp tục đe dọa trực tiếp các tỉnh nên Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các phương án sẵn sàng cứu dân, không để dân đói, dân rét, dân ở trong cảnh màn trời chiếu đất, tích cực chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn nhưng phải an toàn.

Chỉ đạo kết luận, Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn thực hiện tốt công tác dự báo. Quán triệt tốt phương châm 4 tại chỗ, cứu hộ - cứu nạn đảm bảo người dân ra khỏi vùng nguy hiểm được an toàn; thực hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách", hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ lụt.

Các lực lượng cần tập trung vận hành công trình hồ đập an toàn, không để vỡ hồ gây thiệt hại, ảnh hưởng tính mạng cho người dân vùng hạ lưu. Lực lượng quân đội, lực lượng khác sẵn sàng phương tiện, thiết bị ứng cứu kịp thời người dân ra đến khu vực an toàn.

Thủ tướng đồng ý xuất cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, gồm cả Hà Tĩnh, thực hiện kịp thời và đúng đối tượng. Đồng ý hỗ trợ lương khô, chuẩn bị cơ số thuốc dự phòng, ngành y tế cử cán bộ hướng dẫn người dân đảm bảo vệ sinh an toàn sau lũ.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất xuất cấp phương tiện, trang bị, thiết bị cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là phương tiện nhỏ cấp thiết để cứu dân mắc kẹt ở vùng chia cắt, sử dụng an toàn, hiệu quả cho lâu dài. Đồng thời Thủ tướng đồng tình hỗ trợ cho 5 tỉnh gồm Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỉ đồng khắc phục hậu quả thiên tai...

Trước tình hình mưa lũ liên tục kéo dài, vượt qua đỉnh lịch sử và phức tạp trung thời gian tới, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần tiếp tục thực hiện theo công điện chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung lực lượng tìm kiếm theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó, tìm người mất tích và cứu dân.

Sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, vùng ngập nước sâu, nước chảy xiết, lũ ống lũ quyét.

Cùng với đề xuất khen thưởng cơ quan truyền thông báo chí tham gia tích cực tuyên truyền phòng chống lũ, Phó thủ tướng cho rằng cần xem xét các thông tin trên mạng xã hội, định hướng tuyên truyền, đặc biệt liên quan đến một số thông tin cho rằng ngập lụt và sạt lở vừa qua là do thủy điện.

Ông Dũng dẫn chứng là độ bao phủ rừng hiện nay tại Việt Nam là trên 40%, cao hơn Trung Quốc 28%, cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Miền Trung lại oằn mình dưới mưa lũ mới Miền Trung lại oằn mình dưới mưa lũ mới

TTO - Đến tối 17-10, miền Trung mưa vẫn không ngớt. Nước lũ trên nhiều sông vẫn ở mức cao và đang tiếp tục lên. Đặc biệt, nhiều vùng trũng ở Quảng Trị người dân đang phải đối diện với trận lũ lịch sử.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên