09/05/2015 07:57 GMT+7

​Hiến kế dẹp tật phun nước miếng ngoài đường

TTO
TTO

TT - Câu chuyện “Đừng phun nước miếng khi chạy xe ngoài đường” của tác giả TS.BS Trần Bá Thoại (Tuổi Trẻ ngày 3-5) đã khơi mào cho rất nhiều ý kiến bạn đọc bàn luận trên Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) tuần qua.

Đồng tình với tác giả, hầu hết ý kiến bạn đọc cho đây là một thói hư tật xấu cần loại bỏ. Bạn đọc Văn Trần viết:

 “Bài viết này phản ánh đúng tình trạng thường thấy trên đường và bản thân tôi đã rất nhiều lần gặp phải. Đó là đang đi trên đường, thấy có người phía trước khạc nhổ, không ngờ cả bãi nước miếng văng vào mặt mình. Có lần tôi đã bối rối đến mức loạng choạng tay lái và té xe. Những lần khác vừa lau nước miếng vừa muốn khóc”. Bạn đọc nick name Buithuy cũng bày tỏ: “Rất hoan nghênh người viết bài này. Hãy đăng nhiều về vấn đề này và tuyên truyền đến nhiều người”.

Bên cạnh việc phê phán hành vi khạc nhổ ngoài đường làm ảnh hưởng đến người khác, nhiều ý kiến đã hiến kế các giải pháp nhằm triệt tiêu tận gốc rễ thói xấu này. Trong đó, nhiều người đề nghị nên đưa vào luật xử phạt những trường hợp như thế này để giữ gìn nét văn minh đô thị.

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cho rằng thực tế việc xử phạt hành vi này không phải chuyện dễ làm, cách đem lại hiệu quả thiết thực nhất là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi bằng mọi hình thức để nâng cao ý thức của người dân.

Bạn đọc nick name nguyencuong đưa ra câu hỏi cũng là câu trả lời khi viết: “Toàn quốc có hàng triệu người đi đường thì làm sao giám sát và xử phạt? Hành vi này do ý thức mỗi người mà thôi!”. Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Quan Tâm cho rằng: “Phạt chỉ là phần ngọn. Được dạy dỗ từ ông bà, cha mẹ, từ nhà trường để hình thành nhân cách chuẩn mực mới là gốc”.

Đồng tình với nhận định mọi thứ đều bắt nguồn từ thói quen và ý thức con người, bạn đọc tên Phong đề nghị: “Phải treo nhiều băngrôn dọc đường, đưa vào các cơ quan, trường học để nhắc nhở nhiều người nhớ mà nhịn không phun nước miếng bừa bãi”. Còn bạn đọc Nguyễn Minh Phụng gửi gắm chia sẻ: “Mình nghĩ nên giáo dục từ lúc còn ở mẫu giáo, trẻ được dạy từ nhỏ sẽ không có thói quen xấu này”.

Để dung hòa việc xử phạt và kêu gọi ý thức con người, bạn đọc Lý Tuấn Dương phân tích: “Chúng ta phải học hỏi nhiều ở Singapore. Thói quen xấu rất khó loại bỏ được nếu không sử dụng pháp quyền. Nhà trường cần tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh sinh viên thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức về văn hóa như chương trình Mùa hè xanh chẳng hạn. Song song đó Nhà nước phải ra luật, tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, nơi công cộng để giáo dục ý thức của toàn thể người dân”.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên