Trường cũng cho biết sẽ có thông báo chính thức về việc tuyển dụng nhân sự vào các chức vụ chuyên môn của trường.
Theo đại diện ĐH Tôn Đức Thắng, hướng dẫn được soạn ra để làm nguồn tham khảo cho việc bổ nhiệm và đề bạt các chức vụ chuyên môn của trường. Đây là những hướng dẫn chung, những tiêu chuẩn tối thiểu mà trường kỳ vọng một ứng viên phải đạt được trước khi làm hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm.
Mục tiêu việc đề bạt chức vụ chuyên môn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là nhận dạng những giảng viên và nhà khoa học có tiềm năng lớn; ghi nhận và trả thu nhập, chế độ cho ứng viên vì những đóng góp xuất sắc cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xã hội và nhà trường; xây dựng sự nghiệp hàn lâm cho giảng viên và nhà khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
“Bộ tiêu chuẩn để xét xem ứng viên có đáp ứng đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp hay không của chúng tôi hiện nay cao hơn tiêu chuẩn xét học hàm có cùng tên của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước về chất và về lượng” - ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng nhà trường, khẳng định. |
Theo đó, quy trình xét và bổ nhiệm dựa vào bình duyệt (peer review) trong hoạt động khoa học. Hội đồng khoa học của trường sẽ quản lý và điều hành quá trình bình duyệt.
Bước 1 - bình duyệt: sau khi nhận được hồ sơ của ứng viên, hội đồng khoa học sẽ xem xét các tiêu chuẩn tối thiểu và quyết định hồ sơ có nên gửi chuyên gia ngoài bình duyệt. Nếu gửi ra ngoài bình duyệt, hội đồng sẽ quyết định danh sách các chuyên gia bình duyệt cho từng ứng viên.
Bước 2 - phỏng vấn: dựa vào báo cáo bình duyệt của chuyên gia, hội đồng sẽ xem xét bố trí một buổi phỏng vấn ứng viên. Buổi phỏng vấn sẽ kéo dài khoảng 1 giờ, và là cơ hội để ứng viên trình bày viễn kiến, nguyện vọng và chương trình làm việc trong tương lai. Hội đồng khoa học sẽ báo cáo cho hiệu trưởng kết quả bình duyệt và phỏng vấn, và đề nghị quyết định.
Bước 3 - quyết định: dựa vào đề nghị của hội đồng, hiệu trưởng sẽ xem xét phê chuẩn bổ nhiệm hay đề bạt ứng viên.
Trường có hai bộ tiêu chuẩn cho ứng viên chuyên giảng dạy và ứng viên chuyên nghiên cứu khoa học. Ứng viên phải chọn một trong hai ngạch khi đệ đơn. Ở mỗi ngạch, trường bổ nhiệm hay đề bạt ba chức vụ: trợ lý giáo sư (Assistant Professor); phó giáo sư (Associate Professor); giáo sư (Professor).
Ngoài ra, trường còn có chức danh giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor) dành cho các nhà khoa học có những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế, và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của trường.
Theo lãnh đạo nhà trường, các chức vụ chuyên môn sẽ được đánh giá lại sau một thời gian nhất định, tùy chức vụ. Những người giữ các chức vụ chuyên môn nhưng không đạt năng suất khoa học theo yêu cầu sẽ được bãi nhiệm chức vụ, nhưng vẫn có thể tiếp tục công tác tại trường.
Xem tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức vụ chuyên môn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại đây.
Trước đó, đại diện Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự ý phong chức danh giáo sư, phó giáo sư là vi phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận