Trong những câu chuyện của mình, ông Nguyễn Hoàng Phúc đã nhắc tới hoa hậu Đỗ Mỹ Linh là hoa hậu đầu tiên đăng ký hiến tạng, cô cũng tặng viện phí 300 triệu đồng cho một chú bé nghèo ghép tim - Ảnh: MISS WORLD VIỆT NAM
Trái tim để lại của cựu chiến binh và hiệu ứng từ bé Hải An
Người cán bộ y tế đó chính là phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia - Nguyễn Hoàng Phúc.
Ông Phúc đã kể câu chuyện xúc động này cùng rất nhiều câu chuyện cảm động và cả hài hước xung quanh chuyện đăng ký hiến tạng mà ông từng chứng kiến, trong buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết về chủ đề hiến tạng của nữ nhà văn Pháp Maylis de Kerangal có tên Khi trái tim còn đập mới đây tại Hà Nội.
Ông Phúc kể, trong số những người từng hiến tạng có một bộ đội phục viên. Người đàn ông này một ngày trên đường đi làm thì bị tai biến và không qua khỏi. Gia đình đã quyết định hiến tặng quả tim của ông.
Các cán bộ y tế đã đưa trái tim lên máy bay từ Hà Nội vào Huế để cứu sống một người bệnh khác. Cháu của người hiến tạng đã để lại một bình luận xúc động về chuyến bay đặc biệt của cậu mình: "Cậu được đi máy bay".
Thì ra đây là lần đầu tiên người đàn ông này "được đi máy bay". Chuyến bay đầu tiên và duy nhất trong đời người cựu chiến binh cuối cùng đã là một chuyến bay thật cảm động, mang đến sự sống cho một người đang bên bờ vực tuyệt vọng và mang đến hạnh phúc tột cùng cho cả một gia đình.
Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia còn kể rất nhiều câu chuyện khiến người nghe phải rưng rưng. Ông kể, sau câu chuyện vỡ òa xúc động của bé Hải An với đôi giác mạc được gửi lại cho đời sau khi em chia tay cuộc sống, rất nhiều người đã lập tức tìm đến với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, bỏ hết cả họp hành, công việc để đến đăng ký hiến tạng. Hội khóa 91-94 thậm chí còn mời các ông đến để làm đăng ký hiến tạng cho cả tập thể.
Khi trái tim còn đập, cuốn tiểu thuyết cảm động về chuyện ghép tạng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Khi người đến đăng ký hiến tạng muốn tự tử
Ông Phúc cho biết, với đặc thù công việc của mình, ông cùng nhiều đồng nghiệp của mình không bao giờ có cơ hội nghỉ phép thoải mái một ngày nào. Căng thẳng, mệt mỏi, nhưng phần thưởng dành cho ông và đồng nghiệp là rất lớn: đó là sự sống hồi sinh kỳ diệu.
Công việc cũng nhiều phen khiến ông dở khóc dở cười, nhưng cuối cùng vẫn cứ là niềm vui vì đem lại niềm vui sống cho nhiều người.
Ông Phúc kể, nhiều người còn chưa hiểu về chuyện hiến tạng, nên ông từng gặp rất nhiều ca…khó đỡ. Ấy là khi nửa đêm ông nhận cú điện thoại của một người lạ gọi đến bảo họ không muốn sống nữa, họ chuẩn bị tự tử, mới ông đến chỗ này chỗ kia mà… lấy tạng.
Những lúc như thế, ông Phúc đành phải làm "chị Thanh Tâm" bất đắc dĩ, nhẫn nại, dỗ dành và khuyên nhủ, cho tới khi họ bình tâm trở lại để trở về trân quý cuộc sống. Để thức tỉnh được người đang muốn tự tử, có khi ông Phúc phải làm "chị Thanh Tâm" cả đêm. Hôm sau mặt mũi bơ phờ vẫn phải đi làm.
Lại có khi cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia còn phải đi… tìm việc cho người từng muốn tự tử và tìm đến trung tâm để… cho tạng. Lại có lần, mới sáng sớm đến Trung tâm làm việc, ông Phúc đã thấy có người chờ sẵn.
Đó là một người đàn ông vừa từ miền Trung ra. Ông nói ông chỉ mua vé một chiều. Tới đăng ký hiến tạng xong là "đi luôn", không muốn sống nữa. Vậy là ông Phúc lại phải mất cả buổi sáng để trò chuyện chia sẻ vơi bớt nỗi niềm cũng người đàn ông kia, sau đó mua tấm vé xe khách 1 triệu đồng cho người đàn ông vừa "thức tỉnh" trở về quê.
Kẻ cắp trả lại ví vì… thương người hiến tạng
Từng đăng ký hiến tạng từ cách đây 10 năm, nhà văn Di Li cũng mang đến nhiều câu chuyện vừa cảm động vừa… buồn cười liên quan tới chiếc thẻ đăng ký hiến tạng của mình.
Chị kể, một lần chị lơ đãng nên đã không để ý mà vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông giữ lại, yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Lóng ngóng thế nào chị rút nhầm thẻ đăng ký hiến tạng mà chị luôn mang theo trong ví. Anh cảnh sát giao thông ngó nghiêng tấm thẻ hồi lâu rồi nói: "Đăng ký hiến tạng à? Thế thì đi đi".
Cảm động và hài hước hơn nữa là một lần chị bị kẻ gian móc mất ví. Ví không có nhiều tiền nhưng tất cả giấy tờ cá nhân, và đặc biệt là thẻ đăng ký hiến tạng đều ở trong đó.
Đang thẫn thờ vì chuyện buồn thì chị nhận được một cú điện thoại đặc biệt. Người đàn ông ở đầu dây bên kia bằng giọng buồn bã, hối lỗi và cả đầy thương xót hỏi chị rằng: Chị có vấn đề gì mà phải đi đăng ký hiến tạng thế? Chắc chị khổ lắm. Thôi tôi trả lại ví cho chị…".
Khi trái tim còn đập là cuốn tiểu thuyết kể về hành trình hiến tặng trái tim của một chàng trai 19 tuổi. Simon Limbres gặp tai nạn trên đường trở về nhà sau một lần đi lướt sóng vào sáng sớm. Cậu được chẩn đoán đã chết não, nhưng trái tim vẫn còn đập.
Và kể từ đây bắt đầu hành trình của trái tim trẻ trung đầy nhiệt huyết của Simon hồi sinh trong lồng ngực của bà Claire, một người phụ nữ đã nhiều năm sống khổ sở với trái tim bệnh tật.
Cuốn tiểu thuyết này đã nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín của Pháp như: Giải thưởng lớn RTL-Lire, giải tiểu thuyết hay nhất do tạp chí Lire bình chọn; Giải thưởng Văn hóa Pháp - Telerama... Năm 2016, cuốn sách đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, và được đề cử cho Giải thưởng Kịch bản phim xuất sắc tại César Awards.
Nhà văn Di Li cho biết chị rất kính nể tác giả tạo nên tuyệt tác này. Cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn hiện thực pha trộn giữa sự sống và cái chết. Trang trước còn là cái chết thì trang sau đã ngời lên sự sống.
Sách do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành mới đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận