Trong 5 năm làm công việc bảo vệ công viên sông Tiền, ông Tám Cuộc gần chục lần quên mình cứu người dưới dòng nước dữ - Ảnh: CHÍ HẠNH
Tám Cuộc là cái tên thân thương mà các anh bảo vệ dân phố, người dân và các chiến sĩ Công an phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hay gọi đối với ông Nguyễn Thành Cuộc.
Ông Tám Cuộc năm nay đã 69 tuổi, gầy gò chỉ 45kg vì mang trong mình căn bệnh hen phế quản rất khó thở, hay cứu người ấy cũng được mọi người gọi luôn là "hiệp sĩ".
Ông "hiệp sĩ" già ở công viên
Hằng ngày, ông Tám Cuộc phụ trách làm bảo vệ ở công viên Sông Tiền, thuộc phường 1, TP Vĩnh Long. Tuổi đã cao, mắt kém phải đeo cặp kính cận dày cui nhưng tai ông Tám Cuộc rất thính. Chỉ cần đâu đó trong khu vực công viên có tiếng kêu cứu là ông nhanh như chớp lao đến cứu người.
Ông Tám Cuộc nhớ lại lần cứu người gần nhất cách nay hơn một tháng: "Lúc đó đã hơn 5 giờ chiều, tui đang dạo quanh công viên làm nhiệm vụ thì nghe tiếng kêu cứu văng vẳng từ ngoài bờ kè sông Tiền. Từ chỗ tui đến đó tầm hơn ba chục thước, tui chạy lại rồi lao thẳng xuống tìm người bị nạn".
Ông Tám Cuộc kể khi đó ông còn đang mặc nguyên bộ đồng phục bảo vệ, liều thuốc trị bệnh trong túi cũng không kịp lấy ra, cứu xong (một cậu bé) thì mất luôn cặp kính cận đeo trên mắt.
"Hai anh em cậu bé tắm sông, nước buổi chiều lên cao và ngã ba sông nước xoáy dữ dội khiến ghe thuyền qua lại lao chao. Một trong hai đứa nhỏ tầm 10 tuổi bị nước cuốn ra xa gần chục thước ngoài sông Tiền, đứa còn lại kêu cứu.
Khi chụp được thằng nhỏ, tui lấy hết sức vật lộn với dòng xoáy và kéo hai hơi thật sâu lặn đưa nạn nhân vào bờ. Bữa đó, tui mà chậm một chút coi như xong", ông Tám Cuộc chỉ tay về hướng cầu Cái Cá và kể lại.
Do mắc căn bệnh hen phế quản, mỗi ngày ông Tám Cuộc phải đến cơ sở y tế để truyền dịch điều trị. Sau đó ông và vợ mình là bà Châu Thị Thanh (69 tuổi) quay lại công viên Sông Tiền kiếm sống.
Với công việc bảo vệ công viên, mỗi tháng ông Tám Cuộc kiếm 2,6 triệu đồng tiền lương hỗ trợ. Còn vợ ông thì bám đường bằng nghề giữ xe, bán nước cho khách kiếm sống qua ngày.
"Thấy ổng ốm vậy đó nhưng không yếu đâu, ổng ham cứu người lắm. Lâu lâu cứ lại hú vía vì thấy ổng lao xuống sông cứu người", bà Thanh nói về chồng.
Ngày bám đường, đêm bám vườn
Nhắc đến ông Tám Cuộc, ông Võ Hồng Châu, đội trưởng đội dân phòng phường 1, TP Vĩnh Long, không ngớt lời khen: "Vợ chồng già nhưng chịu thương chịu khó lắm, ban ngày bám đường kiếm kế sinh nhai, đêm thì lên phường Trương An canh giữ vườn cho người khác…".
Ông Châu còn kể chuyện cười ra nước mắt của ông Tám Cuộc, là chuyện giữa năm 2018 có một phụ nữ tuổi trung niên lội ra sông định tự tử. Khi người dân tri hô, ông Tám Cuộc vội lao nhanh như cắt xuống cứu.
"Nhưng bữa đó Tám Cuộc xui xẻo, cứu người phụ nữ lên bờ thì bị người này mắng thậm tệ. Bà ấy bảo sao không để bà được 'toại nguyện'", ông Châu nhớ lại.
Cũng theo ông Châu, vì thấy vợ chồng Tám Cuộc vất vả nhiều ở tuổi xế chiều nên ông mới xin phường cho ông ấy về đây làm bảo vệ để kiếm sống.
"Gia cảnh trước đây của anh Tám rất khó khăn, không nhà cửa đất đai. Hai vợ chồng làm nghề chài cá, nay đây mai đó, phiêu bạt khắp các dòng sông để kiếm con cua, con tép ra chợ bán. Khi tui giới thiệu ảnh về đây, anh em trong đội dân phòng kêu gọi nhau cùng quyên góp mua cho vợ chồng ảnh miếng đất nhỏ, rồi phụ ảnh cất nhà. Giờ ảnh cũng tạm ổn đôi chút" - ông Châu nói.
Ông Châu còn bảo ông Tám Cuộc đã cứu gần chục mạng người nhưng chưa nhận của ai một đồng hậu tạ. Ngoài việc bảo vệ công viên, ông Tám Cuộc còn hay thông tin kịp thời cho công an phường bắt hàng chục đối tượng sử dụng ma túy.
"Nhưng phải nói đáng khen nhất là nhiều lần cứu người đuối nước của anh Tám Cuộc. Anh em cũng tính làm báo cáo để anh Tám có cái bằng khen cho phấn khởi trong lòng", ông Châu chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận