08/03/2013 04:30 GMT+7

Hình ảnh Chavez bị "bóp méo" thế nào?

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Báo chí phương Tây đã thông tin trung thực và khách quan như thế nào khi đưa tin về Chính phủ Venezuela và Tổng thống Hugo Chavez?

yqQT3i5S.jpgPhóng to

Đầu tháng 10-2012, tiến sĩ Salter cùng một số học giả Anh đã viết thư ngỏ kêu gọi giới truyền thông Anh đưa tin khách quan, đa chiều về cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela - Ảnh: Nhân vật cung cấp

rrJwPh0H.jpgPhóng to

Một chú bé Honduras mang biểu ngữ “Chavez muôn năm” ở Tegucigalpa, Honduras - Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Lee Salter, giảng viên báo chí tại Đại học West of England (Anh), là người đã quan sát cách báo chí Anh tường thuật về cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela trong hơn mười năm. Trong bài viết trên tạp chí New Stateman, tiến sĩ Salter cho rằng nếu chỉ đọc báo Anh đưa tin về những cuộc bầu cử năm 1998, 2000 và 2006 tại Venezuela thì có thể thấy Tổng thống Chavez sắp thua đến nơi rồi!

Trên thực tế, ông Chavez được bầu làm tổng thống trong ba kỳ bầu cử trên với số phiếu bầu an toàn là 56%, 59,8% và 62,8%. Và khi đưa tin về chiến thắng của ông Chavez thì các báo này đều dùng những tính từ như “ngỡ ngàng”, “giành được đa số phiếu ngoài dự kiến”...

Thông tin tiêu cực là chính

Dĩ nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tiêu cực tại Venezuela, như chính những người ủng hộ chính phủ của Tổng thống Chavez cũng thừa nhận: tham nhũng, tội ác, thiếu nguồn cung nước... Tuy nhiên, mảng chủ đạo trong các bản tin trên trang BBC giai đoạn những năm 2000 là luôn hoài nghi về tính hợp pháp của Tổng thống Chavez.

Hàng trăm ngàn người đưa tiễn ông Chavez

Ngày 7-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại diện Nhà nước Việt Nam đã đến Đại sứ quán Venezuela tại Hà Nội đặt vòng hoa viếng Tổng thống Chavez.

Tang lễ của cố tổng thống Venezuela sẽ kéo dài một tuần. Reuters ngày 7-3 mô tả hàng trăm ngàn người xuống đường tham gia lễ rước linh cữu ông Hugo Chavez về Học viện quân sự. Đường phố ngập trong tiếng ca tụng và đám đông ném hoa, tìm cách chạm vào xe tang trong khi các bài hát, diễn văn của ông Chavez được phát khắp nơi. Ricardo Tria, người đứng đợi bốn giờ để chờ di hài được phủ cờ quốc gia đi qua, cho biết trông ông Chavez như đang ngủ một giấc thanh thản. Quan tài được đưa về Học viện quân sự ở thủ đô là nơi ông Chavez từng coi như gia đình thứ hai, và được mở nắp cho đến khi diễn ra quốc tang ngày 8-3. Hàng loạt lãnh đạo các nước trong khu vực như Bolivia, Argentina, Ecuador... đã có mặt để đưa tiễn ông Chavez. (TRẦN PHƯƠNG)

Có thể thấy BBC cố tình đi ngược lại với chính những giá trị báo chí do mình tự đặt ra về sự công bằng, trung thực và khách quan. Khi Tổng thống Chavez bắt đầu thách thức tầng lớp “có máu mặt” trong nước và những đồng minh của họ tại Mỹ, BBC ngày 12-4-1999 ngay lập tức đưa tin: “Các lãnh đạo đối lập tại Venezuela thỉnh cầu cộng đồng quốc tế can thiệp để bảo vệ nền dân chủ”. Bốn tháng sau, BBC đưa tin Venezuela đã rơi vào nền cai trị độc tài. Theo tiến sĩ Salter, BBC hiếm khi đề cập tính hợp pháp trong các cuộc bầu cử ở Venezuela cũng như việc chính phủ nước này đẩy mạnh các chương trình xã hội.

Vào thời điểm đảo chính năm 2002 do phe quân sự khởi xướng, trong một bài viết có tít phụ “Phục hồi nền dân chủ”, BBC trấn an độc giả: “Để thành lập một chính phủ chuyển tiếp, Venezuela không chọn một chính trị gia mà hướng đến chủ tịch Hiệp hội các giám đốc doanh nghiệp”. Điều mập mờ ở đây chính là danh xưng “Venezuela” đại diện cho tầng lớp xã hội cụ thể nào!

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua email, tiến sĩ Salter cho biết BBC có vẻ như tỏ ra đưa tin về Venezuela theo nhiều chiều, nhưng trọng tâm của họ lúc nào cũng tập trung vào những vấn đề tiêu cực, theo một cách tiêu cực mà họ sẽ không làm như vậy nếu đưa tin về các nước châu Âu hoặc khu vực Bắc Mỹ. “Trong khi đó, những thông tin tích cực về Venezuela như chương trình cải thiện phúc lợi quan trọng hoặc là nước hỗ trợ Haiti nhiều nhất... cùng sự thật là Tổng thống Chavez được lòng dân nhiều hơn bất kỳ lãnh đạo Anh nào đều hoàn toàn bị bỏ lơ” - tiến sĩ Salter vạch rõ và nhận xét: “Vấn đề của những cơ quan này là họ không cần quan tâm đến việc họ có trở thành cái loa phát ngôn cho Chính phủ Mỹ hay những nhóm khuynh hữu ở Venezuela hay không”.

60% và 6%

Không chỉ BBC mà nhiều tờ báo Anh (hoặc uy tín, hoặc có lượng phát hành cao) khi đưa tin về Venezuela đều tỏ rõ xu hướng đưa tin tiêu cực.

Sự kiện chấn động nhất, và cũng có lẽ là “mỏ” đề tài dồi dào để những báo này khai thác, là việc Tổng thống Chavez bị ung thư. Tờ The Sun khẳng định “nhân viên y tế tuyên bố” và “các nguồn tin cho biết” cuộc phẫu thuật của ông Chavez đã thất bại và ông không thể sống thêm được lâu.

Không khó để nhận ra sự liên hệ giữa sức khỏe của Tổng thống Chavez và vận mệnh Venezuela mà các báo phương Tây hào hứng dựng lên. Trong bài viết “Những nhà độc tài tồi tệ nhất thế giới”, báo The Times tiên đoán rằng căn bệnh ung thư của ông Chavez có thể dẫn tới sự sụp đổ của một nhà độc tài. Hoặc The Telegraph còn “lo xa” hơn khi cho rằng nếu Venezuela không có một “nhà độc tài” cai trị (thời gian Tổng thống Chavez sang Cuba điều trị) thì khoảng trống quyền lực này sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh giành quyền lực, từ đó dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị “ở mức chưa từng có tiền lệ”.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Salter, 60% bài viết của sáu tờ báo lớn tại Anh xuất bản trong thời điểm tháng 3-2011 và tháng 2-2012 đều phản ánh Tổng thống Chavez là một nhà lãnh đạo “quản lý kém”, “đáng lo ngại”, “gian dối”. Chỉ 6% bài viết đưa thêm những yếu tố tích cực. Những chính sách tiến bộ mà Venezuela áp dụng trong thời điểm này - như đề xuất xây dựng 1.200 công trình chăm sóc y tế, chữa mắt miễn phí cho hơn 100.000 người, đạo luật phân phối doanh thu dầu mỏ cho người Venezuela - hầu như không được nhắc tới.

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên