Đừng xem hộ khẩu là một thứ giấy phép
Phóng to |
Đại biểu Trần Du Lịch: “Chính cách hiểu sai tai hại về hộ khẩu đã khiến người ta cứ dùng hộ khẩu như một giấy phép cơ bản trong mọi thủ tục hành chính” - Ảnh: Mai Hương |
Góp ý cho dự thảo Luật cư trú, đại biểu Lê Đông Phong (TP.HCM) đặt vấn đề: “Bây giờ hộ khẩu bị lạm dụng: cái gì cũng đòi hộ khẩu, đăng ký vô trường cũng đòi hộ khẩu, rồi điện cũng hộ khẩu, nước cũng hộ khẩu... Tự nhiên hộ khẩu thành một thứ giấy phép”.
Không hộ khẩu không làm được gì hết!
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu: “Bây giờ ở thành phố nếu không có hộ khẩu thì không làm được gì. Chính cách hiểu sai tai hại về hộ khẩu đã khiến người ta cứ dùng hộ khẩu như một giấy phép cơ bản trong mọi thủ tục hành chính, trong khi thực tế nó chỉ là một cách quản lý của ngành công an mà thôi. Không biết trên thế giới còn bao nhiêu nước làm kiểu như ta”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thông tin ngay: “Thế giới chỉ còn ba nước: VN, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên còn dùng hộ khẩu!”.
“Đừng đẩy khó cho dân” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói. Bà Thúy đề nghị bỏ quy định phải có xác nhận của chính quyền địa phương về diện tích tối thiểu trong thủ tục xin nhập hộ khẩu vào thành phố. Bà cho rằng quy định như vậy là tạo điều kiện dễ cho quản lý nhà nước và đẩy khó cho dân.
“Nếu anh đến mà thấy nghi ngờ người dân khai báo không đúng thì cơ quan nhà nước phải tự đi xác minh, đo đạc lấy, sao lại bắt dân phải xin xác nhận” - bà Thúy phân tích.
“Yêu cầu quản lý là đơn giản, ít thủ tục, không rườm rà. Trong khi ta chọn cách quản lý thủ công - đi lên đi xuống khai báo rồi ghi ghi, chép chép. Nếu người ta muốn gian dối: họ cứ chạy lên khai báo gian dối rồi vẫn phạm tội. Tôi nghĩ ngành công an cần nghiên cứu lại cách quản lý chứ cách làm như hiện nay là phiền phức lắm! Không phải cứ phạt nặng hơn, cứ khai báo nhiều hơn là quản được” - ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Phóng to |
Người dân đến làm thủ tục đăng ký tạm trú tại Công an phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp chiều 24-5) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Hơn 5 tỉ đồng làm sổ tạm trú
Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định việc siết chặt nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương là cách quản lý thủ công, kém hiệu quả. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế, thương mại phát triển, tạo ra cơ hội công ăn việc làm, cơ hội sinh sống thì dân các nơi khác người ta mới tập trung đến.
“Nếu không có cơ hội làm ăn, sinh sống thì người ta chẳng đến đó làm gì, đến để mưu sinh chứ đâu phải đến đó để nghèo khổ hơn” - ông Vinh nói. Vì vậy, theo ông Vinh, giải pháp căn cơ phải là quy hoạch cho tốt, giãn dân bằng quy hoạch hệ thống bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, cơ sở công nghiệp... hợp lý, chứ không phải là siết chặt điều kiện nhập cư.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng có chung quan điểm: “Nên xem vấn đề tự do cư trú như tự do kinh doanh. Ở Mỹ, để hạn chế kinh doanh tại một vị trí nào đó, họ không cấm nhưng ra điều kiện muốn mở nhà hàng ở đó phải có bãi giữ xe 1.000m² chẳng hạn. Như vậy thì khó có ai có thể đáp ứng điều kiện này mà nhảy vào. Nhiều nước hạn chế cư trú ở khu trung tâm bằng cách nâng phí môi trường rất cao, thuế nhà đất rất cao”.
“Một cuốn sổ tạm trú có giá là 2.300 đồng, chi phí làm sổ tạm trú trên cả nước là hơn 5 tỉ đồng. Bây giờ dự thảo quy định 24 tháng phải đổi sổ một lần, tôi thấy rất lãng phí mà không giải quyết được vấn đề gì. Đề nghị giữ nguyên quy định như hiện nay, người dân tiếp tục dùng sổ cũ và không phải đổi” - đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) góp ý.
Cứ đưa vào, rút ra là không có kỷ cương
Góp ý về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nhận xét: “Nhiệm kỳ nào, năm nào cũng “vỡ trận” chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Lý do vẫn rất cũ là cơ quan có trách nhiệm soạn thảo trình rất chậm, chất lượng kém. Chúng ta chưa đưa ra được một chiến lược lập pháp phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Nói thêm về tình trạng này, đại biểu Trần Du Lịch ví von: “Ta cứ thấy cái gì hòm hòm là đưa vào, không được lại rút ra. Cứ đưa vào, rút ra như thế là không có kỷ cương”. Ông Lịch đề xuất: “Nếu thấy luật nào cấp thiết thì đưa vào làm ngay, sửa 1-2 điều thôi cũng được. Ví dụ như vướng trong kinh doanh bất động sản thì cứ tập hợp cả Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản - ta biết vướng cái gì rồi thì sửa luôn cái đó. Tương tự, Luật đầu tư, Luật phá sản nên đưa vào sửa chung một kỳ họp”.
Ông Lịch cũng dẫn chứng: “Ở Hàn Quốc từng có thời kỳ trong một năm phải sửa gần 1.000 đạo luật để đáp ứng yêu cầu đổi mới, dĩ nhiên mỗi luật chỉ sửa vài điều thôi. Nếu cứ làm theo quy trình của VN thì không biết đến chừng nào mới xong”.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập đúc kết: “Cái gì đất nước đang cần thì nên đưa vào sửa ngay. Nếu không đủ thời gian làm có thể kéo dài kỳ họp Quốc hội để dồn sức vào tập trung xây dựng luật, sửa luật nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Đại biểu Quốc hội nhận xây dựng dự thảo Luật biểu tình “Chúng ta nợ nhân dân Luật biểu tình quá lâu rồi. Tôi đề nghị nên đưa Luật biểu tình và Luật trưng cầu ý dân vào chương trình làm luật năm 2014. Nếu Quốc hội nhiều việc quá, không đủ kinh phí, không đủ người làm thì cá nhân tôi sẽ nhận làm việc này, vận động các luật gia xây dựng dự thảo Luật biểu tình đúng theo tinh thần Hiến pháp, đúng nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN để tiết kiệm ngân sách nhà nước và kịp tiến độ làm luật năm 2014” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã đề xuất như vậy tại buổi thảo luận tổ chiều 24-5. Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về đề xuất này, ông Nghĩa nói: “Nếu được chấp thuận thì tôi sẵn sàng soạn thảo Luật biểu tình trong vòng 3-6 tháng. Một số đại biểu đã gợi ý cho tôi nên sử dụng quyền sáng kiến lập pháp. Tôi sẽ bàn với một số đại biểu khác để đăng ký sáng kiến lập pháp và làm dự thảo luật này”. M.HƯƠNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận