Phóng to |
Bà Dana (bìa trái) chụp hình cùng một số bạn trẻ Việt là tình nguyện viên trong chương trình HCMC Grantmakers Forum - Ảnh: Dương Nguyễn |
Khi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2002, trong thời gian đi kiếm việc toàn thời gian, tôi đã tranh thủ đăng ký trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, khi tôi trò chuyện với bạn bè hay bất kỳ ai về công việc tình nguyện của bản thân thì đều nhanh chóng nhận lại nhiều lời khuyên: đừng nên đem chi tiết đó liệt kê vào buổi phỏng vấn xin việc, bởi theo mọi người thì công việc tình nguyện chỉ dành cho những đối tượng trẻ như sinh viên hay số ít cá nhân quá rảnh rỗi.
Điều đó chứng tỏ nhiều người Việt thời điểm này vẫn chưa xem trọng công việc hỗ trợ cộng đồng. Với họ không thể có sự giao thoa thật sự giữa công việc chính và hoạt động tình nguyện, phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, bức tranh trắng đen đó đã được cân đối, hài hòa hơn bởi nhiều sắc màu tươi sáng ở thời điểm hiện tại.
Tôi cảm nhận được sự ngạc nhiên pha lẫn thích thú khi ngày càng tiếp xúc được nhiều bạn trẻ Việt rất thành công trong công việc chính nhưng cũng luôn hết mình cống hiến cho cộng đồng, xã hội hay các tổ chức phi lợi nhuận tất cả tài năng, sức lực của mình.
So với thời điểm tôi mới đến Việt Nam thì rõ ràng các bạn trẻ này đang làm việc tình nguyện một cách chuyên nghiệp, chủ động và có trách nhiệm hơn hẳn. Họ tự phân chia chuyên môn hẳn hoi và cũng trăn trở ít nhiều, dẫu thừa biết các công việc này sẽ chẳng mang về cho bản thân chút giá trị gì về vật chất. Người dân trong xã hội hiện cũng không còn quan điểm việc tình nguyện chỉ dành cho những đối tượng rảnh rỗi như sinh viên hay người thất nghiệp nữa.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắc đến thói quen “cho và nhận” của các bạn trẻ Việt. Những tưởng xã hội ngày càng hiện đại và đầy áp lực, con người khi bị cuốn vào guồng quay này sẽ trở nên ích kỷ, xa lạ với nhau hơn... Thực tế có phải như vậy?
Trước tết, để đảm bảo tính khách quan cao nhất, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát trên mạng với sự tham gia của 200 bạn trẻ sống ở khu vực TP.HCM và một số địa phương lân cận.
30% trong số này cho biết họ tham gia hoạt động ngoại khóa ít nhất sáu tiếng mỗi tuần. Trong danh sách 15 hoạt động ngoại khóa được chúng tôi đưa ra, các bạn trẻ cho biết họ tham gia nhiều nhất ở các mảng: phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và các hoạt động xã hội mang tính nhân đạo. Hai hoạt động ít phổ biến nhất trong bảng kết quả là thể thao và tôn giáo.
92% số bạn trẻ được hỏi cho biết có đóng góp thiện nguyện trong suốt năm, 87% trong số này khẳng định việc san sẻ yêu thương với các mảnh đời bất hạnh bằng cách đóng góp vật chất, tinh thần là trách nhiệm và bổn phận của họ, nhiều người nói việc “cho đi” giúp họ tìm thấy niềm vui chân thực trong cuộc sống.
Trái tim của người trẻ Việt chắc chắn đang mở rộng hơn bởi có tới 62% trong số này tin rằng mình đã đóng góp từ thiện nhiều hơn năm trước, chỉ 10% trả lời “ít hơn”.
Nói như vậy để thấy dẫu ngoài xã hội đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp hay đọc được những câu chuyện khiến xã hội trăn trở về một lớp người trẻ Việt lớn lên trong sự ngang ngạnh, bất cần đời..., thì vẫn còn nhiều bạn trẻ trưởng thành và nhận thức rất rõ về giá trị của bản thân cũng như niềm vui, hạnh phúc giữa “cho đi” và “nhận lại”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận