03/06/2004 05:00 GMT+7

Họ đã chia chác hàng triệu USD!

N.V.Hải - Đà Trang thực hiện
N.V.Hải - Đà Trang thực hiện

TT - Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ngày 1-6 đã thực hiện lệnh bắt, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Quang Thường, phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí VN (Petro VN), nguyên giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC).

8JjRJdKb.jpgPhóng to
Ông Phạm Quang Dự
TT - Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ngày 1-6 đã thực hiện lệnh bắt, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Quang Thường, phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí VN (Petro VN), nguyên giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC).

Vì sao ông Thường bị bắt? Trong giờ giải lao Quốc hội chiều 2-6, báo chí đã tìm câu trả lời từ chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Petro VN Phạm Quang Dự.

* Tuổi Trẻ: Thưa ông, việc ông Nguyễn Quang Thường bị bắt liên quan đến một vụ việc nào trước đây ông Thường trực tiếp tham gia hay từ kết quả thanh tra mới đây?

- Ông Phạm Quang Dự: Không phải từ thanh tra. Anh Thường liên quan trực tiếp đến vụ việc mà báo chí đã nêu, cơ quan điều tra đã khởi tố và đã bắt đối tượng Nguyễn Mộng Giao (chủ một cơ sở điện lạnh ở TP Vũng Tàu - PV).

* Tuổi Trẻ: Vai trò cụ thể của ông Thường trong vụ việc đó ra sao, thưa ông?

- Hiện nay Cơ quan An ninh điều tra đang tiến hành theo các thủ tục tố tụng và họ chưa công bố.

* Thanh Niên: Được biết việc ông Nhậm (Nguyễn Xuân Nhậm - nguyên tổng giám đốc Petro VN) bị kỷ luật trước đây có liên quan đến việc ông Thường đang bị cơ quan công an khởi tố điều tra, thưa ông?

- Việc anh Nhậm, anh Ngà (Đinh Văn Ngà - nguyên phó tổng giám đốc Petro VN) bị kỷ luật (cách chức) trước đây chủ yếu là vì việc đấu thầu gói thầu số 1 Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Còn vụ hiện nay cơ quan công an đang điều tra, khởi tố vụ án là liên quan đến vụ PTSC triển khai hợp đồng mà họ được trúng thầu về xây dựng một block nhà ở trên một giàn khoan của Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau...

Cơ quan chức năng cho biết đã thực hiện quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Thường, phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí VN, về hành vi cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyễn Quang Thường cùng một số đối tượng khác đã làm giả hợp đồng mua bán vật tư, thiết bị trong ngành dầu khí, làm thiệt hại cho Nhà nước hàng tỉ đồng. Đến nay, có năm đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. V.H.Q.

* Thanh Niên, Tuổi Trẻ: Với cương vị một lãnh đạo của ngành dầu khí, ông nghĩ thế nào khi chỉ trong 1-2 năm qua đã có hàng chục cán bộ của ngành bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, điều tra, trong đó có cả những cán bộ giữ vị trí chủ chốt trong tổng công ty?

- Bấy lâu nay không phải không có những vụ việc sai phạm, tiêu cực, nhưng vì là ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân nên khi xử lý các vụ việc, các cấp rất thận trọng, thường là sợ ảnh hưởng đến công việc của ngành.

Thế nhưng quan niệm của lãnh đạo chúng tôi hiện nay lại cho rằng nếu có những sai phạm, có những tiêu cực thì cần phải xử lý. Và nếu càng xử lý tốt, càng xử lý triệt để càng làm đội ngũ cán bộ của ngành trong sạch và ngành càng phát triển tốt hơn.

* Người Lao Động: Trong dự án sợi bazan siêu mảnh, Thanh tra Nhà nước đã làm rõ các sai phạm. Nhưng sau đó chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc của Petro VN có “hợp thức hóa” một số thủ tục giấy tờ cho Công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC) trong hợp đồng mua thiết bị của Ukraine. Hiện Petro VN đã xử lý việc này ra sao?

- Theo kết luận của Thanh tra Nhà nước về bốn công trình triển khai xây dựng, trong đó có dự án sợi bazan siêu mảnh và theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm.

Căn cứ theo đúng kết luận của thanh tra, cũng như kiểm điểm của các tổ chức, cá nhân sai phạm trong tổng công ty, hội đồng kỷ luật của tổng công ty cũng đã có các văn bản kỷ luật đối với những cán bộ thuộc quyền tổng công ty quản lý.

Còn đối với những cán bộ thuộc cấp trên quản lý, như trường hợp nguyên chủ tịch HĐQT và nguyên tổng giám đốc tổng công ty sẽ do cấp trên xử lý. Hội đồng của tổng công ty cũng đã mời các vị này đến xem xét, kiểm điểm và đã gửi kết quả đó lên cấp trên để cấp trên xem xét xử lý.

* Tuổi Trẻ, Người Lao Động: Riêng phần liên quan đến ông Nguyễn Quang Thường ra sao, thưa ông?

- Trong bốn vụ này, anh Thường có liên quan đến việc xây trụ sở làm việc ở 154 Nguyễn Thái Học. Anh Thường - lúc ấy là giám đốc PTSC, là một trong hai công ty hiện đóng tại trụ sở đó, có một số sai phạm nhưng thuộc về vấn đề thủ tục khi đầu tư. Những sai phạm này, theo đánh giá của hội đồng kỷ luật tổng công ty, không lớn nên anh Thường chỉ bị đề nghị phê bình nghiêm khắc.

* Tuổi Trẻ: Những sai phạm của PTSC và cá nhân ông Nguyễn Quang Thường trong dự án block nhà trên giàn khoan của Vietsovpetro là do tổng công ty phát hiện hay cơ quan pháp luật phát hiện?

- Việc xây dựng nhà ngoài giàn khoan dầu khí là một hợp đồng được ký kết giữa PTSC và liên doanh dầu khí Việt Xô. Các thủ tục về hợp đồng, về đầu tư thì đều đúng cả, đều hợp pháp. Chỉ đến khi người ta nhận thấy những dấu hiệu không bình thường của việc thanh, quyết toán, từ đó cơ quan điều tra phát hiện ra...

* Tuổi Trẻ: Con số thiệt hại cho đến nay xác định cụ thể là bao nhiêu, thưa ông?

- Chúng tôi chưa thể nói được điều này vì cơ quan điều tra còn đang xác minh. Nhưng chắc chắn những người tiêu cực trong vụ này đã chia chác nhau một khoản tiền đáng kể, phải cỡ hàng triệu USD (!?).

* Tuổi Trẻ: Trong trường hợp này, phía nào được xác định là bị thiệt hại: tổng công ty hay liên doanh Vietsovpetro?

- Đây là hợp đồng giữa liên doanh Vietsovpetro và PTSC. Vì đây là dự án xây dựng các block và module nhà ở cho cán bộ, công nhân viên trên giàn khoan nên khó xác định có thể gây ảnh hưởng trực tiếp nào cho sản xuất. Vấn đề ở chỗ giá trị thật của công việc đó với giá trị ảo của hợp đồng người ta đã ký và thanh, quyết toán.

Giá trị của hợp đồng trên, theo chúng tôi được biết, khoảng 17 triệu USD. Nhưng còn giá trị thật của nó, theo các chuyên gia nhận định, có lẽ không tới như vậy. Cụ thể là bao nhiêu phải chờ cơ quan hữu quan xác định đầy đủ, chính xác.

* Tuổi Trẻ: Theo những gì ông vừa nói, mức độ vụ việc rất nghiêm trọng. Ông nhìn nhận ra sao về trách nhiệm của cá nhân mình trong vụ việc này?

- Vụ việc xảy ra trước năm 2000, khi tôi chưa đảm nhận chức vụ hiện nay. Tất nhiên qua vụ việc này cũng như những vụ việc mà Thanh tra Nhà nước vừa làm rõ, chúng tôi thấy mình phải có những quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các đơn vị thành viên, đặc biệt trong công tác đấu thầu và công tác cán bộ.

Về nội bộ, chúng tôi cũng có những cơ chế nhất định để kiểm tra, kiểm soát. Ngành dầu khí được giao nhiều công trình lớn và để các công trình này đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, trách nhiệm đặt ra rất nặng nề trong quản lý, đặc biệt là quản lý con người.

* Xin cảm ơn ông.

N.V.Hải - Đà Trang thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên