12/11/2013 09:53 GMT+7

Hình thành "Nhóm lợi ích thân hữu"

MINH QUANG
MINH QUANG

TTO - Tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa doanh nghiệp (DN) và các quan chức tha hoá sẽ hình thành những “Nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Wu4xB8MV.jpgPhóng to
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 2014 tại hội trường sáng 11-11 - Ảnh: V.Dũng

Đó là nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh tại cuộc Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề “vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác PCTN”, diễn ra sáng 12-11 tại Hà Nội.

Tham nhũng, hối lộ trong hoạt động DN sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh “tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội của mọi quốc gia; nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của DN, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN trên thị trường”. Ông Tranh nhấn mạnh “đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa DN và các quan chức tha hoá sẽ hình thành những “Nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng nghiêm trọng”.

Ông Tranh đánh giá tại Việt Nam, các nguyên tắc “thiện chí, trung thực”, “không xung đột lợi ích”, “tuân thủ pháp luật” đã được thực thi rộng rãi trong giao dịch dân sự, kinh tế và từng bước được thể chế hoá thành những quy phạm pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp hay những luật chuyên ngành khác. Bộ luật Hình sự cũng quy định những chế tài nghiêm khắc với những tội phạm về hối lộ, gian lận thương mại. Tuy nhiên, ông Tranh nhấn mạnh “các quy định đó dường như vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những hành vi tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh”.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Đại sử Vương quốc Anh, ông Antony Stockes, cũng cho rằng với bất cứ quốc gia nào, sức khoẻ của nền kinh tế có thể bị chậm lại nếu có tham nhũng. Đối với Việt Nam, tham nhũng có tiềm năng phá hoạt rất lớn và nền kinh tế, DN có thể trở thành nạn nhân của tham nhũng. Do đó, cần chung tay đưa ra các sáng kiến PCTN trong lĩnh vực này. Ông Antony Stockes đánh giá cao công tác PCTN của Việt Nam, nhất là việc Ban chỉ đạo PTCN Trung ương được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư. Để thực hiện cuộc đối thoại lần này, nhiều hội thảo, bàn tròn đã thảo luận về tác động của tham nhũng đối với DN cũng như vai trò của DN trong công tác đấu tranh PCTN, đã đề cập đến vai trò của DN và Chính phủ để đưa ra những sáng kiến tăng thêm thành công cho công tác PCTN. Ông Antony hi vọng những kết quả của đấu tranh PCTN trong khu vực tư và DN sẽ tiến triển tốt như kết quả của kỳ đối thoại trước, mang lại những hiệu quả tích cực cho Việt Nam.

Tham nhũng, hối lộ trong DN diễn ra phổ biến

Tại cuộc đối thoại, ông Ngô Mạnh Hùng, phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, TTCP đã báo cáo kết quả nghiên cứu tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của DN. Tại báo cáo này, ông Hùng cho biết có 37% DN coi tham nhũng vặt (phải chi khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ công chức hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ công) là rất phổ biến; 43% coi là phổ biến và 17% cho rằng ít xảy ra. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 58% DN xem mình là nạn nhân của tham nhũng vặt. Cảm nhận về mức độ phổ biến tham nhũng vặt thì cũng có đến 80% DN cho rằng tham nhũng vặt là phổ biến và rất phổ biến.

Trong quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, các báo cáo tổng hợp của TTCP cho thấy có đến 68% DNTN phải chi trả hoa hồng trực tiếp hoặc thông qua trung gian để có hợp đồng với DNNN, họ phải chi bình quân 2,8%, thậm chí đến 10% tổng số tiền vay để trả cho dịch vụ môi giới hoặc tư vấn vốn vay ngân hàng. Theo báo cáo của VCCI thì năm 2012 có đến 41% DNTN đã đưa hối lộ để có được hợp đồng với cơ quan nhà nước, tỉ lệ này trong năm 2011 là 23%. Nếu chia theo lĩnh vực thì có 34% DNTN chi hoa hồng trong lĩnh vực sản xuất và 35% ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại và cao nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản với 43%. TTCP đánh giá đây là hình thức hối lộ thương mại, nó biểu hiện thông qua việc chi trả hoa hồng, trích thưởng, thoả thuận “gửi giá” vì động cơ vụ lợi trong thực hiện hợp đồng giữa các DN. Mặc dù pháp luật về PCTN không điều chỉnh các quan hệ này nhưng các hành vi này có tính chất tương tự hành vi tham nhũng.

Cũng theo ông Ngô Mạnh Hùng, báo cáo của TTCP còn đưa ra vấn đề tham nhũng, hối lộ trong quan hệ nội bộ DN. Cụ thể, có 68,70% ý kiến cho rằng có tình trạng ăn chia, hối lộ trong quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con; 64,70% cho rằng các cấp quản lý trong DN lạm dụng quyền hạn, sử dụng phương tiện, tài sản vào mục đích cá nhân... Việc tham nhũng trong nội bộ DN được đánh giá do nhiều nguyên nhân xảy ra và nó trở thành nguy cơ lớn nhất đe doạ sự phát triển lâu dài của DN.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên