07/05/2019 14:00 GMT+7

Hiểu về cơ chế điều trị ung thư thực quản, dạ dày

ĐẮC LUÂN
ĐẮC LUÂN

TTO - Về hai loại ung thư này, cho tới nay giới y khoa vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra chúng, và điều đáng ngại nhất là cả hai chứng bệnh đều rất khó phát hiện sớm.

Ai cũng biết, với hầu hết các bệnh nói chung, đặc biệt là ung thư, việc phát hiện và chẩn đoán sớm sẽ góp phần quan trọng giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, tăng cơ hội sống cho người bệnh. 

Nhưng với ung thư thực quản và ung thư dạ dày, bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã ở các giai đoạn cuối vì những triệu chứng ban đầu có thể không có, hoặc nếu có cũng thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh ít nghiêm trọng hơn.

Ung thư thực quản phổ biến hơn ở nam giới

Ung thư thực quản là ung thư phát sinh từ thực quản (đoạn ống dài đưa thức ăn nối từ cổ họng xuống dạ dày) xảy ra ở nam cao gấp từ 3 đến 4 lần so với nữ. Theo tư liệu kiến thức về ung thư thực quản của Thư viện y học quốc gia, Viện Y tế quốc gia Mỹ, ung thư thực quản là nguyên nhân phổ biến thứ sáu gây ra các trường hợp tử vong vì bệnh ung thư toàn cầu, do đó nó là một thách thức sức khỏe lớn ở cấp độ thế giới.

Ung thư thực quản có 2 loại là ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản (gọi tắt là OSCC) và ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma, còn gọi tắt là OAC) với những khác biệt về miễn dịch học và sinh học. 

Những triệu chứng của ung thư thực quản gồm: khó nuốt, khó tiêu kéo dài, ợ nóng, nôn sau khi ăn, mất cảm giác thèm ăn và giảm cân, đau hoặc khó chịu ở phần trên của dạ dạy, ngực hoặc lưng. 

Hãy đi khám ngay nếu bạn gặp các triệu chứng như cảm thấy khó khăn khi nuốt đồ ăn, ợ nóng gần như thường xuyên và kéo dài trong 3 tuần hoặc nhiều hơn và bất cứ triệu chứng nào bất thường kéo dài.

Điều trị ung thư thực quản

Nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư thực quản hiện vẫn chưa rõ, nhưng các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bệnh này là hút thuốc, uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài, béo phì hoặc thừa cân, có chế độ ăn thiếu lành mạnh với ít rau củ và trái cây, tiền sử trào ngược dạ dày thực quản….

Nếu được chẩn đoán sớm, bệnh ung thư thực quản có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ qua đường tự nhiên bằng ống nội soi mềm theo phương pháp cắt niêm (EMR) hoặc dưới niêm (ESD) tùy theo vị trí, kích thước, mức độ ăn lan theo chiều sâu, di căn hạch, và kinh nghiệm của chuyên gia cũng như trang thiết bị sẵn có tại cơ sở.

Hiểu về cơ chế điều trị ung thư thực quản, dạ dày - Ảnh 1.

Theo chuyên gia về điều trị ung thư đường tiêu hóa này, phẫu thuật cắt bỏ khối u hiện vẫn là vũ khí điều trị tiên quyết, cho tiên lượng sống cao nhất

Lựa chọn phương pháp nào sẽ tùy thuộc tình trạng thực tế của khối u khi phát hiện bệnh. Theo trang web của tổ chức từ thiện Cancer Research UK, thường trong các giai đoạn đầu (từ 1-3) của ung thư thực quản, phẫu thuật là cách điều trị phổ biến nhất.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng - trưởng khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH (Quận 2, TP. HCM), bệnh có 4 giai đoạn, tùy loại tế bào ung thư và sức khỏe người bệnh mà các bác sĩ sẽ hội chẩn để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cũng theo chuyên gia về điều trị ung thư đường tiêu hóa này, phẫu thuật cắt bỏ khối u hiện vẫn là vũ khí điều trị tiên quyết, cho tiên lượng sống cao nhất.

Hiểu về cơ chế điều trị ung thư thực quản, dạ dày - Ảnh 2.

Mô phỏng kỹ thuật cắt bỏ thực quản và tái tạo bằng ống dạ dày

Phẫu trị trong điều trị ung thư thực quản cũng có 3 loại. Loại cắt bỏ một phần/toàn bộ thực quản (tiếng Anh là Oesophagectomy) là cách điều trị chính với ung thư thực quản giai đoạn đầu. Phẫu thuật nội soi cắt bỏ niêm mạc (tiếng Anh là Endoscopic mucosal resection - EMR) là lựa chọn đôi khi được dùng thay cho Oesophagectomy nếu khối u ở thực quản chỉ vừa xuất hiện và đặt stent vào thực quản cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Nếu có thể phát hiện khối u khi nó còn rất nhỏ, vẫn có biện pháp để loại bỏ nó hoàn toàn. Tuy nhiên nếu chỉ có thể phát hiện bệnh này ở giai đoạn muộn hơn, các biện pháp can thiệp có lẽ không mang lại hiệu quả. Trong những trường hợp này, các liệu pháp phẫu trị, hóa trị và xạ trị vẫn có thể sử dụng nhằm kiểm soát khối u và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh phát sinh.

Điều trị ung thư dạ dày

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, ung thư dạ dày là dạng ung thư phổ biến thứ 4 trên thế giới và là nguyên nhân cao thứ 3 gây tử vong trong số các trường hợp chết vì ung thư trên toàn cầu.

Các triệu chứng ban đầu của ung thư dạ dày khá mơ hồ và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác ít nghiêm trọng hơn. Chúng bao gồm tình trạng khó tiêu kéo dài; đau nhẹ thượng vị, buồn nôn. Tuy nhiên khi bệnh nặng hơn, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể gồm có máu trong phân hoặc phân có màu đen. Người bệnh chán ăn và giảm cân.

Cũng như ung thư thực quản, tới nay nguyên nhân chính xác của ung thư dạ dày vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, bạn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn nếu là nam giới, đang trong độ tuổi ngoài 50, hút thuốc, có chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thực phẩm đã qua chế biến hoặc thịt đỏ, có chế độ ăn nhiều muối và thực phẩm ngâm, dầm, bị viêm nhiễm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) gây ra.

Hiểu về cơ chế điều trị ung thư thực quản, dạ dày - Ảnh 3.

Một chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ, nhiều rau, củ, quả sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả ung thư dạ dày - Ảnh: FLICKR

Có nhiều loại ung thư dạ dày khác nhau, tuy nhiên hơn 95% các chứng ung thư dạ dày đều phát sinh trong các tế bào ở bề mặt dạ dày, còn được gọi là ung thư biểu mô tuyến ở dạ dày (adenocarcinoma).

Nhiều trường hợp ung thư dạ dày không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng vẫn có thể giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống thông qua việc sử dụng hóa trị và trong một số trường hợp sử dụng xạ trị và phẫu trị.

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, hiện tại phẫu thuật vẫn là liệu pháp điều trị duy nhất có khả năng chữa được bệnh ung thư dạ dày khi khối u còn đang khu trú ở một phần nhỏ, dù rằng liệu pháp hóa trị hỗ trợ trước phẫu thuật cũng như hóa-xạ trị cũng có thể nâng cao hiệu quả điều trị loại ung thư này.

Nếu có thể mổ được, phẫu trị có thể chữa được ung thư dạ dày, miễn là tất cả các tế bào ung thư có thể bị loại bỏ. Phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày còn được gọi là phẫu thuật cắt bỏ dạ dày (gastrectomy). Người bệnh vẫn có thể ăn bình thường sau phẫu thuật này, nhưng có thể sẽ phải điều chỉnh lượng khẩu phần ăn.

Hiểu về cơ chế điều trị ung thư thực quản, dạ dày - Ảnh 4.

Ảnh mô tả phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày - Ảnh: AIH

Hiểu về cơ chế điều trị ung thư thực quản, dạ dày - Ảnh 5.

Ảnh: AIH

Cho tới nay phẫu thuật vẫn đóng vai trò trọng yếu trong điều trị ung thư dạ dày. Trong nhiều thập kỷ qua đã có 2 tiến bộ kỹ thuật mới góp phần tạo nên cuộc cách mạng trong phương pháp điều trị ung thư dạ dày là phẫu thuật cắt nội soi và tiếp cận giảm thiểu xâm lấn.

Cho dù cách phẫu thuật là gì (mổ thường hay nội soi), theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, phẫu thuật vẫn là cách điều trị duy nhất có khả năng mang lại cơ hội sống với những người bệnh mắc ung thư dạ dày ở các giai đoạn tăng triển bệnh từ T1b tới T4 theo phân loại của họ. Dù vậy, những vấn đề quan trọng nhất và vẫn còn đang tranh cãi vẫn là mức độ cắt bỏ trong phẫu thuật và vai trò cũng như sự mở rộng của thủ thuật cắt bỏ hạch bạch huyết.

Hóa trị cũng có thể sử dụng trước phẫu trị để giúp thu nhỏ khối u và đôi khi cũng sử dụng phương pháp này sau phẫu trị để ngăn ngừa ung thư tái phát.

Việc tiên lượng về tình trạng bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có độ tuổi, sức khỏe tổng quát và mức độ di căn của tế bào ung thư (giai đoạn bệnh). Thật không may vì ung thư dạ dày thường chỉ được phát hiện ở các giai đoạn muộn và tiên lượng bệnh thường không tốt như một số loại bệnh ung thư khác.

Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH là bệnh viện đa khoa quốc tế tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ y tế theo tiêu chuẩn Mỹ, tại tất cả các chuyên khoa.

Địa chỉ: Số 199 Nguyễn Hoàng, phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Liên hệ qua tổng đài (028) 3910 9999 hoặc website: www.aih.com.vn

Ăn uống quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản Ăn uống quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản

TTO - Theo thạc sĩ Trần Thị Ngọc Châu - trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (TP.HCM), việc tiêu thụ thực phẩm quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản.

ĐẮC LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên