26/02/2013 04:25 GMT+7

Hiến kế điểm sàn

PHÚC ĐIỀN ghi
PHÚC ĐIỀN ghi

TT - Nhiều nhà giáo tiếp tục bày tỏ băn khoăn về khả năng hạ chuẩn đầu vào.

Thầy Phan Thanh Nhuận (phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Quảng Nam):

Nguy hại từ việc “hạ sàn”

Việc hạ chuẩn đầu vào ĐH, CĐ vô cùng nguy hại trong điều kiện VN thừa thầy thiếu thợ nhiều năm qua. Trong khi đó, các trường nghề đua nhau lên CĐ, các trường CĐ lên ĐH, chỉ tiêu ĐH, CĐ vì thế cũng tăng theo. Công tác hướng nghiệp của ta hướng HS đến việc làm sao đậu ĐH chứ không hướng HS đến những con đường khác để vào đời. Chính sách tuyển sinh đang đẩy các trường trung cấp vào tình thế nguy hại hơn.

Theo tôi, nếu bộ thật sự muốn ưu tiên cho HS các vùng khó khăn, nên đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục phổ thông ở những địa phương đó, hỗ trợ để giảm cách biệt chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương. Hiện nay chưa có được cơ chế này, chúng ta không nên hạ sàn. Mặt khác, nếu muốn mở rộng đầu vào ĐH, CĐ ta có thể tham khảo mô hình trường cộng đồng ở các nước, tức là tạo điều kiện dễ dàng ở đầu vào ĐH, CĐ nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Nếu lỏng đầu vào, quá trình đào tạo cũng lỏng tất sẽ cho ra một nguồn nhân lực yếu, nguy hại cho xã hội.

Thầy Nguyễn Duy Oanh (giáo viên phụ trách hướng nghiệp Trường THPT Cái Bè, Tiền Giang):

Nỗi lo cho 3-4 năm sau

Tâm lý phụ huynh ai cũng muốn con em mình vào ĐH. Nếu bộ ưu tiên cho HS và các trường một số khu vực khó khăn là quá tốt, nhưng cần phải xem việc quản lý quá trình đào tạo như thế nào và chất lượng sản phẩm đầu ra. Hạ sàn đồng nghĩa giảm điểm chuẩn vào ĐH là chuyện mừng trước mắt. Nhưng quan trọng đầu ra các em làm được gì để không phải tủi hổ với mảnh bằng của mình. Ưu tiên điểm đầu vào tức là tạo thêm nguồn tuyển cho các trường địa phương, nhưng rất dễ thấy nguồn tuyển này chất lượng không cao, các trường (vốn đang khó khăn hơn các trường ở đô thị lớn về mọi mặt) sẽ khó khăn hơn khi đào tạo nguồn tuyển này. Bây giờ mở rộng đầu vào phải tính chuẩn đầu vào, cần tính đến việc làm cho các em sau 3-4 năm học ĐH, CĐ.

Thầy Nguyễn Đức Thẩm (Trường THPT Cẩm Mỹ, Đồng Nai):

Không chỉ có ưu tiên điểm sàn...

Đối với HS ở vùng sâu vùng xa điều kiện học tập khó khăn, các em chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình học phổ thông, điều này dẫn đến việc các em khó có thể đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH. Tây nguyên, Tây Bắc và Tây Nam bộ rõ ràng là những địa phương khó khăn nhiều hơn, nhưng cần xác định rõ mục đích việc tăng điểm ưu tiên trong tuyển sinh vào các trường ĐH ở khu vực này nhằm mục đích gì. Nếu vì lợi ích HS, chúng ta không chỉ có ưu tiên điểm sàn, nên có thêm nhiều ưu tiên về chính sách học bổng, học phí cho HS vùng sâu nói chung (chứ không riêng các tỉnh “ba Tây”). Đồng thời phải có chính sách thu hút các em về địa phương mình. Nếu chỉ ưu tiên hôm nay nhưng sau này các em vẫn tập trung ở các trung tâm đô thị thì việc ưu tiên có ý nghĩa gì? Những khu vực khó khăn hôm nay, sau này vẫn tiếp tục là vùng trũng.

PHÚC ĐIỀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tuyển sinh điểm sàn