27/07/2015 16:48 GMT+7

“Họ đã chết cho tôi được sống”

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh quân đoàn 3, đã nói như thế khi nhắc đến đồng đội của mình.

Trung tướng Khuất Duy Tiến

Trực tiếp tham gia chiến đấu từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ, trực tiếp chỉ huy trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, đã có những đồng đội hi sinh trên tay ông.

Ở tuổi 84, đôi chân không còn khỏe, ông trở lại chiến trường Vị Xuyên, nơi hơn 30 năm trước những người lính trẻ phơi phới một tình yêu khi cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Và nhiều người trong số họ đã ngã xuống, vĩnh viễn không trở về.

“Tôi nói với bản thân mình, nói với các con tôi rằng được sống đến ngày hôm nay, được khỏe mạnh thế này là hạnh phúc. Hạnh phúc nhất trên đời này là hằng ngày thức dậy trước khi mặt trời mọc, thấy người thân của mình khỏe mạnh và đất nước được yên bình. Tôi đã trải qua cả bốn cuộc chiến tranh nên hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình.

* Được biết ông vừa đi thăm chiến trường Vị Xuyên trở về, đây từng là chiến trường ông đã chỉ huy trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, điều gì nhắc ông nhớ lại những tháng ngày ấy?

- Sau trận đánh của sư đoàn 356 ngày 12-7-1984, tôi trực tiếp chỉ huy sư đoàn 31 lên tiếp viện, khi đó tôi đang là thiếu tướng, tư lệnh quân đoàn 3.

Mặc dù thời gian sư đoàn 31 chiến đấu tại biên giới kéo dài từ cuối năm 1984 đến cuối năm 1985 nhưng cuộc chiến không khốc liệt như những tháng ngày trước đó.

Nhưng để giữ được mặt trận, giữ được từng tấc đất nơi biên cương trong khi phía bên kia thì quân giặc nổ súng, bên này sườn đồi những người lính của tôi vẫn phải giữ chặt từng hang đá không được chuyển dời. Có những hang đá thấp, những người lính ấy không bao giờ đứng được thẳng lưng, cứ hết một đợt trực đổi quân, anh em từ trên hang đá đi xuống, rất nhiều người bị đau xương, đau lưng, phần do khí núi đá lạnh, phần vì không thể nằm, ngồi, đứng thẳng lưng được.

Khi ấy thương anh em lắm. Tôi cứ nghĩ mãi bao nhiêu năm mới giành được độc lập, tưởng độc lập rồi, nào ngờ vẫn tiếp tục phải chinh chiến, tiếp tục chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Trở lại chiến trường sau 30 năm, những vết tích của cuộc chiến tranh thì không còn, làng mạc cũng đã lên xanh, những nơi từng là chiến trường đã mọc lên những làng mạc, ruộng lúa, những nơi còn sót bom mìn thì cây cối đã xanh tươi.

Nhưng tôi biết dưới những lớp đất đó, hàng trăm liệt sĩ vẫn chưa được quy tập. Ở đó, thỉnh thoảng khi người dân canh tác hay xây dựng các công trình vẫn tìm thấy những bộ hài cốt được bọc trong vải dù hoặc nilông kèm những vật dụng như biđông nước hay khẩu súng trường. Đó là những người lính hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Điều tôi đau lòng nhất là đứng trước nghĩa trang Vị Xuyên, với những dãy dài ngôi mộ chưa biết tên của hàng trăm liệt sĩ đã ngã xuống. Khi tham gia chiến đấu họ đều là những người rất trẻ, nhưng khi chết được quy tập mộ mang về thì tên tuổi thất lạc không còn.

Nhắc đến việc này khiến tôi nhớ đến người bạn chiến đấu đầu tiên đã chết trên tay tôi khi tôi còn là một người lính rất trẻ thuộc tiểu đội 310. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp, tiểu đội của tôi đánh đồn ở Tiên Hưng, Thái Bình. Anh Bảo bị trúng đạn vào ngực. Trước khi chết, anh nhìn đồn bị cháy và nấc lên ôm chặt lấy tôi. Tôi biết chắc chắn anh sẽ được những người dân ở đó chôn cất, nhưng sau này có dịp đi tìm lại thì không tìm thấy mộ của anh Bảo đâu.

Vậy nên dù năm nay đã 84 tuổi nhưng chưa năm nào vào ngày thương binh liệt sĩ mà tôi không đi viếng những đồng đội. Đồng đội của tôi là những người đã ngã xuống từ những năm 1953 cho đến năm 1985. Đó là những người mãi mãi trẻ ở lứa tuổi 20.

* Sau khi đất nước vừa thống nhất chưa được bao ngày thì xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, ông đã thấy cuộc chiến này như thế nào?

- Đó là những ngày đất nước chưa được bình yên bao lâu thì quân Pol Pot tràn sang các tỉnh biên giới. Tôi đã tham gia cuộc chiến đánh đuổi quân Pol Pot từ tháng 10-1977 cho đến năm 1979. Cuộc chiến ấy đã kết thúc gần 40 năm rồi nhưng hình ảnh khủng khiếp khi chúng tôi vào một ngôi làng ở Xa Mát (Tây Ninh) thì còn đọng mãi. Chẳng có cuộc chiến nào mà quân giặc lại tàn ác đến mức ra tay tàn sát những dân thường. Và để bảo vệ đất nước và tính mạng những người dân vô tội, chúng tôi lại ra chiến trường. Cuộc chiến nào cũng tàn khốc và để lại những hậu quả nặng nề.

Tôi tham gia cả bốn cuộc chiến và may mắn vẫn còn sống sót để trở về dù trên mình còn nhiều thương tích. Những đồng đội của tôi đã hi sinh để tôi được sống. Bởi vậy tôi vẫn nói với các con mình được sống là may mắn và hạnh phúc. Bởi bây giờ còn rất nhiều người đã hi sinh mà không còn bia mộ.

Dù Nhà nước có bù đắp thế nào, tôi có xót thương các đồng đội của tôi đến thế nào thì cũng không thể làm những người đã ngã xuống sống lại và quay trở về. Ở đời này, mạng sống của con người là đáng quý, và chiến tranh có thể tước đoạt mạng sống của bất kể ai. Đó là điều đáng sợ nhất.

* Ông vẫn theo dõi các chương trình thời sự hằng ngày chứ?

- Tôi biết phóng viên hỏi câu đó là liên quan đến tình hình biên giới phía Nam những ngày qua. Chúng ta đúng là đang gặp nhiều khó khăn từ việc bị quấy nhiễu trên Biển Đông đến vấn đề biên giới với Campuchia. Nhưng một dân tộc trong vòng chưa đầy 50 năm mà phải trải qua bốn cuộc chiến tranh khốc liệt thì không thể nào không có giải pháp đối với những rắc rối trên biển hay trên bờ.

Vấn đề là chúng ta yêu chuộng hòa bình, bản thân tôi cũng mong muốn hòa bình để nhân dân được yên ổn làm kinh tế. Hàng triệu người chết trong bốn cuộc chiến là quá đủ cho độc lập của một đất nước, vấn đề còn lại là ứng xử khéo léo để vừa giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền và trên biển mà không phải hi sinh thêm bất kể một người nào.

Hòa bình là quý giá, sự sống là quý giá, chẳng điều gì có thể đánh đổi tốt hơn đối với hòa bình, và cũng chẳng có sự đánh đổi nào quý giá hơn mạng sống mỗi con người.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên