12/08/2019 09:30 GMT+7

Họ cấp cho chúng tôi đất

JUAN RULFO - NGUYỄN HUY HOÀNG dịch
JUAN RULFO - NGUYỄN HUY HOÀNG dịch

TTO - Sau nhiều giờ cuốc bộ mà không thấy bóng cây nào, không một mầm cây, không một cọng rễ của bất cứ cái gì, bạn nghe thấy tiếng chó sủa.

Họ cấp cho chúng tôi đất - Ảnh 1.

Có lúc bạn còn tin, ở giữa con đường vô biên này, là chẳng có gì sau nó; là bạn sẽ chẳng thấy gì ở phía bên kia, ở cuối cái bình nguyên nứt nẻ vết chân chim và những dòng suối cạn này. 

Nhưng phải, không phải là không có gì. Có một ngôi làng. Bạn nghe thấy tiếng chó sủa và không khí có mùi khói, và bạn hít hà cái mùi của con người như thể nó là một niềm hi vọng.

Nhưng ngôi làng còn xa. Chỉ là gió đưa nó gần lại.

Chúng tôi đi từ tờ mờ sáng. Giờ đã là khoảng bốn giờ chiều. Có người nhìn lên trời, căng mắt về phía Mặt trời đang treo lơ lửng và nói:

"Đã bốn giờ chiều rồi".

Người đó là Melitón. Đi với hắn là tôi, Faustino và Esteban. Chúng tôi có bốn người. Tôi đếm: hai người đi trước, hai người đi sau. Tôi ngoái đầu lại và chẳng thấy ai. Rồi tôi tự nhủ: "Chúng tôi có bốn người". Một lúc trước, khoảng mười một giờ, chúng tôi có hai mươi người, rồi dần dần tan tác hết cho đến khi chẳng còn gì ngoài một dúm chúng tôi đây.

Faustino nói:

"Có khi sắp mưa đấy".

Chúng tôi ngửa mặt lên nhìn đám mây đen vĩ đại đang trôi trên đầu. Và chúng tôi nghĩ: "Có thể".

Chúng tôi không nói mình nghĩ gì. Chúng tôi đã chán nói được một lúc rồi. Đấy là vì nóng quá. Ở đâu còn rôm rả được, chứ ở đây thì khó. Nói ở đây rồi từ ngữ hấp thụ nhiệt bên ngoài sẽ nóng lên trong miệng, đến lúc thở xong thì chúng đã khô cong trên lưỡi rồi.

Ở đây nó là như thế. Nên chẳng ai muốn nói chuyện cả.

Một giọt nước rơi, to, nặng, tạo thành một cái lỗ trên mặt đất và để lại một đụn cát như bãi nước bọt. Nó rơi một mình. Chúng tôi chờ những giọt khác rơi. Không mưa. Giờ nếu nhìn lên trời, bạn sẽ thấy đám mây đen bay đi xa, vội vã. Gió từ phía ngôi làng thúc nó vào những cái bóng xanh của những ngọn đồi. Và giọt nước lỡ rơi đã bị Trái đất ăn mất và biến mất vào cơn khát của nó.

Thế quái nào mà cái bình nguyên này rộng thế? Để làm gì, hử?

Chúng tôi lại đi tiếp. Chúng tôi đã dừng lại để xem nó có mưa không. Không mưa. Bây giờ chúng tôi đi tiếp. Và tự nhiên tôi nghĩ chúng tôi đã đi nhiều hơn cả cuộc đời. Tự nhiên tôi nghĩ thế. Nếu trời mưa, có thể tôi đã nghĩ đến những chuyện khác. Nhưng tôi biết là từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy mưa ở trên bình nguyên cả, cái mà bạn có thể gọi là mưa.

Không, bình nguyên chẳng được cái ích lợi gì cả. Chẳng có thỏ hay chim. Chẳng có gì. Ngoại trừ đôi ba cây keo ta và lác đác mấy bụi cỏ dại lá cong xoăn tít, còn đâu thì chẳng có gì.

Và ở đây chúng tôi đang đi. Bốn người chúng tôi cuốc bộ. Chúng tôi từng cưỡi ngựa và mang theo một khẩu cạc-bin. Giờ chúng tôi thậm chí chẳng còn khẩu cạc-bin.

Tôi vẫn nghĩ bỏ khẩu cạc-bin đi là một ý tốt. Đi ở đây mà mang theo vũ khí thì thật nguy hiểm. Họ có thể giết bạn mà không cảnh cáo trước, nếu thấy bạn kè kè khẩu 30 bên hông. Nhưng ngựa là chuyện khác. 

Chúng tôi mà cưỡi ngựa thì có thể đã được hớp nước sông xanh và diễu những cái dạ dày của mình qua những con đường làng cho xuôi cơm. Chúng tôi mà còn đàn ngựa mình có thì đã xong chuyện. Nhưng họ đã đưa cả ngựa đi theo khẩu cạc-bin.

Tôi quay đầu nhìn khắp nơi và nhìn cái bình nguyên. Quá nhiều, quá nhiều đất mà chẳng để làm gì. Mắt bạn trôi tuột đi mà chẳng thấy cái gì để ngăn nó lại. 

Chỉ vài con thằn lằn thò đầu lên khỏi những cái hốc và khi thấy cái nóng thiêu đốt của Mặt trời, chúng chạy đến trốn trong bóng râm của những tảng đá. Nhưng chúng tôi, khi phải làm việc ở đây, chúng tôi sẽ làm gì để tránh nóng được hử? Bởi vì họ đã cấp cho chúng tôi cái mảnh đất khỉ gió này để trồng trọt.

Họ bảo chúng tôi:

"Từ làng đến đây là của các anh".

Chúng tôi hỏi:

"Cả bình nguyên?"

"Phải, cả bình nguyên. Cả cái đại bình nguyên".

Chúng tôi đã định nói chúng tôi không muốn cái bình nguyên. Chúng tôi muốn là muốn vùng đất bên sông kia. Từ con sông đến chỗ đó, cạnh đồng cỏ, nơi có những cái cây gọi là phi lao và đất màu và đất xốp. Chứ đâu phải là cái miếng da bò cứng ngắc gọi là bình nguyên này.

Nhưng họ không cho chúng tôi nói những thứ ấy. Tay đại biểu nhân dân không đến nói chuyện với chúng tôi. Anh ta giúi giấy tờ vào tay chúng tôi và bảo:

"Các anh có nhiều đất thế này cũng đừng có sợ đấy nhé".

"Nhưng đấy là bình nguyên, thưa đại biểu...".

"Có cả ngàn mẫu cơ mà".

"Nhưng làm gì có nước. Giồng một nhúm cũng không đủ".

"Đến mùa mưa thì sao? Có ai bảo các anh sẽ được cấp đất sẵn nước tưới tiêu đâu? Mưa một cái là ngô như phất cờ mà lên thôi".

"Nhưng thưa đại biểu, đất này bạc màu rồi, cứng lắm. Chúng tôi không nghĩ sẽ cày được qua cái bình nguyên đá sỏi này đâu. Phải lấy cuốc đánh hố lên mới gieo được hạt, mà thế cũng chưa chắc đã có gì mọc được; ngô hay cái gì cũng không mọc được".

"Các anh cứ ghi lại ý kiến. Giờ thì đi đi. Các anh có tấn công thì tấn công giai cấp địa chủ, chứ không phải tấn công cái chính quyền đã cấp đất cho các anh đâu".

"Đợi đã, thưa đại biểu. Chúng tôi có nói gì phản đối trung ương đâu. Chúng tôi phản đối là phản đối cái bình nguyên... Anh không thể chống lại cái anh không thể. Chúng tôi nói là nói thế... Đợi chúng tôi giải thích đã. Đây, chúng ta hãy bắt đầu lại từ đầu...".

Nhưng anh ta không muốn nghe.

Vậy là họ đã cấp đất cho chúng tôi như thế đấy. Và trên cái chảo bỏng giẫy này họ muốn chúng tôi gieo hạt, để xem có gì bén rễ và mọc được không. Nhưng sẽ chẳng có gì mọc được ở đây. Bọn diều hâu cũng không thèm ở đây. 

Bạn sẽ nhìn thấy chúng thường xuyên, bay rất cao, rất nhanh; cố thoát càng sớm càng tốt khỏi vùng đất cứng trắng xóa này, nơi mà chẳng có gì di chuyển và bạn bước đi như thể tiến một bước cũng là lùi một bước.

Melitón nói:

"Đây là đất họ cấp cho chúng ta đây".

Faustino nói:

"Hứ?".

Tôi không nói gì. Tôi nghĩ: "Melitón không tỉnh táo rồi. Chắc hẳn là nóng quá nên hắn mới nói năng như thế. Cái nóng xuyên qua mũ và hấp đầu óc hắn. Nếu không thì sao hắn lại nói thế? Họ đã cấp cho chúng ta đất nào hả Melitón? Đất ở đây còn chẳng đủ cho gió cuộn bụi lên".

Melitón lại nói:

"Chỗ này cũng làm được gì đấy. Có chăng làm chỗ đua ngựa".

"Ngựa gì cơ?" - Esteban hỏi.

Tôi không để ý nhiều đến Esteban. Giờ anh ta nói tôi mới để ý. Anh ta mặc một cái áo khoác ngắn đến rốn, và dưới áo khoác là cái gì đó đang thò đầu ra như một con gà.

Phải, đúng là Esteban có một con gà lông đỏ trong áo. Mắt nó đờ đẫn và há mỏ như ngáp. Tôi hỏi:

"Này, Esteban, cậu kiếm đâu ra con gà đấy?".

"Nó của tôi" - anh ta nói.

"Trước có đâu. Cậu mua ở đâu đấy?".

"Tôi có mua đâu. Nó là gà trong chuồng nhà tôi mà".

"Thế cậu mang nó đi để ăn à?".

"Không, tôi mang đi để nuôi. Nhà tôi chẳng còn ai để mà cho nó ăn, nên tôi mới mang nó theo. Cứ lúc nào đi xa là tôi lại mang nó theo".

"Cậu nhét đấy nó chết ngạt mất. Cho nó ra cho có không khí".

Anh ta kẹp nó dưới nách, rồi hà không khí nóng vào nó. Rồi anh ta nói:

"Đến vách núi rồi".

Tôi không nghe được Esteban nói gì nữa. Chúng tôi xếp thành một hàng xuống khe núi, anh ta đi đầu. Tôi thấy anh ta túm chân con gà và thỉnh thoảng lách nó qua, để nó không đập đầu vào đá.

Khi chúng tôi xuống, đất trở nên tươi tốt hơn. Bụi cuốn lên người như thể có một đoàn xe thồ chạy xuống, nhưng chúng tôi thích bụi cuốn lấy. Chúng tôi thích nó. Sau mười một tiếng lê bước trên đất cứng của bình nguyên, chúng tôi thấy thoải mái khi được bao bọc bởi cái thứ quấn quýt lấy mình và có vị của đất.

Phía trên dòng sông, trên tán phi lao xanh, là những đàn chachalaca màu xanh bay lượn. Cái đó chúng tôi cũng thích.

Bây giờ bạn có thể nghe thấy tiếng chó sủa, ngay bên cạnh chúng tôi, đó là bởi cơn gió từ ngôi làng cuộn lại trong khe núi và lấp đầy nó bằng những âm thanh vang vọng.

Esteban đã lại ôm lấy con gà khi chúng tôi đi đến những ngôi nhà đầu tiên. Anh ta cởi dây buộc chân gà ra cho nó khỏi tê, rồi anh ta và con gà biến mất sau mấy cây đậu hòe.

"Tôi sẽ thuê trọ ở đây!" - Esteban nói.

Chúng tôi đi tiếp, sâu hơn vào trong làng.

Đất họ cấp cho chúng tôi là ở trên bình nguyên kia. 

(1917-1986) là một trong những nhà văn quan trọng bậc nhất người Mexico. Mặc dù viết rất ít, chỉ với hai tác phẩm - tập truyện ngắn El Llano en llamas (1953) và cuốn tiểu thuyết Pedro Páramo (1955), có thể nói ông đã làm thay đổi cả dòng chảy văn học Mỹ Latin sau này.

Nos han dado la tierra là truyện ngắn đầu tay của Juan Rulfo, được xuất bản năm 1945 trên tờ Pan (Guadalajara, Jalisco) và cũng là truyện ngắn mở đầu tập El Llano en llamas.

Chồi non - truyện ngắn của Nguyễn Phan Quế Mai Chồi non - truyện ngắn của Nguyễn Phan Quế Mai

TTO - Lấy bối cảnh của hai thành phố lớn là Melbourne và Sài Gòn, truyện ngắn Chồi non len lỏi vào những ngóc ngách của tâm hồn con người

JUAN RULFO - NGUYỄN HUY HOÀNG dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên